Danh mục có gì?

Tính đến khi kết thúc phiên giao dịch 14/6, VN Index đã có bảy phiên liên tục trụ vững trên ngưỡng 1.100 điểm. Ngưỡng cản 1.100 điểm tưởng chừng khó chinh phục đã bị VN Index vượt qua tương đối dễ dàng trong lần này. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư (NĐT), dù cho điểm số của thị trường đang thuận lợi, nhưng danh mục có sinh lời hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
0:00 / 0:00
0:00

Một NĐT cho biết, anh mua vào cổ phiếu (CP) CTD hồi cuối tháng 5 ở vùng giá 65.000 đồng/CP, nhưng trải qua vài phiên, CP này không tăng tiếp, thậm chí có lúc quay về ngưỡng 63.000 đồng/CP nên anh quyết định bán ra và chuyển sang CP khác. Ít ngày sau khi chuyển danh mục, anh có lãi, nhưng vào ngày 12/6 vừa qua, đã có lúc CTD tăng giá mạnh lên đến 71.000 đồng/CP, tức khoảng 10% so với giá anh đã mua vào. Và đem so sánh tỷ suất sinh lời của CTD trong cùng khoảng thời gian anh chuyển danh mục thì… như nhau. Như vậy trong trường hợp này, anh đã phải mất công chuyển danh mục, nhưng hiệu quả không cao hơn nếu so với việc giữ danh mục cũ.

Tình trạng kể trên vốn khá phổ biến khi thị trường bước vào một đợt tăng trên diện rộng, hay có thể gọi là uptrend, nhưng NĐT kể trên cũng còn khá may mắn vì còn có lãi, vì có những NĐT không có lãi trong uptrend, thậm chí lỗ. Một môi giới chứng khoán với thâm niên 20 năm trong nghề phân tích: Vào uptrend, vấn đề không phải là index (điểm số) nữa mà là NĐT đang giữ CP nào. Nhìn một cách tổng thể, uptrend thì CP nào cũng tăng, nhưng giữ được CP để hưởng lợi nhuận xứng đáng lại không dễ dàng.

Về mặt cục diện, giá CP thường ít “nghịch biến” trong uptrend, tuy nhiên đồng biến thì còn tùy lúc. Chẳng hạn, VN Index có thể tăng 5-10 điểm, nhưng nhiều CP lại… bất động, thậm chí quay đầu giảm trong phiên, cuối phiên mới tăng lại. Đứng trước diễn biến kiểu này, NĐT thường chọn cách chuyển danh mục, góp phần làm giá CP biến động mạnh hơn, nhưng do uptrend của thị trường và cũng có thể do định giá của CP hấp dẫn, nên đến cuối phiên, giá lại được kéo về mức tham hoặc chỉ giảm rất nhẹ.

Điều này khiến cho việc đứng ngoài nhìn thị trường sẽ cảm nhận dễ, mua gì cũng lãi, nhưng đến khi “xuống tiền” thì lại không dễ giữ được CP trong danh mục trong suốt thời gian dài. Còn về chỉ số chứng khoán, nhìn chung khi nhiều CP đi ngang thì chỉ cần vài CP trụ cột tăng giá, chỉ số sẽ tăng, tạo nên sự hứng khởi trên thị trường, nhưng đồng thời cũng tạo ra sức ép nếu NĐT sở hữu không đúng CP có sức bật.

Diễn biến của thị trường chứng khoán trong hai tuần qua cho thấy, sóng xuất hiện từ mức ngắn đến… siêu ngắn trên nhiều nhóm CP và xoay quanh các nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Theo đó, việc mua CP khi bắt đầu có sóng, thì chưa chắc đến thời điểm chiều ngày T+2 đã có thể có lãi. Đôi khi sóng của một nhóm CP chỉ tăng một phiên, rồi quay đầu giảm. Và điều này khiến cho NĐT nếu mua, nhưng lựa sai thời điểm (timing) để bán ra thì có thể chịu lỗ, hoặc lãi ít.

Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, sẽ dễ thở hơn, nếu NĐT biết chọn lựa những CP có nền tảng, kiên nhẫn chờ đợi vì phần lớn số này sẽ lên giá theo uptrend. Nhưng chờ đợi như thế nào, bám sát thị trường, nhưng vẫn phải có tầm nhìn trung, dài hạn lại tùy thuộc vào khả năng, kinh nghiệm của mỗi NĐT.