1/Chúng tôi đến cơ sở sản xuất đồ chơi trung thu Đông Hạnh nằm gọn giữa làng, đang vào vụ sản xuất cao điểm. Trên mảnh sân nhà rộng chừng 100 m2, có mái che, chật kín đồ chơi trung thu. Cái đã hoàn thiện, cái đang tô sơn và có cả những đồ chơi vừa bồi khuôn xong đang nằm phơi gió.
Người đàn ông tuổi thất tuần có gương mặt rất hiền, nụ cười thân thiện và thái độ chan hòa. Ông Vũ Huy Đông kể: “Quãng những năm 60, 70 của thế kỷ trước ở làng Ông Hảo này đã có hẳn một hợp tác xã (HTX) mang tên HTX làm trống thôn Ông Hảo”. Theo đó thì xã viên đều là người họ Vũ (cả làng đều mang họ Vũ), tranh thủ lúc nông nhàn thì làm trống, đa phần đều là “trống trung thu”, có đường kính chừng 15, 20 phân.
Người làng Ông Hảo vốn hay lam hay làm nên nhanh chóng học được nghề làm trống. Ban đầu “làm ăn nhỏ”, tức là chỉ làm vào dịp Trung thu để cho bọn trẻ làng được vui chơi. Dần dần nhận thấy khả năng có thể rộng mở thêm nên người làng làm đồ chơi trung thu. Những chiếc đèn ông sao, những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh ra đời và được trẻ em khắp vùng yêu thích. Làng Ông Hảo đã thành làng “làm đồ chơi trung thu”, cung cấp đồ chơi, chủ yếu là trống trung thu và mặt nạ, cho khắp nơi. Ông Đông cho hay: “Phố Hàng Mã, Hà Nội hiện bán nhiều mặt nạ, trống do chúng tôi cung cấp đấy. Năm nay mặt hàng trống trung thu sản xuất không kịp nhu cầu”.
Một số sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống. |
2/Thời HTX mới hình thành, ông Đông còn là cậu thiếu niên hơn 10 tuổi, sau buổi đi học hoặc chăn trâu về lại theo chân bố tới nhà hợp tác, xem bố cùng các chú, các bác làm trống. Vốn ham tìm hiểu nên cậu bé Đông cứ thấy xong chiếc trống nào lại cầm lên đánh tùng tùng. Không ngờ cậu lại thành người “thẩm âm” trống mới tài. Chiếc nào không ổn thì mạnh dạn lên tiếng. Các chú, các bác thấy vậy cũng vui. Thế là cậu bé Đông “tự nhiên” thành xã viên của HTX. Cho tới khi người bố tuổi cao thì anh thanh niên làng Vũ Huy Đông kế chân, làm trống trung thu, làm mặt nạ liền tù tì từ đó. Cũng hơn 50 năm rồi.
Ông Đông kể: “Mấy năm trước chúng tôi cũng lao đao vì đồ chơi nhập bên kia biên giới, sản xuất bằng máy. Bây giờ thì ổn rồi. Đấy, trống trung thu không có mà giao”. Được biết, người làng Ông Hảo sản xuất đồ chơi trung thu suốt năm chứ không phụ thuộc vào mùa vụ. Đầu năm thì chuẩn bị nguyên liệu, mà nguyên liệu vô cùng đơn giản. Giấy bìa, giấy A4, báo cũ thì lúc nào cũng sẵn. Lại toàn thứ gọi là phế liệu mới dồi dào. Tiếp đó là căn cứ vào tình hình tiêu thụ đồ chơi dịp trung thu vừa qua để tìm ra mẫu mã nào được trẻ em yêu thích. Mẫu mã nào hạn chế. Rồi căn cứ vào đấy để tạo khuôn mẫu cho tương thích. Ông Đông cho hay: “Lựa chọn mẫu xong thì làm khuôn mẫu. Khuôn trước kia làm bằng đất sét luyện kỹ nay chúng tôi làm bằng xi-măng”.
Chính những đứa cháu của ông Đông, những đứa trẻ ở làng cũng góp phần tích cực. Sau giờ học, chúng tham gia cùng ông bà, bố mẹ, tự tay tô vẽ và kể ra những mẫu mã nào chúng yêu thích.
3/Như lời ông Đông thì: “Đồ chơi của chúng tôi không độc hại. Bảo đảm khi chơi không bị dị ứng hay khó chịu vì mùi”. Đúng là đồ chơi thủ công truyền thống như ông Đông, như người dân làng Ông Hảo đang làm, xuất xứ từ giấy bình thường chứ không phải nhựa tái chế. Hồ để bồi giấy được nấu từ bột sắn củ xay mịn. Ông Đông bảo: “Hồ ấy nếu cho thêm tí đường vào là ăn ngon lành!”.
Đưa mắt nhìn khắp lượt những mặt nạ treo trên dây hay phơi dưới sân, tôi nhận thấy đó đều là những con vật hay nhân vật gần gũi, nào chó, mèo, hươu, nai, lợn cho đến chú tễu, thằng bờm, thằng cuội... Những con vật và nhân vật đó, trẻ con đứa nào cũng biết, đứa nào cũng thích. Người làng Ông Hảo không chạy theo thị hiếu nhất thời, nghĩa là không có mẫu mã nào mang tính bạo lực hay ghê gớm. Mẫu mã nào cũng thấy thân gần. Ông Đông bảo: “Chơi Trung thu chán thì đem treo lên tường. Cũng hay ông ạ. Mấy ông bà Tây đến đây, ngoài tự tay tô vẽ ra thì họ còn mua về xem như vật lưu niệm”.
Ông Vũ Huy Đông cho đến giờ vẫn một lòng gắn bó với công việc làm đồ chơi trung thu của mình. Sự trở lại của đồ chơi truyền thống trên thị trường cũng khích lệ những người thợ làng hăng hái làm nhiều hơn. Một buổi mục sở thị ông Đông làm đồ chơi trung thu tuy ngắn ngủi nhưng thật vui vì đồ chơi dân gian vẫn còn được trẻ em yêu thích; vì thấy những người nông dân hiền lành vẫn đam mê với công việc truyền thống, thu nhập chỉ đủ sống nhưng không thấy ai chán nản.