Có nên dự báo theo ngày?

Thời gian gần đây, một số nhà đầu tư (NĐT) thường hay nói về dự báo của một nhóm năm công ty chứng khoán (CTCK) thường được gọi với cái tên “nhóm 5 dòng kẻ”.
0:00 / 0:00
0:00

Nhóm này bao gồm 5 CTCK, thường xuyên đưa ra dự báo từng ngày về diễn biến của thị trường chứng khoán nói chung và chỉ số VN Index nói riêng và được một trang tin điện tử tổng hợp và đăng tải công khai trên mạng. Trong khoảng 10 ngày qua, VN Index đã có một đợt giảm 5 phiên liên tục từ hơn 1.080 điểm xuống còn gần 1.020 điểm và đáng chú ý là nhóm 5 dòng kẻ này đã lập một “hat trick” dự báo sai… ba ngày liền. Và tất nhiên là nếu ai lỡ “nghe” theo những dự báo này thì rất dễ phải gặp rủi ro trong thời gian vừa qua. Nói đến đây cần đặt lại câu hỏi là liệu có nên tiến hành dự báo theo ngày và NĐT sẽ tham khảo những dự báo kiểu này như thế nào?

Một điều luôn phải nhấn mạnh là dự báo luôn là dự báo, luôn là kênh tham khảo và luôn có sai số. Nhưng vấn đề hướng đến của các dự báo phải là đúng nhiều hơn sai để khẳng định năng lực của người dự báo. Mặt tích cực ở đây là nhiều CTCK hiện cũng sẵn sàng đối chiếu các dự báo của mình với thực tế xảy ra. Việc dự báo theo ngày là điều vẫn nên làm vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng một lý do “cơm gạo” nhất chính là dành cho những NĐT tham gia thị trường phái sinh khi mua (long) hoặc bán (short) các hợp đồng tương lai. Nếu dự báo hôm nay thị trường tích cực sẽ mở vị thế mua (long) và thực tế xảy ra đúng như vậy thì NĐT có lãi.

Nhưng một thực tế đang diễn ra là dường như đang có một “cơn say” ngắn hạn trong các dự báo và thiếu đi sự kết nối giữa dự báo ngắn hạn và trung, dài hạn. Một tâm lý phổ biến là trước khi mua, một số NĐT vẫn lên kế hoạch bài bản rằng sẽ mua, nắm giữ từ 9-12 tháng hoặc hơn, chấp nhận chờ đợi. Tuy nhiên, sau khi mua vào thì ngày ngày mở bảng điện xem giá CP, rồi theo dõi những nhận định ngắn hạn nên có khi giữ chưa được… chín phiên đã tiến hành bán ra. Chính trong công tác dự báo ngắn hạn cũng rất áp lực và dễ dẫn đến những sai lầm dây chuyền, nghĩa là hôm nay dự báo sai thì ngày mai cũng có thể lặp lại tương tự như vậy và không dễ thoát ra khỏi trạng thái này.

Nếu theo dõi thật kỹ nhận định của các CTCK sẽ thấy nhiều đơn vị có phân chia giữa dự báo ngắn hạn và trung, dài hạn. Tuy nhiên, đôi khi trình bày lại thiếu những bố cục, kết nối hợp lý để NĐT có thể “thấm” các dự báo này một cách hiệu quả. Chẳng hạn, nếu CTCK có thể nhấn mạnh các dự báo trong trung và dài hạn của mình để NĐT có cái nhìn tổng thể, rồi sau đó đưa ra các dự báo ngắn hạn theo ngày, theo tuần, thì hiệu quả sẽ cao hơn. Khi đó, NĐT vừa tập được kỹ năng phân tích, đánh giá trong trung, dài hạn và có sự cân nhắc, cẩn trọng trong ngắn hạn. Hiện nay mới chỉ có một số đơn vị làm tốt được việc này và cần nhân rộng hơn nữa để NĐT có nhiều tiện ích, tránh những dự báo ngắn hạn, mang tính may rủi, cho có rồi thôi. Các dự báo theo ngày vẫn nên thực hiện, nhưng phải được đặt trong tổng thể cả dự báo trung, dài hạn.