Chủ động trước thiên tai

Để bảo đảm công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023 trên địa bàn, tỉnh Bình Định liên tục ra quân kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở cao, kiểm tra công tác vận hành, “4 tại chỗ” tại các hồ, công trình thi công cầu, đập ngăn mặn, cảng cá và các vị trí nguy cơ ngập lụt có thể ảnh hưởng các hộ dân.
0:00 / 0:00
0:00
Các lực lượng chức năng đã chuẩn bị vật tư, trang thiết bị cần thiết để kịp thời khắc phục sự cố.
Các lực lượng chức năng đã chuẩn bị vật tư, trang thiết bị cần thiết để kịp thời khắc phục sự cố.

1/Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn tỉnh về việc chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa, ứng phó thiên tai, bảo đảm an toàn trong khai thác mỏ. Cùng với đó là thông báo về thời gian hoạt động khai thác cát trong năm.

Vào cuối tháng 9 vừa qua, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN-PTDS) tỉnh Bình Định đã kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại các huyện An Lão, Hoài Ân. Đồng thời kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở cao ảnh hưởng đến các hộ dân như khu vực Trà Cong, Đá Cửa, huyện An Lão; vị trí sạt lở, xâm thực bờ sông tại xã Mỹ Đức, Hoài Ân và kiểm tra công tác vận hành, “bốn tại chỗ” tại các hồ Hưng Long, Hố Chuối… Cùng với đó, kiểm tra tại huyện Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn, thực địa kiểm tra công tác thi công và chuẩn bị PCTT tại hồ Đồng Dụ, xã Mỹ Châu; công trình thi công cầu Bờ Mun, đập ngăn mặn An Mỹ, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ; kiểm tra tại cảng cá Tam Quan và các vị trí nguy cơ ngập lụt ở xã Hoài Sơn, Hoài Châu Bắc, Hoài Thanh Tây đang triển khai thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua thị xã Hoài Nhơn.

Trước mùa mưa lũ năm nay, UBND các xã, thị trấn của địa phương đã kiện toàn, củng cố đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã từ 60-85 người/đội, tổng số thành viên đội xung kích toàn tỉnh có 15.403 người. Trong đó, lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ, ngoài ra, các xã ven sông có đê còn có lực lượng quản lý đê nhân dân (122 người). Lực lượng tại chỗ sẽ hỗ trợ sơ tán dân, chằng chống nhà cửa, kiểm tra an toàn đê, kè trước khi bão, lũ xảy ra.

Hiện, toàn tỉnh có 164 hồ chứa, tổng dung tích 682 triệu m3, trong đó, Công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi quản lý 63 hồ (62 hồ lớn và 1 hồ vừa) dung tích toàn bộ 640 triệu m3… Tại các hồ chứa xung yếu, hạn chế tích nước, các địa phương cơ bản đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời ứng phó khi thiên tai xảy ra, nhanh chóng tháo, mở thông thoáng dòng chảy trước tràn xả lũ.

2/Công tác phòng, chống thiên tai được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt để chủ động trong công tác ứng phó thiên tai, kịp thời giải quyết những khó khăn và các nhu cầu của địa phương. Các địa phương đã cơ bản chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chủ động ứng phó thiên tai năm 2023 như: Ban Chỉ huy PCTT-TKCN-PTDS từ cấp huyện đến cấp xã đã được kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; Phê duyệt phương án ứng phó với thiên tai năm 2023; Chuẩn bị vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT-TKCN… Tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao hiện có người dân sinh sống, các địa phương đã xây dựng phương án để di dời dân khi có tình huống khẩn cấp, tuy nhiên vẫn chưa cụ thể vị trí di dời, tập trung, tuyến đường di chuyển…

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, về lâu dài cần có giải pháp tái định cư cho các hộ dân và tổ chức hướng dẫn người dân cách nhận biết và ứng phó khi xảy ra sự cố về sạt lở đất. Cần xác định cụ thể các điểm xung yếu, nguy cơ chia cắt khi có thiên tai xảy ra; có phương án chuẩn bị vật tư, trang thiết bị và sẵn sàng huy động trong thời gian bị chia cắt, bảo đảm công tác khắc phục nhanh và an toàn cho tính mạng, tài sản của nhân dân.

Để hạn chế thiệt hại thấp nhất trong mùa mưa bão, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã phân công thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN-PTDS kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai các xã, phường, thị trấn để kịp thời chỉ đạo ứng phó khi có sự cố. Tổ chức trực ban 24/24 giờ công tác phòng, chống thiên tai, thường xuyên theo dõi lượng mưa, mực nước sông trong tỉnh tại địa chỉ website https://pcttbinhdinh.gov.vn, theo dõi quá trình tích nước của các hồ chứa để có kế hoạch ứng phó kịp thời khi mưa bão. Đồng thời tiếp tục rà soát, thống kê lên danh sách cụ thể các hộ gia đình trong vùng có nguy cơ cao, thường xuyên phải di dời khi có bão lụt; Ưu tiên hình thức di dời xen ghép tại chỗ, lập danh sách hộ sơ tán và các hộ có nhà ở kiên cố để xen ghép chủ động trong công tác ứng phó với mưa bão…