Chủ động đề phòng thời tiết cực đoan

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn quốc gia, năm 2023 do ảnh hưởng hiện tượng La Nina, thời tiết tại nước ta có thể có nhiều diễn biến bất thường. Đặc biệt, dự báo nắng nóng gay gắt hơn so những năm trước.
0:00 / 0:00
0:00
Nắng nóng ảnh hưởng tới công việc của người lao động.
Nắng nóng ảnh hưởng tới công việc của người lao động.

Ngày càng khó lường

Ngày 6/5, Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn quốc gia phát đi thông tin đặc biệt về số liệu nóng kỷ lục từ trước tới nay. Theo đó, tại khu vực phía tây Bắc Bộ xảy ra nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 36-38oC, có nơi trên 39oC; khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39oC, có nơi trên 40oC; độ ẩm tương đối thấp khoảng 30-45%. Đặc biệt tại Hồi Xuân (Thanh Hóa) với mức nhiệt lên tới 44,1oC đã tạo ra kỷ lục mới về mức nhiệt cao nhất từ trước tới nay tại Việt Nam.

Trước đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra có quy luật theo mùa, tuy nhiên, trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan với mức độ và phạm vi ngày càng lớn hơn. Tình trạng mưa lũ, nắng nóng kéo dài, sạt lở, động đất, bão chồng bão, lũ chồng lũ có thể xuất hiện quanh năm, kể cả trong những tháng được xem là hiếm có hiện tượng thời tiết cực đoan. Nguyên nhân chính được các nhà khoa học khẳng định là do biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong đó, các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người khiến tình trạng này ngày càng nặng nề hơn. Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, không có biện pháp giữ gìn và tái tạo. Tình trạng ô nhiễm môi trường, đất, nước, không khí tăng cao khiến hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ tăng cao nên nắng nóng kéo dài, oi bức.

Theo dự báo của các chuyên gia, dự kiến trong năm 2023 có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng đất liền. Các tháng đầu mùa, bão/áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng các tỉnh miền bắc, từ khoảng tháng 9-11 sẽ ảnh hưởng các tỉnh miền trung. Theo dự báo, những tháng cuối năm nay, nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINIO3.4 (khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương) có xu hướng tăng dần và trạng thái ENSO khả năng nghiêng về pha nóng. Năm chuyển pha ENSO, thời tiết, khí hậu thường có những biến động mạnh nên trên phạm vi toàn quốc cũng như Biển Đông cần đề phòng bão mạnh, mưa lớn cục bộ và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn quốc gia) cho biết, do ảnh hưởng hiện tượng La Nina nên các tháng nửa đầu năm 2023, nền nhiệt độ có xu hướng tăng cao so trung bình nhiều năm trước đây. Đặc biệt, các tháng nửa cuối năm 2023, nhiệt độ có xu hướng cao hơn trung bình những năm trước. Số liệu thống kê cho thấy nhiệt độ trung bình hiện nay đã cao hơn khoảng 0,89oC. Trong tương lai, nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng khoảng 1oC.

Tăng cường phòng ngừa dịch bệnh

Theo Bộ Y tế, khi Việt Nam mở cửa hội nhập trở lại, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng hiện tượng thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, làm gia tăng số ca mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm… Đặc biệt, dù các ca mắc Covid-19 giảm nhưng thời tiết lúc nóng, lúc lạnh lại là điều kiện thuận lợi cho các biến chủng mới xuất hiện. Trong thông báo mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra tuyên bố, dù đã qua giai đoạn khẩn cấp nhưng đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Thời gian gần đây, Đông Nam Á và Trung Đông đã ghi nhận số ca mắc tăng đột biến. Theo WHO, việc giám sát và giải trình tự gene đã giảm đáng kể trên khắp thế giới, khiến việc theo dõi các biến thể đã biết và phát hiện những biến thể mới trở nên khó khăn hơn.

Theo Cục Y tế dự phòng, tình trạng nắng nóng cũng có thể gây ảnh hưởng sức khỏe, mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu dưới nền nhiệt độ cao. Do đó, những người thường xuyên phải làm việc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời cần trang bị đồ bảo hộ như mũ, kính, áo dài tay để tránh những tác động cực hại từ tia UV, cũng như để hạn chế các bệnh về da, mắt… Ngoài ra, mùa hè cũng là thời điểm bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác như sốt xuất huyết, thủy đậu, tiêu chảy, cúm hay bệnh tay chân miệng ở trẻ em… nên người dân cần chủ động tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho các thành viên trong gia đình bằng cách thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân để phòng bệnh trong mùa nắng nóng.