Chủ động bắc nhịp cầu văn chương

Câu chuyện quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay. Các tổ chức và cá nhân ở ta có rục rịch làm, bằng nhiều cách khác nhau. Với tư cách là nhóm độc lập, qua ba năm chuẩn bị, Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội đã có được một cuộc mở đầu hiệu quả trong việc hỗ trợ xuất bản sách của nhiều tác giả Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội. Ảnh: LÊ VIỆT
Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội. Ảnh: LÊ VIỆT

1/Đầu năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đến dự Lễ trao Giải thưởng Tác giả trẻ tại Hội Nhà văn Việt Nam, đã động viên Hội nên đẩy mạnh quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Đã có một vài đề án dịch và xuất bản tác phẩm văn học Việt Nam ở nước ngoài được đề xuất Nhà nước cấp kinh phí chừng vài chục tỷ đồng, cho đến nay vẫn chờ duyệt, nên các cuốn sách có sự tham gia hỗ trợ của Hội Nhà văn Việt Nam vẫn chỉ ở dạng hợp tuyển thơ, văn với một số quốc gia khác.

Năm 2021, cố vấn của Hội Nhà văn Việt Nam là nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội, có đề nghị tôi lên khung kinh phí dịch và xuất bản 50 đầu sách văn học Việt Nam. Tôi đã dự thảo cho ông bản kế hoạch kinh phí ấy. Tuy nhiên, đề án mà ông nói đến, hiện nay vẫn trong quá trình chuẩn bị trình duyệt.

Một số đơn vị như Nhà xuất bản Phụ nữ và một số công ty sách tư nhân cũng tìm cách giới thiệu sách Việt Nam ra nước ngoài khi đi dự những hội chợ sách quốc tế, nhưng kết quả còn khiêm tốn. Được biết, Nhà xuất bản Phụ nữ, năm 2021 xuất bản cuốn “Chúa đất” của nhà văn Đỗ Bích Thúy ở Hàn Quốc, một phần quan trọng nhờ sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ HansaeYes24 của Hàn Quốc.

2/Trở lại với Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội, sau ba năm nỗ lực chuẩn bị kết nối với các nhà xuất bản, biên tập viên, dịch thuật tác phẩm, trong năm 2022, 17 đầu sách bao gồm tiểu thuyết, tập thơ, truyện ký, tập ký của các tác giả Việt Nam như: Xuân Đức, Trần Quang Đạo, Phan Hoàng, Trình Quang Phú, Hồ Hữu Việt, Bàng Ái Thơ, Trần Thị Nương, Nguyễn Trọng Luân, Nhóm HFT, Bonie Mae… đã được xuất bản ở nước ngoài, vượt trội so với chỉ ba đầu sách thơ mà nhóm thực hiện xuất bản ở nước ngoài trong năm 2021.

Chủ động bắc nhịp cầu văn chương ảnh 1

Một số đầu sách do Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội hợp tác dịch và xuất bản ở nước ngoài.

Với sự kết nối bền chặt, tình cảm của Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội với một số nhà thơ, nhà văn, biên tập viên của Hy Lạp, Uzbekistan, Nga, Romania, Italy, Kyrgyzstan… nên nhiều tác giả Việt Nam đã được dịch chùm thơ, truyện ngắn, đăng tải rộng rãi, liên tục trên các tạp chí văn học ở nước ngoài. Dù chỉ là những tác phẩm lẻ nhưng cũng đã tạo sự lan tỏa tích cực, khiến một số bạn đồng nghiệp và độc giả nước ngoài biết đến nhiều tác giả Việt Nam hơn. Các tác giả trong nước cũng rất phấn khởi khi thấy tác phẩm của mình đã được xuất hiện ở phương trời khác. Điều đáng ngạc nhiên, là khi đã biết đến một số tác phẩm và tác giả Việt Nam, đã có những nhà văn, nhà thơ nước ngoài có ý kết nối và trò chuyện trực tiếp, họ chủ động mời các tác giả Việt Nam gửi tác phẩm để in trong các hợp tuyển thơ, văn, tham gia các liên hoan thơ và xét các giải thưởng.

3/Có lần, nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhắn cho tôi rằng, sau khi tạp chí văn học uy tín của Hy Lạp - Polis đăng bài phỏng vấn chị, thì có nhà văn Mexico Ahdez Felipe chủ động liên hệ, đề nghị chị gửi hai bài thơ chủ đề hòa bình, để tham gia tuyển thơ thế giới về chủ đề hòa bình. Do không thạo tiếng Anh, nên lúc đầu chị định không tham gia. Sau khi tôi khuyến khích chị, thì nhà văn đổi ý, chị cho biết, chị đã sáng tác hàng trăm bài thơ! Chính điều này cũng khiến tôi ngạc nhiên. Chị sẽ chọn thơ phù hợp để gửi vào hợp tuyển do nhà thơ Ahdez Felipe mời. Tin rằng khi các nhà văn, nhà thơ Việt Nam mạnh dạn chủ động kết nối với bạn văn quốc tế, nỗ lực tìm cách đưa tác phẩm của mình đến với thị trường văn học thế giới, thì thế giới sẽ biết nhiều hơn đến văn học Việt Nam, chứ không cần chờ đến khi Việt Nam có thể đầu tư quỹ quảng bá văn học mạnh như Hàn Quốc. Tâm hồn, tình cảm của nhiều người cầm bút ở Việt Nam sẽ được bạn bè quốc tế thấu hiểu và có thiện cảm. Như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng nói trong một lần ông tiếp bạn văn Hàn Quốc: “Người Việt Nam cảm nhận đất nước và con người Hàn Quốc qua các con đường như: Chính trị, ngoại giao, ẩm thực, thời trang, giáo dục, kinh tế… Nhưng chính văn học của các bạn lại giúp người Việt Nam thêm tin tưởng hoàn toàn vào người Hàn Quốc”.