1/Dịch vụ thuê xe ô-tô tự lái đã rất phổ biến ở nhiều nơi, khi du lịch đang dần lấy lại vị thế, nhu cầu khách hàng lại càng lớn. Vào mùa cao điểm, nhiều nơi cho thuê còn không đủ xe để phục vụ cho khách hàng. Thế nhưng, nhiều chủ xe đã phải khóc dở, mếu dở khi nhận được giấy phạt nguội của cảnh sát giao thông, do khách thuê vi phạm. Tiền thu được từ việc cho thuê xe nhiều lúc không đủ để nộp phạt.
Dẫu biết trong hợp đồng thuê xe có các điều khoản ràng buộc trách nhiệm người thuê xe khi xảy ra va chạm, hỏng hóc, vi phạm Luật Giao thông..., thế nhưng việc tìm kiếm người này không dễ dàng, kể cả trong hợp đồng có thông tin của người thuê xe. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa họ ở cố định một địa chỉ đã nêu trong hợp đồng. Điện thoại thì có thể là sim rác hoặc người thuê chặn số… Anh Phan Văn Thanh, chủ một công ty thuê xe tại Nha Trang cho biết, nhiều lỗi vi phạm mình có thể kiểm tra luôn và yêu cầu người thuê chi trả tiền phạt ngay khi trả xe. Nhưng nhiều lỗi được thông báo sau cả tháng, lúc đó khách du lịch đã về nhà, chúng tôi tìm cũng khó, liên lạc mà đòi tiền phạt là điều gần như không thể.
“Công ty hiện tại có gần 20 xe từ 4-7 chỗ các loại, nhiều đợt kiểm tra có quá nửa xe đang có lỗi vi phạm chưa nộp phạt với đầy đủ các lỗi từ vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, sai làn… số tiền nộp phạt cho từng đó xe lên tới vài chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Tiền lãi cho thuê xe không đủ”, anh Thanh cho biết.
2/Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp) cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt hành chính, người bị xử phạt ở đây là người điều khiển phương tiện chứ không phải là chủ xe. Bởi vậy, trường hợp chủ xe giao xe cho người khác mượn hoặc cho thuê mà người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông đường bộ, cơ quan chức năng xử lý phạt nguội thì sẽ mời chủ phương tiện đến để xác minh.
Trong trường hợp chủ xe không chứng minh được chiếc xe đó đã cho mượn, cho thuê thì chủ xe sẽ bị xử phạt trên cơ sở các chứng cứ điện tử cơ quan chức năng đã thu thập được. Trường hợp, chủ phương tiện xuất trình được hợp đồng cho thuê hoặc có tài liệu chứng minh chiếc xe đó cho người khác mượn, trong thời gian sử dụng, người mượn vi phạm giao thông thì cơ quan chức năng sẽ thông báo cho người mượn, thuê chiếc xe đó đến làm việc để xử lý.
Trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến hợp đồng mà các bên không tự giải quyết được thì có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc tố tụng hành chính. Giữa chủ xe và người mượn xe, thuê xe có mâu thuẫn về lợi ích trong việc thực hiện hợp đồng thuê xe, phát sinh chi phí nộp phạt do vi phạm giao thông mà không thương lượng được thì cũng có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, việc khởi kiện này cũng gặp khó khăn bởi thông thường giá trị hợp đồng thuê xe không lớn, trong khi đó thủ tục tố tụng tòa án phức tạp, thời gian kéo dài. Do vậy để khởi kiện một vụ án đòi bồi thường vài triệu hay vài chục triệu đồng thì nó không tương xứng, do đó rất dễ làm nảy sinh các hoạt động bất hợp pháp khác trong xã hội để nhằm thu hồi tiền dưới dạng này. Do vậy, các chủ xe vẫn thường xuyên thành “kẻ đòi nợ” bất đắc dĩ hoặc chấp nhận bỏ tiền túi để đóng phạt.
3/Để hạn chế tình trạng khách làm, chủ chịu như đã nói trên, nhiều chủ xe, công ty đã đưa ra nhiều sáng kiến như gắn định vị trên xe để ghi lại lịch trình. Khi bàn giao xe, nếu chủ xe kiểm tra định vị và phát hiện xe chạy quá tốc độ thì yêu cầu người thuê khắc phục ngay. Hay thu một khoản tiền cọc khi cho thuê xe và làm hợp đồng, sau khi trả xe từ 10-20 ngày tra cứu thông tin mà không có thông báo phạt nguội thì sẽ trả lại cọc. Nhưng cách làm này cũng chỉ mang tính chất đối phó, hạn chế được phần nào.
“Mỗi lỗi vi phạm có thể lên đến vài triệu đến chục triệu đồng, vậy mình sẽ phải bảo khách đặt cọc bao nhiêu? Hơn nữa khách chưa chắc đã muốn đặt cọc một khoản tiền lớn như vậy, họ lại nghĩ mình bùng thì sao”, anh Đặng Thanh Tú, chủ của một công ty thuê xe tại Hà Nội nói.
Vậy nên, yếu tố chính vẫn là việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó mới đến các điều kiện ràng buộc, trách nhiệm dành cho người thuê trong hợp đồng.
Hiện nay, việc xử phạt vi phạm giao thông đường bộ căn cứ quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Tùy vào mức độ lỗi và hậu quả khác nhau mà người vi phạm giao thông đường bộ sẽ bị áp dụng những mức xử phạt khác nhau từ 200.000-12.000.000 đồng.