Nhưng như một hệ quả tất yếu, tiền đổ vào nhiều, chỉ số tăng nhanh, sẽ dẫn đến hiện tượng rung lắc cực mạnh và đây chính là rủi ro mà các nhà đầu tư (NĐT) phải đối mặt mỗi ngày. Nửa cuối tháng 7, cổ phiếu (CP) DBC (Dabaco), một trong những CP tăng mạnh nhất thị trường đi ngang quanh khu vực 25.000 đồng/CP. Nhưng “đi ngang” thật ra chỉ là cách nhìn căn cứ vào giá cuối phiên. Trong thực tế, dù đóng cửa quanh khu vực 25.000 đồng/CP nhưng trong phiên giá của DBC biến động rất mạnh.
Có những phiên, CP này phát tín hiệu cho thấy có thể mất luôn mốc 25.000 đồng/CP và giảm sâu, đứng trước diễn biến này, nhiều NĐT quyết định bán ra để hạn chế rủi ro. Nhưng đến đầu tháng 8, giá của DBC bắt đầu tăng mạnh trở lại và đến ngày 8/8 đã tiến sát ngưỡng 28.000 đồng/CP. Những người bán ra ở 25.000 đồng/CP thường được ví von là đã bị “văng khỏi tàu” và tất nhiên lỡ cơ hội sinh lãi khoảng 10%.
Nhìn rộng ra toàn thị trường thì diễn biến của VN Index cũng khiến nhiều NĐT bị “văng khỏi tàu”, nhất là những ai đầu tư theo xu hướng, tức là thị trường tăng thì “xuống tiền”, thị trường giảm thì lập tức phòng thủ. Có thể kể đến diễn biến phiên 8/8, tiếp nối đà hưng phấn từ phiên 7/8, các NĐT cũng hào hứng mua vào và mở ra khả năng chỉ số từ 1.241 điểm có thể tiệm cận ngưỡng 1.250 điểm. Tuy nhiên, kết thúc phiên, VN Index tăng chưa đến 1 điểm và nhiều CP không còn duy trì đà tăng, thậm chí quay đầu giảm.
Câu hỏi đặt ra ở đây là NĐT nên làm thế nào để chống “rung lắc” hiệu quả nhất? Đầu tiên, NĐT cần xác định rõ dấu hiệu của thị trường là “rung lắc” hay “phân phối đỉnh”. Chẳng hạn, khi VN Index bắt đầu vượt ngưỡng 1.200 điểm trong những ngày đầu tháng 8, một số NĐT dày dạn kinh nghiệm cho biết, đã bán hết tài khoản vì nhận định thị trường vào vùng đỉnh. Nhưng những người này cho biết đã quay trở lại sau khi bán ra chỉ một phiên vì cho rằng, đà phục hồi của TTCK vẫn còn và thực tế VN Index vẫn đang đón nhận dòng tiền lớn tại vùng này.
Khi đã xác định thị trường không phân phối đỉnh mà chỉ rung lắc, NĐT cần chọn lựa CP theo các tiêu chí khác nhau, như sức bật, nền tảng kinh doanh, kỳ vọng dài hạn… nhưng điều quan trọng hàng đầu là cần quan sát để tránh những CP khi VN Index tăng thì chỉ tăng nhẹ và chỉ cần VN Index giảm là sẽ giảm mạnh. Những CP này cần có ít nhất 1-2 phiên quan sát và NĐT nên tránh tâm lý mua đuổi, sợ mất cơ hội, bởi lẽ, nếu còn giữ được tiền thì cơ hội luôn luôn xuất hiện. Phù hợp nhất trong giai đoạn này chính là việc tìm ra được những CP “nhạy sóng” với thị trường, có biến động vượt trội, chẳng hạn, giảm với tỷ lệ thấp hơn tỷ lệ chung, nhưng luôn có xu hướng tăng mạnh khi VN Index tích cực. Những CP này thật ra không quá khó để tìm kiếm vì trong nhóm vốn hóa lớn, mỗi giai đoạn vẫn thường xuất hiện những mã như vậy. NĐT cần dành nhiều thời gian để quan sát rồi ra quyết định thay vì chạy theo cảm tính.