“Số hóa” hoạt động học đường
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 1,7 triệu học sinh và khoảng 100 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục - đào tạo. Gần 80% giáo viên khi được hỏi cho rằng, mình tự tin chuẩn bị các bài thuyết trình để sử dụng trên lớp và đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng công nghệ thông tin. Các cơ sở giáo dục còn thường xuyên bố trí cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số. Gần 70% giáo viên đã tham gia sử dụng kho tài nguyên dùng chung trên internet, tạo nên những giáo án, phần tương tác sinh động tại lớp học.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ học sinh cải thiện quá trình học tập nhờ vào sử dụng công nghệ thông tin tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 80%. Cách đây hai năm, hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, quản lý gần 2.400 đơn vị tầm bậc mầm non đến THPT (kể cả các trung tâm giáo dục thường xuyên) đã hoàn thành và luôn được cập nhật, cải tiến bằng các công nghệ mới. Đến nay có 99,2% trong số hơn 1,7 triệu hồ sơ học sinh tại thành phố đã được xác thực định danh với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Thời gian qua, thành phố đã “làm sạch” hơn 6.000 trường hợp học sinh có dữ liệu sai khác với dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư để phục vụ các hoạt động giáo dục - đào tạo, giúp cho việc quản lý, cập nhật, chỉnh sửa thông tin và hỗ trợ học sinh thuận tiện, an toàn hơn.
Nhiều quận, huyện bắt đầu đăng ký mô hình “trường học số”. TP Thủ Đức đã đăng ký xây dựng ba trường học số là Trường tiểu học Linh Chiểu, THCS Hoa Lư và Trường Trần Quốc Toản 1. Theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức, các trường học còn lại trên địa bàn cũng sẽ triển khai hoạt động số dựa vào hệ thống dữ liệu chung để toàn bộ học sinh được tiếp cận các phương pháp giáo dục hiện đại.
Cần tiếp tục gỡ khó
Được thành phố giao xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục - đào tạo, Trường đại học Sài Gòn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm có được các chương trình chất lượng, phù hợp điều kiện từng địa phương. Nhưng theo PGS, TS Nguyễn Minh Triết, Phó hiệu trưởng nhà trường, vẫn còn nhiều rào cản làm chậm tiến độ chuyển đổi số giáo dục: “Trước hết, việc đổi mới phương pháp dạy và học chưa đồng đều. Khả năng tiếp cận công nghệ của các trường học và giáo viên cũng chưa đồng nhất. Một số trường thiếu thiết bị và cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai chương trình này. Bản thân giáo viên phải chịu nhiều áp lực trong quá trình vừa dạy học vừa tham gia các lớp bồi dưỡng, nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới”.
Từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, ngành giáo dục - đào tạo thành phố đặt ra ba mục tiêu lớn về chuyển đổi số. Đó là: Xây dựng hệ thống học tập bất đồng bộ (phù hợp từng cấp, từng vùng) và kho học liệu mở làm nền tảng cho xây dựng xã hội học tập; Sử dụng AI để phân tích trên nền Big Data cho những đánh giá, định hướng tổng quát, chính xác hơn và Ứng dụng Blockchain trong quản lý, xác thực và liên thông điểm số, văn bằng. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục vào môi trường số. Cái khó là dữ liệu đang có trên hệ thống không được tạo ra từ một nguồn tập trung ngay từ đầu mà từ vô số phần mềm, thiết bị, hoạt động. Việc tích hợp toàn bộ những dữ liệu này tạo ra những mô hình đồng nhất là cả một thách thức.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu, cái khó nhất hiện nay là làm sao có được sự đồng bộ về cơ sở vật chất cũng như hạ tầng máy tính, đường truyền, thiết bị dạy học liên quan đến công nghệ tại tất cả các trường. Ngay khi thời gian nước rút chỉ còn hai năm, một số trường vẫn còn thiếu cả phòng máy để dạy các kiến thức trên nền tảng công nghệ. Hành lang pháp lý về việc thực hiện số hóa hồ sơ, sổ sách cũng chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Bên cạnh đó, các giải pháp phần mềm hiện nay do nhiều doanh nghiệp, đơn vị rải rác triển khai. Nếu có nguồn ngân sách cho việc biên soạn hay thực hiện các giải pháp công nghệ thì sẽ thuận lợi hơn.