Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi
Sinh ra trong gia đình làm nông, từng ngày chứng kiến đất nông nghiệp quê mình khô cằn, hoang hóa, anh Trần Văn Dũng (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) không khỏi xót xa. Khi chính quyền địa phương, Đoàn Thanh niên và Hội Nông dân xã phát động phong trào cải tạo, khôi phục đất hoang hóa, anh mạnh dạn thuê lại đất bỏ hoang của các hộ dân trong xã để tái sản xuất, trồng trọt. Sau thời gian dài mày mò nghiên cứu, tìm hiểu và thử nghiệm để tìm ra cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, anh Dũng quyết định hình thành vùng nuôi ốc bươu đen thương phẩm và trồng cây ăn quả. "Với diện tích hơn 1 ha đất thuê được, tôi dựng khung, phủ bạt nuôi ốc bươu đen. Phần đất còn lại trồng thí điểm dưa hấu và hoa màu theo mùa". Theo anh Dũng, việc nuôi ốc bươu đen và trồng rau củ quả theo hướng hữu cơ giúp tạo sự cân bằng sinh thái, cải thiện môi trường canh tác. Nước từ ao nuôi ốc bươu đen có thể tái sử dụng để tưới, bổ sung dinh dưỡng cho cây, giảm bớt nhu cầu sử dụng phân bón và nước sạch.
Tương tự, tại xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang), nhiều diện tích đất bị bỏ hoang do trồng lúa kém hiệu quả. Thực hiện mô hình “Nông dân Hòa Khương quyết tâm khai thác hiệu quả đất nông nghiệp bị bỏ hoang” do UBND và Hội Nông dân xã phát động, nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Trên những mảnh ruộng hoang, người dân chuyển sang đào ao trồng hoa sen, hoa súng kết hợp nuôi cá, ốc bươu đen cho hiệu quả kinh tế cao. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Khương Trần Văn Mười cho biết, từ năm 2023 đến nay, nông dân xã Hòa Khương tích cực cải tạo đất hoang, tái sản xuất. Qua đó, hơn 8,5 ha đất bỏ hoang được khôi phục sản xuất, mang lại thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Gặt hái quả ngọt
Từ năm 2021, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) là địa phương tiên phong “đánh thức” đất hoang và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay, có khoảng 15 ha trong tổng số 20 ha đất hoang đã được khôi phục, sản xuất hiệu quả, trong đó 10 ha trồng lúa và 5 ha trồng hoa sen, hoa súng. Hai năm gần đây, nhờ thời tiết thuận lợi và chọn giống lúa phù hợp, nông dân sản xuất lúa được mùa, đạt sản lượng 70 tạ/ha. Đặc biệt, cuối năm 2023, sản phẩm gạo của xã Hòa Tiến được UBND huyện Hòa Vang công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao giúp nông dân thêm phấn khởi. Tại xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), để khôi phục 70 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhiều năm, UBND xã Hòa Phong phối hợp với các bên triển khai mô hình dân vận khéo “Khôi phục đất bỏ hoang”, trồng lúa nước nhằm chủ động nguồn nguyên liệu cho làng nghề bánh tráng Túy Loan theo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm thuộc chương trình OCOP. Trong năm 2023 và 2024, địa phương đã khôi phục khoảng 27 ha đất nông nghiệp bỏ hoang để trồng lúa, nếp hương, năng suất đạt hơn 50 tạ/ha, bước đầu mang lại thu nhập cho bà con nông dân.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang Nguyễn Văn Vân, toàn huyện có gần 200 ha đất sản xuất nông nghiệp bị hoang hóa. Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 là khôi phục đất hoang, huyện yêu cầu Hội Nông dân 11 xã vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân cải tạo ít nhất mỗi xã 2 ha đất hoang/năm, chuyển sang sản xuất, nuôi trồng các loại cây, con phù hợp. Trên tinh thần những cánh đồng có nước sẽ khôi phục sản xuất lúa, nếu không trồng được lúa thì chuyển sang nuôi cá nước ngọt, trồng hoa sen, hoa súng. Những diện tích đất bỏ hoang liên quan đến dự án và không thuộc đồng ruộng sẽ chuyển đổi trồng các loại cây như bưởi, chuối, mít và một số cây ăn quả thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Bằng sự quyết tâm, nỗ lực, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện đã “đánh thức” hơn 18 ha đất hoang. Để tiếp tục khích lệ, động viên phong trào khôi phục đất hoang hóa, Hội Nông dân huyện Hòa Vang đã và đang đề xuất HĐND, UBND huyện hỗ trợ kinh phí, cây giống, con giống giúp nông dân yên tâm, tiếp tục bám đất, bám làng để sản xuất, phục hồi đất nông nghiệp hoang, góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế địa phương.