“Cuộc đua” của các trưởng thôn

Như Thanh là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, có 14 xã, một thị trấn, với bốn cộng đồng dân tộc cư trú: Thái, Thổ, Mường, Kinh. Bộ mặt nông thôn mới ở đây đã có nhiều đổi thay tích cực, tạo niềm tin cho người dân về một tương lai tươi sáng.
0:00 / 0:00
0:00
Bà con người Mường vui ngày hội đoàn kết. Ảnh tư liệu của huyện
Bà con người Mường vui ngày hội đoàn kết. Ảnh tư liệu của huyện

Là huyện nghèo nhưng Như Thanh đang trở thành điểm sáng bởi tinh thần đoàn kết đồng lòng của người dân. Đặc biệt, có sự đóng góp không nhỏ của các trưởng thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Trưởng thôn đi trước, làng nước theo sau

Về đích, được công nhận làng đẹp, xóm văn minh như một cuộc đua của nhân dân trong thôn cũng như quyết tâm của các Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn trong huyện, Xuân Du là một xã như vậy, mặc dù cách xa trung tâm huyện, chưa có chợ, người dân đa phần trồng trọt chăn nuôi dựa vào đồng ruộng, đồi rừng và chuyển đổi cây trồng từ một số diện tích thâm canh lúa hai vụ không năng suất sang trồng hoa đào bán vào dịp Tết. Bộ mặt nông thôn Xuân Du hôm nay, có lẽ khen cũng không quá lời, đẹp, bình dị, sạch sẽ như một ngôi làng ở nước ngoài. Tuy vậy, vẫn nhận ra đây làng của xứ Thanh vì những trang trí như hàng rào chim hạc, trống đồng.

Xuân Du là một trong 11 xã đầu tiên của tỉnh được công nhận nông thôn mới năm 2014 và quyết tâm của toàn xã đạt nông thôn mới nâng cao cuối năm 2022. Đạt được kết quả này, không chỉ nhờ vào chủ trương đúng đắn của Đảng, chính quyền mà còn nhờ vào những cá nhân có lý lẽ đúng, có việc làm thuyết phục. Trưởng thôn 5 Lê Trọng Hưng minh chứng: “Chúng tôi vận động nhân dân hiến đất mở đường, xây dựng tường rào. Vốn Nhà nước cấp 40%, nhân dân đóng góp 60%. Ngoài tiền đóng góp bình quân 1.230.000 đồng, nhiều hộ hiến đất từ 800 - 1.000m2”.

Xây dựng hoàn thiện các công trình trong thôn là một niềm vui đối với từng nhà, từng người, bà Lý Trịnh Xuân Hồng, thôn 5, bày tỏ: “Tôi mơ ước đường thôn được trồng thêm cây xanh lấy bóng mát và mong toàn bộ người dân được dùng nước sạch”. Ở thôn 5, đa phần người dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa đào, muốn bán hoa được giá, người trồng hoa phải nhẹ nhàng, làng phải sạch đẹp mới nâng tầm sản phẩm.

Thông tin từ thôn, hộ ông Quách Văn Hùng, ông Trần Văn Trọng, bà Hồng Thị Vẵng... nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc hoa đào. Hoa nở đúng dịp nên được giá. Đào là hoa chơi Tết của nhiều người, không phải bán càng nhiều đào là càng được nhiều tiền, mà được giá nhờ dáng cây ưa nhìn, cành nân, sức căng tràn của nụ. Theo đó, đến mỗi mùa hoa, người thôn lựa cây để bán, giữ đào trong đất, ươm sức sống cho mùa sau.

Có thâm niên hơn 15 năm đảm nhận vai trò trưởng thôn 10, ông Trần Văn Lô - trưởng thôn có sức “chiến đấu” quyết liệt đưa thôn mình không thua thôn khác. Thôn 10 dựa vào mùa màng, mỗi năm hai vụ lúa, một vụ ớt nên thu nhập bình quân mỗi hộ khoảng 50 triệu đồng. Trong khi đó, tổng kinh phí xây dựng thôn khoảng 700 triệu đồng, nhân dân trong thôn đóng góp được 240 triệu đồng. Với quyết tâm cho dân thấy được bộ mặt mới của làng, được hưởng thụ thành quả xây dựng, trưởng thôn Trần Văn Lô đã phải vận động nhiều nguồn kinh phí khác và vận động dân hiến đất mở đường. Hiện, thôn 10 có cổng làng đẹp, nhà văn hóa khang trang.

Đến Xuân Du, cảm nhận sức sống nông thôn đang bừng dậy từ làng xóm phong quang, con người đổi mới. Ở đây có nhiều trưởng thôn còn trẻ, sinh năm 1983 đến 1989 có bốn người. Thôn 12 của xã, 100% là người Mường, tinh thần đoàn kết không thua thôn khác. Sự quyết tâm xây dựng và bảo trì đường thôn, ngõ xóm luôn được người trong thôn nằm lòng, coi sóc. Dạo quanh thôn, cảm nhận một sự thanh bình, yên ả của một vùng miền núi, một minh chứng chính trị tác động sâu rộng cộng đồng.

Về hướng dẫn chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 33/2022/QĐ-UBND của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025, trong phần đề cập môi trường, nước sạch trong nông thôn theo quy chuẩn, đạt trên 25% số hộ trong xã được dùng nước sạch. Chủ tịch UBND xã Xuân Du Trương Văn Cảnh cho biết: “Hiện tại 100% dân cư đang dùng nước hợp vệ sinh. Quyết tâm cuối năm nay đưa nước sạch về với toàn dân trong xã”.

Bộ tiêu chí hướng dẫn nông thôn mới nâng cao, về cơ sở hạ tầng thương mại, phải có mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc chợ đáp ứng yêu cầu chung theo tiêu chuẩn chợ kinh doanh. Đây là điều khó vì trước đến nay, xã Xuân Du chưa có chợ, nhưng cũng là điều thuận, vì khi có chợ, cũng lúc đặt ra tiêu chuẩn cho tiểu thương muốn vào chợ kinh doanh phải cam kết đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm mới được kinh doanh. Cùng với điển hình xã Xuân Du sạch đẹp, thôn bản văn minh, các xã: Cán Khê, Hải Long, Xuân Khang, Yên Thọ... trong huyện cũng là những xã cán đích nông thôn mới và nhận ra giá trị của cuộc sống trong nông thôn hôm nay.

“Cuộc đua” của các trưởng thôn ảnh 1

Đường sá thôn 12, xã Xuân Du khang trang, sạch đẹp. Ảnh: DƯƠNG HOA

Một mình gánh cả “hai vai”

Xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hiện nay, không riêng gì huyện Như Thanh mà là cuộc đua chung của cả nước, trong đó luôn nảy sinh mâu thuẫn giữa cái cũ và những điều tiến bộ. Cái cũ là gì, là rải vàng mã dọc đường trong các đám ma, đốt nhiều và rất nhiều vàng mã trong các ngày cúng lễ gây khói bụi, mất an toàn; nạn hát karaoke gây tiếng ồn lớn, rình rang tiệc tùng khiến người già mệt mỏi, trẻ em không tập trung học bài. Và cái mới là sự bình yên, giữa các tiêu chí được đưa ra căn cứ trên những khảo sát thực tế, biện chứng phù hợp từng địa phương, nâng tầm cuộc sống không những xanh, sạch đẹp mà là sự thanh bình, yên ả và bảo vệ những thành quả đạt được.

Đánh giá vai trò của các trưởng thôn, bản trong huyện, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Như Thanh Đinh Xuân Hướng cho biết: “Các trưởng thôn đóng vai trò hạt nhân trong công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục nhân dân trong thôn bản đồng thuận xây dựng nông thôn mới, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư”. Về vai trò cá nhân của các trưởng thôn trong cộng đồng, ông Hướng đánh giá: “Họ luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động, như: hiến đất mở rộng đường giao thông, các công trình hạ tầng khác, trồng hoa, vệ sinh môi trường, xây dựng tường rào, cổng ngõ”.

Thực tế, Huyện ủy Như Thanh cũng nhận thấy, khi nhất thể hóa bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, mọi công việc đều được chi bộ chỉ đạo kịp thời, giải quyết nhanh gọn, hiệu quả. Theo đó, nâng cao trách nhiệm của cá nhân, triển khai các nghị quyết, chương trình hành động của chi bộ đến các đảng viên và người dân có nhiều thuận lợi, không xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo công việc hay đổ lỗi cho nhau khi không hoàn thành nhiệm vụ. Ưu điểm là vậy, nhưng tính đến ngày 15/8/2022, số thôn nhất thể bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn mới đạt được 12/159, tỷ lệ đạt 7,54%, trong đó, xã Phượng Nghi đạt năm thôn; xã Xuân Du, Xuân Khang và Yên Lạc đạt hai thôn; xã Xuân Thái đạt một thôn. Còn 9 xã và thị trấn chưa thực hiện được.

Lý do nào khiến cho việc nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở đây còn chậm chạp, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Như Thanh Lương Văn Hoàn cho biết: “Không dễ tìm người gánh vác được cả “hai vai”. Phải tìm được người có sức khỏe, có năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành và phải am hiểu...”. Và Huyện ủy cũng tâm tư, lo lắng, khi bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, nếu cấp trên thiếu sâu sát sẽ có nguy cơ dẫn đến tình trạng mất dân chủ, gây bức xúc trong nhân dân.

Trong việc nhất thể hóa, thời gian tới, quyết tâm chính trị của Huyện ủy Như Thanh là phải làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự chặt chẽ, bảo đảm sự đồng thuận trong quần chúng và trong tổ chức đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tìm nguồn cán bộ trẻ bồi dưỡng lý luận chính trị và đề xuất, kiến nghị tăng phụ cấp cho chức danh kiêm nhiệm.

Kỳ vọng vào sự đổi mới, không chỉ là lớp trẻ, mà lớp bô lão ở Như Thanh cũng mong sự bứt phá, cụ Nguyễn Đình Bôn (Xuân Điền, thị trấn Bến Sung) một trong những người đã từng góp công xây dựng nền móng cho thị trấn từ khi nơi đây còn là vùng nông thôn lạc hậu, đánh giá: “Tôi tham dự tất cả các cuộc họp của thôn, tôi cảm nhận trưởng thôn là người truyền lại những chủ trương chính sách mới của Đảng và Nhà nước cho người trong thôn nắm bắt. Đồng thời, trưởng thôn cũng đề xuất những việc làm thiết thực cho xóm, cho mọi người được hưởng thụ như đường làng, sân thể dục, thể thao...”. Về thông tin nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, cụ Bôn cho biết: “Mắt tôi đã kém, nên khó đọc, khó xem tivi mà chỉ nghe đài. Tôi hiểu, đó là một định hướng thiết thực có tính tập trung cao hơn, cần làm sớm, làm nhanh trong mỗi thôn xóm”.

Những năm gần đây, cuộc sống người dân đang yên bình, ngắm đường làng ngõ xóm ngày mưa đất không dính dép, ngày nắng không bụi mù, mơ ước trồng luống hoa, cây xanh bên đường. Họ đang tận hưởng những giá trị của cuộc sống mới đem lại thì đồng thời cũng có nhóm người trong thôn thích trực tiếp phát hình ảnh, thông tin có tính lôi kéo một số ít người tham gia bình luận thiếu tôn trọng, gây chia rẽ cộng đồng. Hiện, các cấp chính quyền trong huyện Như Thanh cũng đang gấp rút xây dựng “kênh” trên nền tảng kỹ thuật số để tương tác với dân, lắng nghe dân và gần dân hơn.