Chuyện người anh hùng đánh sập cầu Cái Răng

Giữa tháng 8/1970, nhằm từng bước làm thất bại kế hoạch “bình định” của địch ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 giao Trung đoàn 1 U Minh và Tiểu đoàn Tây Đô (Bộ đội địa phương tỉnh Cần Thơ) tiến đánh một số đồn bốt của địch ở tỉnh, trong đó có chi khu Vị Thanh và đồn Ngã Bảy. 

Trường THPT Chiêm Thành Tấn hôm nay. Ảnh: TL
Trường THPT Chiêm Thành Tấn hôm nay. Ảnh: TL

1/Chi khu Vị Thanh là một trong những điểm xuất phát các cuộc hành quân càn quét của địch trong vùng. Trong phương án tác chiến của ta theo hình thức “đánh điểm, diệt viện” có việc đánh sập cầu Cái Răng nhằm ngăn chặn sự chi viện bằng đường bộ của địch từ Cần Thơ xuống khu căn cứ Vị Thanh khi bị ta bao vây, tiến công.

Cầu Cái Răng nằm trên tuyến giao thông huyết mạch từ Sài Gòn đến Cà Mau. Cầu bắc qua sông Cái Răng - một nhánh của sông Cần Thơ chảy vào Sông Hậu. Cầu dài hơn 100 m với ba nhịp kết cấu thép và có hai trụ bê-tông cốt thép rất chắc chắn. Hai đầu cầu, địch bố trí hai lô cốt khổng lồ, ngày đêm có lính canh gác. Hàng đêm trên cầu có lính tuần tra, chốc chốc chúng lại xả một loạt đạn xuống những đám lục bình hay bè rác đang trôi trên sông. Không những thế, cả hai phía thượng lưu và hạ lưu sông, cách cầu chừng 2 km, địch bố trí hai đồn có trung đội lính bảo an chốt giữ. Cách khoảng 100 m hai bên đầu cầu và hai bên sông là những dãy nhà dân hay xóm ấp trong các vườn cây.

Nhiệm vụ đánh cầu Cái Răng được Ban Chỉ huy Tiểu đoàn Tây Đô 1 giao cho tổ đặc công nước đại đội 3 do tiểu đội trưởng Chiêm Thành Tấn thực hiện. Sau nhiều đêm dầm mình trong nước để điều nghiên, Chiêm Thành Tấn và Lê Hữu Đô - tổ viên, đã nắm được kết cấu của cầu; quy luật tuần tiễu của địch ở cầu, thời gian lên xuống của thủy triều… Trên cơ sở đó, các anh báo cáo chỉ huy đại đội phương án tác chiến.

Theo kế hoạch hợp đồng tác chiến: giờ G, ngày N, khi đơn vị bạn tiến đánh chi khu Vị Thanh thì ngay trong đêm, tổ của Tấn phải tìm cách đánh sập cầu Cái Răng. Sau đó, tổ nhanh chóng di chuyển về phía thượng lưu, đến một ngôi miếu cách cầu khoảng 1,5 km sẽ có cơ sở của ta đón.

2/Chỉ còn không đầy sáu tiếng nữa là đến thời điểm tổ chiến đấu của Tấn bắt đầu xuất phát, thì điều nằm ngoài dự kiến của Ban Chỉ huy đại đội 3 đã xảy ra: Lê Hữu Đô bị sốt cao và ho nhiều không thể đi được. Ban chỉ huy đại đội định phân công một người khác đi với Tấn nhưng anh cho rằng, chưa đi điều nghiên thì không thể phối hợp với nhau, khi chiến đấu và rất dễ bị lộ. Rồi anh báo cáo với Ban chỉ huy đại đội: Đi một mình! Trước quyết tâm cao của Chiêm Thành Tấn, Ban chỉ huy đại đội đồng ý và căn dặn thêm một số điều cần thiết trước khi xuất phát.

Màn đêm buông xuống, sau khi được mọi người giúp hóa trang và khiêng 120 kg thuốc nổ ra bến sông, Tấn dầm mình trong nước tiến về mục tiêu (khối thuốc nổ được buộc phao hai bên để dễ di chuyển trong nước). Còn cách cầu chừng hơn 200 m thì Tấn chột dạ khi thấy đèn pha từ hai bên đầu cầu quét đi quét lại trên mặt nước. Tấn đẩy khối thuốc nổ vào gần bờ rồi quan sát. Anh chợt nghĩ: hay kế hoạch tác chiến đã bị lộ… 

Khoảng nửa giờ sau, không gian trở lại yên tĩnh. Đồng hồ trên tay Tấn lúc này chỉ 2 giờ kém 5 phút. Anh biết rằng, giờ này đơn vị bạn chuẩn bị nổ súng, mình phải tiến đánh thôi! Thủy triều xuống, nước chảy xiết. Tấn vừa đến chân cầu, đang lấy chiếc kìm định cắt dây thép gai để đưa khối thuốc nổ vào giữa bốn trụ cầu thì nước chảy mạnh đẩy khối thuốc nổ và Tấn trôi về phía hạ lưu. Rất may là anh bám được vào chiếc cọc đáy đóng giữa sông, cách cầu chừng 70 m. Không còn cách nào khác, Tấn buộc khối thuốc nổ vào cọc đáy chờ cho nước lớn trở lại, anh phải giấu mình dưới nước và thở bằng ống nhựa. Phải mất đến gần hai tiếng đồng hồ sau, dòng nước chững lại rồi bắt đầu chảy ngược dòng. Tấn đẩy khối thuốc nổ trở lại chân cầu. 

Đang loay hoay cắt lớp rào gai bao ngoài chân cầu thì bỗng một loạt đạn từ lô cốt bên trái bắn về phía Tấn. Sau phút ngỡ ngàng, Tấn nhận ra là chúng bắn vào đám lục bình đang trôi cách anh chưa đầy 6 m!

Cắt xong lớp rào gai, Tấn đẩy khối thuốc nổ vào giữa các trụ chân cầu. Kiểm tra lần cuối, rồi căn kíp hẹn giờ. Xong, Tấn nhoài người thả theo dòng nước về phía thượng lưu. Cách cầu chừng 200 m, Tấn dạt vào bờ bên phải - nơi có đám lục bình dày đặc và phía trên là chiếc cầu sàn lản - nơi người dân thường ngồi để giặt giũ, rửa chân tay. Anh nằm dưới chiếc cầu đó, chờ đợi…

Thời gian nặng nề trôi qua. Trời bắt đầu mờ sáng. Đồng hồ trên tay Tấn chỉ đúng 4 giờ 20 phút. Trên cầu thi thoảng đã có tiếng xe máy vụt qua. Đang hồi hộp chờ đợi thì bỗng trên cầu sàn lản xuất hiện một cô gái. Cô đem một gánh rau ra ngồi trên cầu rửa, chắc chuẩn bị hàng đi chợ. Tấn nằm bất động dưới cầu.

Bỗng một ánh chớp sáng lòa và một tiếng nổ rung chuyển cả một vùng. Một cột nước và khói khổng lồ dựng lên phủ kín chiếc cầu. Một nhịp cầu đã bị hất xuống sông. Sức nổ đã tạo ra những lớp sóng cao ngất đang ầm ầm hướng về phía Tấn. Anh bị sóng nhấc bổng lên cao rồi ném xuống mặt cầu. Khi bị sóng đẩy lên mặt cầu, người Tấn xô mạnh vào cô gái khiến cô ngã nhào xuống nước. Cô kêu lên thất thanh, bám vào bờ, cuống cuồng bò lên rồi vùng chạy. “Phải nhanh chóng thoát khỏi nơi này!”, Tấn bật dậy chạy như bay dọc theo con đường ven sông. Anh đến gần ngôi miếu rồi tạt xuống mé lá, dầm mình trong bùn đất quan sát. Trong và ngoài miếu không một bóng người. Tấn nghĩ: Theo hợp đồng tác chiến, khoảng 4 giờ sáng, cơ sở sẽ đón tại miếu này, giờ đã 6  giờ, chắc cơ sở đã đi nơi khác, đành chờ đến tối mình sẽ tìm đường về đơn vị.

3/Cầu bị đánh sập, địch bắt đầu phản ứng quyết liệt. Trên sông, những chiếc xuồng máy chở đầy lính quần đảo. Chúng bắn như vãi đạn vào những nơi nghi là có Việt Cộng ẩn nấp. Trên bờ hai bên sông, từng tốp lính lùng sục. Từ dưới mé sông, Tấn nghe rõ tiếng chửi thề, tiếng quát tháo của bọn lính.

Mặt trời đã đứng bóng. Không gian trở lại yên tĩnh, trên sông thi thoảng lại có một chiếc xuồng máy rẽ nước xuôi dòng. Tấn cảm thấy đói và mệt. Bỗng một chiếc ghe tam bản ghé vào ngôi miếu. Trên ghe chở đầy dưa và khóm (dứa). Một phụ nữ xách túi hoa quả và thẻ nhang từ ghe bước xuống đi lên miếu. Từ dưới đám dừa nước, qua cử chỉ của người phụ nữ, Tấn cho rằng, đây là cơ sở đến tìm mình. Anh lấy một nắm đất ném về phía người phụ nữ. Sau phút ngỡ ngàng, chị quay về phía Tấn nói như ra lệnh: 

- Lên ghe lẹ đi!

Nói xong chị vội vã trở lại ghe rồi đưa tay kéo Tấn lên. Cậu bé chừng hơn mười tuổi chắc là con chị đang ngồi trên ghe, thấy Tấn bước lên, nhanh chóng mở cửa buồng trên ghe cho anh vào. Chiếc ghe mau chóng rời bến đi đến một khúc sông đang có rất nhiều xuồng, ghe neo đậu. Tấn được cậu bé đem nước rửa chân, tay, thay quần áo rồi được chui vào cái lồng sắt mà phía trên xếp đầy dưa và khóm. Chập tối hôm đó, phải qua hai trạm kiểm soát của địch ở ven sông, hai mẹ con chị đưa Tấn về nơi an toàn.

Trận đánh sập cầu Cái Răng cắt đứt việc chi viện bằng đường bộ của địch từ Cần Thơ xuống giải vây cho chi khu Vị Thanh bị quân giải phóng Tây Nam Bộ tiến công cuối tháng 8/1970 có ý nghĩa rất lớn về nhiều mặt, không chỉ cổ vũ động viên quân và dân vùng lên phá tan đồn bốt địch, diệt ác phá kềm, mở rộng vùng giải phóng; mà đây còn là một chiến công của quân và dân Tây Nam Bộ kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm đó.

Tháng 8/2021

Những năm sau đó, Chiêm Thành Tấn tiếp tục có những thành tích xuất sắc, thật sự là một cán bộ mẫu mực của Tiểu đoàn Tây Đô anh hùng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 1976, anh được trao tặng danh hiệu cao quý: “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Ngày nay, ở khu 7, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang - quê hương anh có một trường học rất uy tín trong vùng mang tên anh: Trường THPT Chiêm Thành Tấn.