Cứu hộ chó, mèo sao cho đúng

Nhiều ngày qua, dư luận Thủ đô đồng tình với việc cần thiết phải thắt chặt quản lý với hành vi thả rông vật nuôi có chủ. Tuy nhiên, với những vật nuôi vô chủ lang thang, vẫn còn nhiều vấn đề cần để tâm…

Điểm cứu hộ chó, mèo của nhóm Hà Nội Petadoption. Ảnh: HÀ NỘI PETADOPTION
Điểm cứu hộ chó, mèo của nhóm Hà Nội Petadoption. Ảnh: HÀ NỘI PETADOPTION

Nòng cốt là các bạn trẻ

Hiện tại, tổng đàn chó, mèo của thành phố vào khoảng 460 nghìn con, trong đó ngoài thú nuôi có chủ, còn có lượng rất lớn chó, mèo vô chủ. Trước khi các đội bắt chó, mèo của chính quyền thành lập, việc cứu hộ, điều trị và thu nhận chó, mèo vô chủ vẫn chủ yếu phụ thuộc số ít nhóm tình nguyện cứu hộ vật nuôi. Các nhóm này hầu như được các bạn trẻ khởi xướng, nòng cốt là những thành viên nhiệt huyết. Có thể kể tới trạm cứu hộ động vật Học viện Nông nghiệp Việt Nam hay nhóm cứu hộ Hanoi Petadoption, hai trong số ít nhóm với kinh nghiệm hơn 5 năm và có chuyên môn thú y. 

Thành lập từ năm 2016 và đến nay, Trạm cứu hộ động vật Học viện Nông nghiệp Việt Nam do thầy Hoàng Minh, một giảng viên khoa thú y khởi xướng, đã thu hút rất nhiều sinh viên các khóa tham gia. Chỉ với bốn phòng rộng chừng 20 m2, nhưng luôn có sự túc trực của ít nhất hai bạn sinh viên mỗi ngày. Các phòng trong trạm bảo đảm vệ sinh phòng dịch, chia làm phòng phẫu thuật và điều trị, phòng cho bệnh không lây nhiễm, phòng của chó, mèo bị bệnh ngoài da và phòng cách ly cho bệnh truyền nhiễm. “Trạm của chúng em ưu tiên cứu hộ, điều trị và tìm chủ mới cho chó, mèo vô chủ. Từ khi thành lập tới nay, đây cũng là môi trường học hỏi thực tế cho sinh viên khoa thú y. Bởi thông qua việc điều trị, thầy Minh và các anh chị sinh viên đi trước đã chỉ bảo cho các bạn sinh viên mới nhiều kiến thức và kỹ năng, cũng như truyền ngọn lửa yêu nghề và tình yêu với vật nuôi”, bạn Trịnh Thị Nga (22 tuổi), sinh viên năm 4 Khoa Thú y chia sẻ.

Những yếu tố thiếu nhất ở đây là kinh phí, nhân lực và người nhận nuôi. Nguồn tiền không nhỏ để mua thuốc men, vật tư y tế, thức ăn cùng nhiều chi phí khác đôi khi hơi quá sức với các bạn sinh viên.

Cứu chó, mèo cũng phải cảnh giác

Với Hanoi Petadoption, quy mô đã mở rộng hơn và có nhiều sáng kiến nhằm phát triển hoạt động cứu hộ. Bên cạnh nguồn đóng góp xã hội và các nhà tài trợ. Đơn cử như, nhóm đã từng tự làm và bán được số lượng không nhỏ các bộ lịch về chó, mèo trước và sau khi được cứu hộ. Toàn bộ doanh thu sau đó đóng góp thêm vào quỹ hoạt động. Hay một giải pháp mới nhất là “nhận nuôi ảo”, người yêu chó, mèo sẽ được đăng ký nhận nuôi qua mạng. Tiếp theo, trạm chịu trách nhiệm chăm sóc và hằng tuần đăng tải trên website mọi vấn đề sức khỏe của thú nuôi. Sau đó, chi tiết kinh phí từng ngày sẽ được gửi vào hộp thư điện tử của người chủ. 

Do yêu cầu bảo vệ chó, mèo khỏi việc câu bắt trộm, cũng như tránh trường hợp những người chủ thiếu trách nhiệm đem chó, mèo bỏ tại trạm, địa chỉ cụ thể được giữ kín. Ngoài ra, mỗi trạm đều có một số ít tình nguyện viên toàn thời gian trực 24/24 giờ và được trả lương. Còn phần lớn tình nguyện viên bán thời gian có độ tuổi và hoàn cảnh khác nhau được phân công rõ ràng thành nhóm cứu hộ, phỏng vấn tìm người nuôi, đội dọn dẹp… Trạm cứu hộ cũng liên kết với khoảng 60% phòng khám thú y trên địa bàn Hà Nội để kịp thời cấp cứu chó, mèo ở các nơi khi cần với giá thành ưu đãi. 

Tuy nhiên, quan điểm tìm người nhận nuôi của hai nhóm khá tương đồng. Bạn Phạm Khánh Quỳnh (30 tuổi), trưởng nhóm cứu hộ Hanoi Petadoption cho biết: “Nhiều người cứ nghĩ rằng nhận chó, mèo từ nhóm cứu hộ là giúp nhóm rồi. Thực ra, để cứu một em chó, mèo về đã mất rất nhiều công sức. Không ít lần nửa đêm nhận được cuộc gọi vào đường dây nóng, các thành viên cứu hộ vẫn lên đường. Hay việc điều trị cho chó, mèo gặp tai nạn, bị bệnh nhiều khi cũng mất hằng tháng trời viện phí. Bởi vậy, việc cứu hộ chỉ có ý nghĩa trọn vẹn khi khắt khe trong việc tìm chủ nhận nuôi”. Nhóm cũng cảnh báo những người yêu chó, mèo cần tỉnh táo với những hoạt động giả danh cứu hộ. Không nên dễ dàng chuyển tiền ủng hộ cho những lời kêu gọi chuộc chó, mèo từ lò mổ trên mạng.

Các thành viên Petadoption khuyến cáo, những kiểu hoạt động quay clip và kêu gọi quyên tiền chuộc chó, mèo từ lò mổ hoàn toàn không phải hoạt động cứu hộ. “Những người ủng hộ khó chắc chắn được việc số tiền có thật sự được dùng để cứu chó, mèo hay không. Chưa kể, điều đó giống như tiếp tay cho lò mổ bởi giá chuộc bao giờ cũng cao hơn giá thịt. Nếu không thể tự chăm sóc, hãy tìm người nhận nuôi chúng một cách thận trọng”, bạn Quỳnh nhấn mạnh.

Hiện, ngày càng nhiều hơn các bệnh viện thú y, các nhóm cứu hộ hoặc nhiều người tiếp cận với thông điệp tuyên truyền yêu thương loài vật hay không ăn thịt chó, mèo trên mạng internet… Việc Hà Nội chuẩn bị thành lập nhiều đội bắt chó, mèo thả rông tại 579 xã, phường, thị trấn, nên có sự phối hợp với các nhóm cứu hộ nhiều kinh nghiệm.