Cơ hội việc làm cho ngành hàng không

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong giai đoạn 2015-2035, Việt Nam nằm trong tốp bốn thị trường có tốc độ tăng trưởng lượng khách di chuyển bằng đường hàng không cao nhất thế giới. Điều này mở ra nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực cho ngành hàng không Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Ngành hàng không dân dụng có nhu cầu việc làm lớn. Ảnh: TTXVN
Ngành hàng không dân dụng có nhu cầu việc làm lớn. Ảnh: TTXVN

1/Dự báo, tốc độ tăng trưởng máy bay ở khu vực Đông Nam Á sẽ tăng gấp đôi, chỉ sau 10 năm nữa và sẽ cần khoảng 60 nghìn nhân viên kỹ thuật. Hiện, Việt Nam rất cần nguồn nhân lực cho việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và xây mới sân bay Long Thành. Ngoài các hãng hàng không thì các công ty dịch vụ, kỹ thuật đều rất cần nhân lực. Chính vì vậy, cơ hội việc làm lớn, đặc biệt dành cho những nhân lực chất lượng cao.

Việt Nam hiện có khoảng bảy trường đại học (ĐH) đào tạo về Kỹ thuật hàng không gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Phòng không-Không quân, Trường Sĩ quan Không quân, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Học viện Hàng không Việt Nam với chi phí học ngành này khá cao. Đơn cử, tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, mức học phí là 100 triệu đồng/năm. Do đặc thù của ngành học, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật hàng không tại các trường ĐH thường được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm bảo đảm cung cấp cho người học các khối kiến thức lý thuyết, môi trường thực hành, rèn luyện thao tác, kỹ năng và khả năng ngoại ngữ để nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc chuyên nghiệp, đa quốc gia.

Tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, chương trình giảng dạy về Kỹ thuật hàng không bằng 100% tiếng Anh, gồm các nội dung về lý thuyết và thực hành cơ bản, tập trung vào bảo trì tàu bay và hệ thống, kiểm tra và hỗ trợ kỹ thuật, chất lượng, tình trạng máy bay và hoạt động hàng không. Sinh viên có thể lựa chọn một trong ba chuyên ngành. Trong đó, chuyên ngành Kỹ thuật vận hành có một số môn tiêu biểu như: vận hành bay; an toàn bay; giám sát bay; điều hướng và liên lạc; quản lý không lưu; quản lý dự án; quản lý hãng hàng không.

2/Theo PGS, TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia đầu ngành Kỹ thuật Hàng không Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 3.000 kỹ sư tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Hàng không. Trong khi đó, mức lương trong lĩnh vực này khá cao (từ 20 - 50 triệu đồng). Thực tế, sau dịch Covid-19, các hãng hàng không Việt Nam đang có kế hoạch phát triển nhanh các đội tàu bay, xây dựng hàng chục hangar - xưởng bảo dưỡng tàu bay (mỗi hangar có diện tích khoảng 1 ha, cần ít nhất 300 nhân viên) tại sân bay Long Thành. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng còn hạn chế và thiếu nguồn nhân lực, phần lớn hãng hàng không Việt Nam phải mang tàu bay ra nước ngoài bảo dưỡng.

Hiện nay nhu cầu đi lại bằng máy bay ngày càng tăng nên ngành hàng không dân dụng phát triển mạnh. Nhu cầu về máy bay không người lái, vận chuyển hàng hóa, giám sát hiện trường, cứu hộ, cứu nạn cũng tăng. Về vị trí địa lý, Việt Nam có thể trở thành trung tâm trung chuyển và trung tâm bảo dưỡng hàng không của khu vực. Về nhu cầu nhân lực, sự phát triển của các hãng hàng không cùng với sự gia nhập của Boeing vào thị trường Việt Nam từ năm 2022 đã đặt ra nhu cầu số lượng lớn các kỹ thuật viên, phi công được đào tạo bài bản, chuyên sâu, đảm nhận các vai trò trong dây chuyền sản xuất và cung ứng dịch vụ.