Đắk Lắk chờ giao thông “cất cánh”

Hạ tầng giao thông của tỉnh Đắk Lắk còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sự phát triển. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh rất lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Đèo Phượng Hoàng trên quốc lộ 26, tuyến giao thông huyết mạch nối Đắk Lắk với Khánh Hòa và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.
Đèo Phượng Hoàng trên quốc lộ 26, tuyến giao thông huyết mạch nối Đắk Lắk với Khánh Hòa và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.

“Điểm nghẽn” về giao thông

Đến nay trên địa bàn tỉnh có bảy quốc lộ đi qua gồm: đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, quốc lộ 26, quốc lộ 27, quốc lộ 29, quốc lộ 14C và quốc lộ 19C với tổng chiều dài 761,27km, nối Đắk Lắk với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và duyên hải miền trung. Mạng lưới giao thông trong tỉnh với tổng chiều dài 15.342km. Đắk Lắk có Cảng hàng không Buôn Ma Thuột với quy mô đường băng dài 3.000m, rộng 45m và hiện nay có bốn hãng hàng không đang hoạt động.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk Đỗ Quang Trà cho biết: Đến nay mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh khá hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhu cầu đi lại của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi trong việc hợp tác, liên kết phát triển giữa các tỉnh trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, so các khu vực khác trong cả nước thì hệ thống giao thông đường bộ ở Đắk Lắk quy mô còn thấp, nhiều tuyến đường được đầu tư, sử dụng hơn 15 năm, hiện đang bị xuống cấp nhưng chưa được cải tạo, nâng cấp. Chưa có tuyến đường cao tốc kết nối với cảng biển, các trung tâm kinh tế, du lịch lớn. Mạng lưới giao thông có tính kết nối liên tỉnh, liên vùng trong khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền trung, hạ tầng khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu. Hệ thống các quốc lộ chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp kịp thời; chưa có đường sắt; đường thủy nội địa còn hạn chế; chưa được đầu tư cảng cạn. Cảng hàng không Buôn Ma Thuột chỉ hoạt động nội địa, mới kết nối với một số thành phố lớn trong nước, chưa có các chuyến bay đến các nước trong khu vực và quốc tế…

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô tỉnh Đắk Lắk Phạm Văn Mạnh chia sẻ: Hiện nay Đắk Lắk chỉ có kết nối giao thông với các tỉnh trong khu vực và các tỉnh duyên hải miền trung bằng đường bộ. Tuy nhiên, do kết nối hạ tầng giao thông còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào quốc lộ 26, trong khi đó tuyến quốc lộ này ngày càng xuống cấp khiến việc thông thương hàng hóa chậm, mất nhiều thời gian vận chuyển, chi phí logistics cao, làm mất đi nhiều cơ hội cạnh tranh của hàng hóa, nông sản, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển của tỉnh.

Mục tiêu tạo đột phá

Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 09-NQ/TU về phát triển mạng lưới giao thông đường bộ địa phương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền trung đến năm 2025. Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk chia sẻ: Đắk Lắk sẽ chủ động, phối hợp các tỉnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng các tuyến đường chiến lược, mang tính liên kết, kết nối vùng Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải miền trung và khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam; phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành đưa vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với ba cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột-Liên Khương, Buôn Ma Thuột-Phú Yên. Trong đó đầu tư hoàn thành tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh Hòa và phối hợp các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Phú Yên đề nghị Chính phủ hỗ trợ đầu tư bốn dự án đường giao thông liên kết vùng, nối Đắk Lắk với tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông, huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên); kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đầu tư hoàn thành ba quốc lộ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk gồm: quốc lộ 27, quốc lộ 29 và quốc lộ 19C; nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành Cảng hàng không quốc tế…

Thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ kêu gọi, thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn. Trong đó tập trung các nguồn lực theo cơ chế đặc thù để đầu tư đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột; bốn dự án đường giao thông liên kết vùng, nối Đắk Lắk với Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Sông Hinh (tỉnh Phú Yên); hạ tầng giao thông ở khu vực cửa khẩu Đắk Ruê, tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời đề nghị Bộ Giao thông vận tải ưu tiên nguồn vốn đầu tư công trung hạn đầu tư nâng cấp ba quốc lộ 29, 27 và 14C trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk…

Khi các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm này được đầu tư hoàn chỉnh, nhất là các tuyến đường cao tốc, các quốc lộ đi qua địa bàn hoàn thành sẽ tạo sự kết nối giao thông liên hoàn, thông suốt giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh trong khu vực và các tỉnh duyên hải miền trung. Từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư và tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh cho Tây Nguyên.