1/ Bất cập đầu tiên của giao thông đô thị chính là nạn kẹt xe đang diễn ra mỗi ngày ở Thủ đô. Số lượng phương tiện giao thông tăng quá nhanh, trong khi công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp, khiến tình trạng ùn tắc xảy ra ở nhiều tuyến đường, nhất là trong các khung giờ cao điểm diễn ra thường xuyên hơn. Thông tin từ Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho thấy, 10 năm qua đã có 36 điểm ùn tắc giao thông được “xóa sổ”. Tuy nhiên, tính đến tháng 8 năm nay, Hà Nội vẫn còn hơn 30 điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng tập trung tại một số tuyến đường như Nguyễn Trãi, Tố Hữu - Lê Văn Lương. Bên cạnh đó, vào khung giờ cao điểm, tại nhiều tuyến đường chính, trục đường xuyên tâm như Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh - Đại La - Minh Khai, Kim Mã… vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng các phương tiện di chuyển khó khăn. Trong các dịp lễ, Tết, tình trạng ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường vào nội đô, cửa ngõ ra vào thành phố luôn diễn biến phức tạp.
Chị Lê Thị Thanh ở quận Nam Từ Liêm chia sẻ: “Dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, quãng đường từ nhà ra Pháp Vân, Hoàng Mai chưa đầy 13km nhưng gia đình tôi phải di chuyển trong hơn 1,5 giờ do tắc đường. Vào các ngày nghỉ dịp lễ, Tết, ra khỏi nội thành thật sự là một việc rất khó khăn”. Còn chị Quỳnh Hoa ở chung cư Licogi13 (Nhân Chính, Thanh Xuân) cho biết, nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi thường xuyên ùn tắc kéo dài, đặc biệt vào những ngày cuối tuần, tắc cả vành đai 3 trên cao khiến việc đi lại rất khó khăn.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân tắc đường một phần do ý thức chấp hành của người dân chưa cao. Dù hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn Thủ đô đã được bố trí đầy đủ song tại các nút giao thông, không khó để bắt gặp hình ảnh phương tiện xe mô-tô hay ô-tô vượt đèn đỏ. Cùng với đó là tình trạng vi phạm việc dừng, đỗ xe tràn lan khắp nơi, không nhường đường và thậm chí “độc chiếm” vỉa hè của người đi bộ. Một thực trạng nữa đang diễn ra khá phổ biến hiện nay đến từ ý thức của người tham gia giao thông là chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm cho các phương tiện khác. Dù đã có những chế tài xử phạt nghiêm những hành vi trên nhưng hầu như ngày nào Hà Nội cũng ghi nhận các vụ va chạm, khiến cho ùn tắc giao thông kéo dài, thậm chí dẫn đến những tai nạn đáng tiếc gây thiệt hại về cả người và tài sản.
Ngoài ra, sự ùn tắc cục bộ giao thông còn đến từ việc Hà Nội “cứ mưa là ngập”. Từ đầu năm 2022 trở lại đây, tình trạng này đang trở nên nghiêm trọng hơn khi những cơn mưa lớn xuất hiện ngày một nhiều, đặc biệt ở các tuyến phố, khu vực bị ngập sâu, cửa ngõ Thủ đô như khu vực đường gom An Khánh, Tố Hữu. Việc thoát nước chậm trễ khiến nhiều tuyến phố xảy ra tình trạng ngập nặng, các phương tiện ô-tô, xe máy hư hỏng, đời sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng.
Các chuyên gia lý giải việc “cứ mưa là ngập”, nhất là ở khu vực nội thành Hà Nội là do diện tích ao, hồ đã giảm mạnh so với trước. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa cao, cao ốc, chung cư xây dựng nhiều, dân số cơ học tăng cao đã tạo áp lực lớn đối với hệ thống thoát nước thải vốn đã thiếu đồng bộ.
2/ Để khắc phục những bất cập nói trên, theo các chuyên gia, ngoài việc tuyên truyền để nâng cao ý thức người tham gia giao thông, TP Hà Nội cần nâng cao cả công tác làm quy hoạch và quản lý việc thực hiện quy hoạch. Cần thực hiện nghiêm quy hoạch đã được phê duyệt, không “tùy tiện” điều chỉnh quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch xa rời lợi ích chung, làm gia tăng những áp lực không đáng có lên hệ thống hạ tầng giao thông đô thị.
Thực tế, quỹ đất dành cho giao thông hiện nay còn rất thấp, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp được tốc độ phát triển của xe cộ. Có những tuyến phố được quy hoạch mở rộng đường nhưng đã hơn 10 năm vẫn chỉ “nằm” trên giấy, thí dụ như tuyến đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân). Vì vậy, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị tương xứng với sự phát triển của Thủ đô là vấn đề cần sớm được thực hiện, thậm chí có thể tính đến chuyện quy hoạch lại hệ thống giao thông chỉ dành cho ô-tô hay cho xe máy chứ không phải hỗn hợp dẫn đến lộn xộn như hiện nay.
Những năm qua, TP Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để cải thiện hạ tầng giao thông. Trong đó tập trung vào các tuyến đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai, cải tạo, mở rộng các tuyến đường xuyên tâm và nút giao thông trọng điểm, tuy nhiên, hiệu quả đem lại chưa cao. Theo thông tin mới nhất từ Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong tám tháng đầu năm 2022, thành phố chỉ mới xử lý được ba “điểm đen” ùn tắc giao thông.