1/Chiều tối ở xã miền núi Trà Leng, mặt trời khuất bóng rất nhanh. Điện năng lượng mặt trời chiếu khắp các con đường trong Khu dân cư Bằng La. Sau một ngày đi rẫy dọn cỏ, anh Lê Công Tiên, 30 tuổi về lại nhà. Mấy ông bạn hàng xóm sang gọi đi mò ốc nhưng anh lắc đầu. Làm rẫy cả ngày, anh mệt lả người.
Từ ngày cả nhà dọn về đây sống, mấy đứa con có ngôi trường mới đi học, có chỗ chạy chơi với đám bạn thì trong suy nghĩ của Tiên, anh vẫn không thể quên mái nhà cũ, xóm cũ của mình. “Hồi mới được Nhà nước cho lên đây ở, mình nhớ nhà cũ lắm. Thời gian đầu, mình buồn chán không muốn làm gì hết. Về sau, thấy đất vẫn còn, rừng rẫy cây mọc lại nên ngày nào mình cũng đi bộ qua đó phát cỏ, dọn đất trồng cây quế”, anh Tiên kể.
Đất đai vùng rừng núi huyện Nam Trà My phù hợp cây quế, loài cây cho giá trị tương đối cao. Với giá thành khoảng 70 nghìn đồng/kg vỏ quế như hiện nay, mảnh đất rẫy của anh Tiên vừa qua cho thu hoạch gần 15 triệu đồng. “Đất nhà mình may mắn còn đó, nhờ nó mà vợ con có cái ăn cái mặc”, anh Tiên cười bảo. Mấy năm nay chuyển về khu tái định cư sống, bé gái ba tuổi con anh hằng ngày đi học ở trường ngay trước nhà, được Nhà nước hỗ trợ tiền học, tiền ăn. Nhờ đó mà kinh tế của gia đình được thuận lợi, có chút dư dả.
2/Khu dân cư Bằng La hiện nay có tổng 39 hộ dân đang sinh sống. Phần lớn người dân quay lại nơi sản xuất cũ với cây keo, cây quế. Một số ít chuyển sang kinh doanh tạp hóa nhỏ lẻ, buôn bán vài mặt hàng thiết yếu hằng ngày. Bà Đoàn Thị Ngọc (người phụ nữ có chồng mất tích trong vụ sạt lở năm đó) từ khi dọn về Bằng La vẫn không khỏi ám ảnh về việc đau buồn của gia đình. Nhận được lô đất ở ngay cổng chào của khu dân cư, vị trí thuận tiện đi lại và có mặt tiền nên bà Ngọc mở quầy tạp hóa, cà-phê nhỏ trước sân nhà. “Ngày trước còn chồng, nhà tôi từng nuôi một đàn heo làm nguồn thu nhập chính. Nay sống một mình, các con đi làm xa, tôi không nuôi heo nữa. Quầy tạp hóa mỗi ngày lai rai có khách cũng cho thu nhập vài trăm nghìn đồng”, bà Ngọc chia sẻ.
Từ ngày di dời về Bằng La, sáng sớm và buổi chiều phụ huynh đã có thói quen đưa con tới trường rồi chở về. Kinh tế của bà con hiện nay ổn định hơn khi cây cau, cây quế được mùa được giá. Một số hộ dân trồng cau thu được vài chục triệu đồng một năm nên tới mùa cau ra quả, họ phải ra vườn cau ngủ để canh. Đồng bào M’Nông đã đi trạm xá, bệnh viện mỗi khi đau ốm để được chữa trị nhanh chóng. Việc cúng bái tại gia dần được bỏ đi.
3/Hiện nay, tuyến đường huyết mạch nối từ quốc lộ 40B đến xã Trà Leng đang thi công thêm những cầu bê-tông bảo đảm an toàn việc đi lại của người dân. Trận mưa năm 2021 làm cho điểm trường phía ngoài có dấu hiệu sạt lở. Một phần đất ta-luy dương sau trường bị sụt dần xuống. Để bảo đảm an toàn, học sinh được dời vào học chung với ngôi trường mới của Khu dân cư Bằng La. Huyện Nam Trà My đã có chủ trương và cấp kinh phí xây thêm nhà công vụ và bếp ăn cho học sinh.
Chủ tịch UBND xã Trà Leng Phan Quốc Cường thông tin, cơ sở hạ tầng tại Khu dân cư Bằng La đã tương đối đồng bộ với điện đường, nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường mẫu giáo kiên cố. Gần đây, có một số hộ làm thêm mái hiên và các phòng phía sau nhà cho con cháu có nơi sinh hoạt. “Khu vực tái định cư này hiện tại còn bờ kè dọc sông sát khu dân cư đã khảo sát và có chủ trương làm nhưng vẫn chưa kịp xây dựng. Nếu làm xong bờ kè đó thì bà con cũng an tâm hơn khi mùa mưa lũ sắp về”, ông Cường cho biết.
Khảo sát một vòng quanh khu dân cư Bằng La, dễ dàng nhận thấy hệ thống cây xanh vẫn còn thưa thớt. Việc phủ bóng cây xanh cũng nằm trong kế hoạch xây dựng của xã Trà Leng, tuy nhiên, do khí hậu khắc nghiệt nên dù nhiều lần trồng, cây cối vẫn chưa thích nghi được. “Mới đây, cây bằng lăng được lựa chọn trồng lại dọc các con đường. Loài cây này có bóng mát và thân cứng chắc hơn”, ông Cường nói.