Nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc:

“Đáng sợ nhất là những tác phẩm nửa vời”

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc là một trong những nhà sản xuất phim đã đưa nhiều dự án phim độc lập Việt Nam ra các chợ phim quốc tế. Trong số đó có “Tro tàn rực rỡ” (Bùi Thạc Chuyên đạo diễn), “Cha và con và…” (Phan Đăng Di đạo diễn)... Chị còn là nhà sản xuất nhiều phim thương mại như “Mỹ nhân kế”, “Quả tim máu”, “Người bất tử”… Trước thềm Liên hoan phim Việt Nam 2023, chị chia sẻ với Thời Nay chung quanh một số vấn đề của điện ảnh Việt.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc

Phóng viên (PV): Thực tế ở Việt Nam dù hiện nay không phân tách rạch ròi nhưng vẫn tồn tại hai dòng phim là nghệ thuật và giải trí. Chị thấy chúng ta nên giữ như vậy hay cần có sự thay đổi như thế nào để đi đến giấc mơ có được vị trí trên bản đồ điện ảnh thế giới?

Chị Bích Ngọc: Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác thì cũng vẫn luôn tồn tại song song các dạng phim này, một số nước như Hàn Quốc thì ranh giới giữa hai dòng phim có phần nhỏ lại. Nền điện ảnh mạnh khỏe nào cũng cần các nhân tố trong đó thành công, phim thương mại giải trí thành công để thúc đẩy thị trường phát triển, phim tác giả thành công để khẳng định vị thế của một quốc gia. Hai dòng phim này đều khó như nhau, đều cần đạo diễn giỏi, chúng cần có nhau để nền điện ảnh tồn tại và thăng hoa. Mỗi dòng phim lại có thang đo thành công khác nhau, sẽ là không cần thiết và lãng phí thời gian khi dùng thang đo này áp dụng cho dòng phim kia. Tôi cho rằng, quan trọng nhất là chúng ta xác định rõ mục tiêu của mỗi bộ phim và chân thành với nó, với đường đi của nó. Đáng sợ nhất của nền điện ảnh là những tác phẩm nửa vời thôi.

PV: Một số người cho rằng, làm phim nghệ thuật để rồi không có khán giả trong nước, chỉ để tham gia các LHP thì không phải là sự thành công, chị suy nghĩ thế nào về ý kiến này với cương vị là nhà sản xuất phim?

Chị Bích Ngọc: Ở Tokyo (Nhật Bản), tôi có trao đổi với các bạn bè đồng nghiệp và được biết rằng ngay cả những phim của Kore-eda thành công ở các giải thưởng quốc tế, cũng kén khán giả, khó hòa vốn khi trình chiếu ở Nhật. Phim của Albert Serra cũng vậy, đều không hòa vốn, nhưng ông vẫn đang quay bộ phim tiếp theo của mình.

Ở quốc gia nào thì khán giả của dòng phim nghệ thuật cũng là hạn chế, nhưng điều đó không cản trở các nhà làm phim tiếp tục theo đuổi con đường của mình vì sự cực đoan trong sáng tạo có thể làm hạn chế khán giả nhưng đối với ngôn ngữ đặc biệt của điện ảnh thì việc tìm ra cái mới là con đường tuy mịt mù nhưng đầy thách thức với người sáng tạo, do vậy một bộ phận đạo diễn đi tìm tòi khám phá ngôn ngữ này là điều dễ hiểu.

Điều đáng nói ở đây là phần lớn các quốc gia đều có thể chế tài chính hỗ trợ cho công việc sáng tạo này, họ có quỹ điện ảnh quốc gia, quỹ điện ảnh vùng, quỹ điện ảnh liên minh châu Âu, liên minh Đông Nam Á… Khi các quỹ hỗ trợ này tham dự vào một dự án, họ kỳ vọng vào việc hỗ trợ sáng tạo của đạo diễn, lúc đó không còn là câu chuyện lời lãi nữa. Khi chúng ta không có quỹ hỗ trợ điện ảnh trong nước, chỉ dựa vào quốc tế và một số nhà đầu tư yêu nghệ thuật thì đúng là câu chuyện lời lãi vẫn bị đem ra bàn.

“Đáng sợ nhất là những tác phẩm nửa vời” ảnh 1

Một cảnh phim “Tro tàn rực rỡ”.

PV: Với những dự án khó thu lợi nhuận, chị làm thế nào để thuyết phục các nhà đầu tư? Chị thường thuyết phục các nhà đầu tư bằng cách thức nào để chuyển được tình yêu và sự mong muốn thực hiện tác phẩm từ chị sang họ?

Chị Bích Ngọc: Trước mỗi dự án tôi luôn suy nghĩ về một số từ khóa để giúp mình nói về bộ phim một cách chính xác nhất. Các nhà đầu tư là những người rất thông minh, am tường thị trường, điều đơn giản nhất tôi hay làm là phải chân thành với dự án của mình và với những người mình cộng tác. Tôi thấy vẫn có một số nhà đầu tư khao khát được đóng góp cho xã hội thông qua việc hỗ trợ nghệ thuật. Mình cần may mắn gặp được đúng người, đúng thời điểm.

PV: Chị dự đoán điện ảnh Việt Nam sẽ tiến triển thế nào trong vòng 5 năm tới?

Chị Bích Ngọc: Tốc độ phát triển và phục hồi sau Covid-19 của điện ảnh Việt Nam là rất ấn tượng trong khu vực, tôi tin rằng tốc độ này sẽ vẫn được duy trì trong các năm tới. Tại Tokyo, tôi đã gặp một vị giám khảo của Liên hoan phim quốc tế DANAFF tại Đà Nẵng, ông bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ với chất lượng của phim Việt Nam những năm qua với giá trị sản xuất của phim ngày càng cao.

Bên cạnh tốc độ phát triển của điện ảnh nội địa, tôi cũng hy vọng chúng ta có những chính sách chủ động hơn để đón chào các đoàn phim nước ngoài tới Việt Nam quay, cũng như cần ghi nhận một thế hệ các tài năng điện ảnh trẻ đang cần được hỗ trợ từ nguồn lực trong nước… Kết hợp hài hòa các nhân tố này tôi hy vọng sẽ giúp đưa chúng ta đến một nền điện ảnh mạnh và hiện diện quốc tế thành công trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn chị!