41 đơn vị đủ điều kiện đấu giá cạnh tranh nhau từng bước giá. Các mốc giá liên tục bị phá vỡ, tưởng chừng như cuộc đấu giá sẽ không có hồi kết. Phải mất 22 giờ đồng hồ người ta mới có thể chọn ra người thắng cuộc. Ban tổ chức thậm chí phải ăn bánh mì, uống nước suối để phục vụ đại diện các đơn vị tham gia đấu giá xuyên đêm.
Ba mỏ cát được bán thành công, dự kiến thu về cho ngân sách 1.689,085 tỷ đồng. Đáng chú ý hơn nữa, mỏ cát Liên Mạc (Thương Cát), giá đấu trúng 408,290 tỷ đồng, gấp đến 200 lần so với giá khởi điểm. Đây là mỏ có trữ lượng cát được đánh giá thấp nhất trong 3 mỏ (508.603 m3). Theo như lẽ thường, giá trúng càng cao thì ngân sách càng được lợi. Tuy nhiên ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc, dư luận xã hội đã có rất nhiều băn khoăn.
Nếu làm một phép tính đơn giản, lấy giá trúng chia cho trữ lượng cát, người ta có thể tính ra người mua sẽ phải trả 800.000 đồng cho 1 m3 cát ở mỏ Liên Mạc và khoảng gần 500.000 đồng cho 1 m3 cát mỏ Châu Sơn. Giá cát trên thị trường dao động từ 100.000 - 250.000 đồng cho 1 m3 tùy thời điểm cũng như chủng loại cát. Loại cát vàng (không có ở Hà Nội) mới có được giá cao nhất. Giá 1 m3 cát đến tay người dùng được cấu thành bởi phần lớn chi phí vận chuyển. Chính vì thế giá cát mua tại mỏ cũng thấp hơn đáng kể giá đến tay người dùng.
Với một mức giá trúng “không tưởng” như vậy, chỉ có hai con đường “hẹp” cho chủ nhân mới của mỏ Liên Mạc. Lựa chọn đầu tiên, nếu thấy không thể làm có lãi thì bỏ ngang, chấp nhận mất tiền cọc. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong vòng 10 ngày các tổ chức và cá nhân trúng đấu giá sẽ phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Nếu không hoàn thành sẽ coi như chấp nhận mất tiền cọc (thấp nhất là 300 triệu đồng).
Lựa chọn thứ hai, không phải không khả thi, là bằng mọi giá tìm cách khai thác nhiều hơn trữ lượng công bố. Trong lựa chọn này, người mua mỏ Liên Mạc phải khai thác gấp bốn lần (khoảng 2 triệu m3) mới hòa vốn. Nhưng bất kể bằng cách nào mà người mua làm được việc này thì cũng cho thấy rằng, việc đánh giá trữ lượng ban đầu thiếu chính xác.
Một cuộc đấu giá được coi là thành công khi xác định được người trúng, giá trúng cao hơn giá khởi điểm và quan trọng nhất là việc mua bán hoàn thành. Đối với việc đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội, dù việc mua bán hoàn thành vẫn chưa thể coi là thành công khi còn vô số câu hỏi bỏ ngỏ. Nhiều người đặt vấn đề, giá như tiền đặt cọc sẽ tăng dần theo giá đấu, giá như các điều kiện tham gia đấu ngặt nghèo hơn (về năng lực, thời gian hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng…)… có lẽ mọi chuyện đã khác rất nhiều. Đây mới chỉ là đợt đấu giá đầu tiên trong kế hoạch đấu giá năm mỏ cát tại Hà Nội trong năm 2023. Ngày 12/11, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội rà soát toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, làm hồ sơ và tổ chức đấu giá, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở để trục lợi, gây thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm. Hy vọng các cơ quan liên quan của Hà Nội sẽ sớm rút ra những bài học để không làm hỏng đi ý nghĩa của một chủ trương đúng đắn.