Chiến lược của Nga về chủ quyền internet

Tập đoàn internet cấp số và tên miền (ICANN) thông báo đã nhận được thư từ Chính phủ Ukraine yêu cầu xóa các tên miền của Nga khỏi hệ thống web toàn cầu. Động thái này chưa từng có tiền lệ và dường như khó có khả năng xảy ra. Tuy vậy, Nga cũng đã chuẩn bị sẵn phương án ứng phó trong trường hợp bị cô lập khỏi internet toàn cầu. 

Nga xây dựng mạng Runet nhằm đối phó nguy cơ bị tách khỏi hệ thống internet toàn cầu. Ảnh: GETTY IMAGES
Nga xây dựng mạng Runet nhằm đối phó nguy cơ bị tách khỏi hệ thống internet toàn cầu. Ảnh: GETTY IMAGES

Khả năng ngắt kết nối

ICANN là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, chịu trách nhiệm về hoạt động kỹ thuật của Hệ thống tên miền (DNS), các chính sách xác định cách hoạt động của tên và địa chỉ internet. Theo CNBC, hôm 1/3 ICANN xác nhận đã nhận được thư từ Chính phủ Ukraine, trong đó Kiev yêu cầu tổ chức này xóa các tên miền của Nga khỏi hệ thống internet toàn cầu. Tạp chí Rolling Stone cũng đưa tin Chính phủ Ukraine đã yêu cầu ICANN thu hồi các tên miền được cấp ở Nga, đóng cửa các máy chủ hệ thống tên miền chính tại Nga, nhằm ngăn quyền truy cập vào các web của Nga, khiến các web này hoạt động ngoại tuyến. Đại diện của Ukraine trong Ủy ban Cố vấn chính phủ của ICANN lập luận rằng, mục đích của hành động nhằm giúp người dùng internet truy cập thông tin uy tín, ngăn chặn tuyên truyền các thông tin sai lệch.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của ICANN, ông Göran Marby tuyên bố, ICANN không đưa Nga ra khỏi hệ thống internet toàn cầu và việc thu hồi quyền truy cập internet của Nga không nằm trong nhiệm vụ của ICANN. Ông Marby nhấn mạnh, nhiệm vụ của ICANN không bao gồm việc thực hiện các hành động trừng phạt hoặc hạn chế quyền truy cập vào các phân đoạn của internet.

Theo CEO của ICANN, ICANN luôn thận trọng trong việc xây dựng hình ảnh là nhà quản lý phi chính trị. Tổ chức này hoạt động dựa trên sự đồng thuận của các thành viên không chỉ gồm các chính phủ mà còn các nhóm xã hội dân sự, các chuyên gia kỹ thuật.

Cũng theo CNBC, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh ngày càng xuất hiện những lo ngại về tương lai của internet cũng như nền kinh tế thế giới, và ngăn chặn Nga truy cập hệ thống internet toàn cầu không phải là bước đi khôn ngoan. Việc bị ngắt kết nối internet có thể khiến nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng thời đẩy Nga cũng như nhiều quốc gia khác chủ động tìm cách tách khỏi hệ thống internet toàn cầu.

Tháng 7/2021, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội Bảo vệ internet Mikhail Klimarev nhận định việc ngắt kết nối với trang tìm kiếm Google sẽ ảnh hưởng đến khoảng 30% tổng số các trang web của Nga, gây nên ảnh hưởng không mong muốn nhất đối với nền kinh tế Nga. Ông Klimarev lập luận rằng, bất cứ hệ thống mạng nào của Nga từ y tế cho đến hệ thống kiểm soát đường ống dẫn khí đốt cũng có thể gặp những vấn đề khó lường.

Mallory Knodel, Giám đốc Công nghệ của Trung tâm Dân chủ và Công nghệ (CDT) cho biết, kế hoạch Ukraine đề xuất có thể sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng quyền truy cập internet của người dân Nga, song sẽ không ảnh hưởng đến các tổ chức trong quân đội và chính phủ. Bên cạnh đó, hành động này có thể dẫn đến việc một số chức năng xác thực và bảo mật web quan trọng bị phá vỡ. Nếu yêu cầu tách Nga ra khỏi hệ thống internet toàn cầu được chấp thuận, sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm khi các quốc gia khác đưa ra yêu cầu tương tự. 

Chiến lược của Nga về chủ quyền internet -0
 Trụ sở chính của ICANN tại Mỹ. Ảnh: AP

Đạo luật “Internet có chủ quyền”

Hãng tin Interfax của Nga dẫn thông báo ngày 8/3 của Bộ Phát triển kỹ thuật số, thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng của nước này cho biết, trong bối cảnh liên tục phải hứng chịu các đợt tiến công mạng liên tiếp đến từ nước ngoài, Moscow đã chuẩn bị sẵn các tình huống khác nhau nhằm bảo đảm khả năng truy cập các trang mạng của Nga. Thông báo cũng bác bỏ tin đồn về khả năng Nga ngắt kết nối hoàn toàn khỏi hệ thống internet toàn cầu.

Reuters dẫn nguồn nhật báo RBC của Nga cho hay, trong thời gian từ ngày 15/6 đến 15/7/2021, Nga từng tiến hành các đợt thử nghiệm tách khỏi hệ thống internet toàn cầu ở cấp độ vật lý, nhằm kiểm tra khả năng vận hành của mạng nội bộ của Nga, được gọi là Runet. Các đợt thử nghiệm được đánh giá là thành công, với sự tham gia của toàn bộ doanh nghiệp viễn thông hàng đầu của Nga. 

Đợt diễn tập tương tự từng được thực hiện vào năm 2019 tại các thành phố lớn của Nga như Moscow, Rostov, Vladimir…  để kiểm tra khả năng bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng như mạng lưới quốc gia trước những mối đe dọa từ bên ngoài. Người dùng internet ở Nga dường như không biết về các cuộc thử nghiệm và chỉ được thông báo sau khi sự việc đã diễn ra. Bộ Phát triển kỹ thuật số, thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng Nga khi đó kết luận rằng, giới chức Nga cũng như các hãng viễn thông đều sẵn sàng phản ứng trước các nguy cơ và mối đe dọa đang nổi lên, bảo đảm internet và mạng lưới viễn thông ở Nga hoạt động ổn định. Các cuộc thử nghiệm được lên kế hoạch trong năm 2020 đã không diễn ra do những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. 

Năm 2019, Nga thông qua Đạo luật Internet có chủ quyền nhằm chuẩn bị sẵn các phương án ứng phó trước các đợt tiến công quy mô lớn từ bên ngoài vào cơ sở hạ tầng viễn thông của Nga, thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến như xây dựng hệ thống tên miền quốc gia để bảo đảm Runet duy trì hoạt động trong trường hợp bị ngắt kết nối với mạng toàn cầu. 

Giải thích về vai trò của Đạo luật Internet có chủ quyền, trên trang mạng chính thức duma.gov.ru, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga nêu rõ, Nga cần có các biện pháp nhằm bảo đảm hoạt động lâu dài và ổn định của internet ở Nga, nhằm nâng cao độ tin cậy cũng như các nguồn dữ liệu internet tại Nga. Chủ sở hữu mạng liên lạc xuyên biên giới, các nhà khai thác viễn thông của Nga có nghĩa vụ bảo đảm khả năng quản lý lưu lượng tập trung trong trường hợp xuất hiện các mối đe dọa; các phương tiện kỹ thuật phải có khả năng hạn chế quyền truy cập vào các tài nguyên có chứa thông tin bị cấm; các nhà chức trách, nhà khai thác viễn thông, chủ sở hữu mạng công nghệ cần tiến hành diễn tập thường xuyên để xác định các mối đe dọa và đưa ra các biện pháp khôi phục hoạt động của Runet; cơ sở hạ tầng cần bảo đảm khả năng hoạt động của tài nguyên internet của Nga trong trường hợp các nhà khai thác viễn thông Nga không thể kết nối với các máy chủ có nguồn gốc nước ngoài. 

Mục đích của dự luật là bảo đảm bất kể tác động từ bên ngoài hay bên trong, internet luôn hoạt động đối với người dùng Nga. Các dịch vụ chính phủ điện tử, ngân hàng trực tuyến và một loạt các dịch vụ thương mại mà người dân Nga đã quen dùng có thể hoạt động trơn tru và ổn định. 

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh LB Nga Dmitry Medvedev khẳng định, Nga có đủ năng lực và công nghệ để ngắt kết nối với mạng toàn cầu. Việc ngắt kết nối có thể sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian, song về mặt nguyên tắc, dù không dễ dàng song quyền tự chủ hoạt động của Runet vẫn có thể được khôi phục.