Trồng đào, thu nhập lên mấy chục lần!
“Ghép giống cũng nhiều công phu ấy chứ. Có phải đơn giản là tự dưng được đâu. Từ bé phải chăm sóc, chăm bón thì nó mới đẹp được” - trên ruộng đào thôn Cua Chu, xã Tản Lĩnh, ông Nguyễn Văn Hiển, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn nói khi đang phun nước pha dung dịch cho đào rụng lá.
Hơn chục năm nay, đào là “cây thoát nghèo” của nhà ông và mấy chục hộ khác trên địa bàn. Ông Hiển bán vừa đào giống, vừa đào cây, đào cành và uốn cả đào thế trên tổng diện tích dưới chân núi và sườn núi là 5 mẫu. Khách mua là dân sở tại, người ở thị xã Sơn Tây, rồi từ bên huyện Sóc Sơn và các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang… cũng sang đặt. Nhiều người đặt sớm từ đợt đầu năm để cuối năm sang đánh gốc mang đi.
Vừa thao tác, ông Hiển vừa kể, trước ở đây toàn lúa, thu nhập chẳng đủ ăn. Chăm tốt thì mỗi vụ mỗi sào được 2 tạ lúa thôi. Nuôi lợn, gà cũng rủi ro vì dịch bệnh. Thấy bên Phú Thọ có nơi trồng đào, bán đào giống, ông Hiển sang mua về trồng thử. Nhờ cây đào, gia đình thu nhập gấp… mấy chục lần. Một sào trồng đào có thể cho 30-40 triệu đồng. Vợ chồng ông hầu như tự làm lấy, chỉ cần thuê người rẫy chút cỏ. Chờ Tết năm nay, ông ước tính doanh thu tiền tỷ; công xá, chi phí chỉ khoảng 200 triệu đồng.
Người dân thôn Cua Chu và thôn Bát Đầm của xã Tản Lĩnh khi chuyển sang đào cũng phải dành nhiều thời gian, công sức thử nghiệm, học hỏi, thử giống nơi này nơi khác, lại trông nom, theo dõi hằng ngày. Ban đầu ít, sau nâng dần loại đào và số lượng lên. Đến giờ thì đã quen, đã biết được cái “nguyên lý đào”, thì trông thời tiết, tính tháng ngày mà bón phân, tỉa lá, xới gốc, đánh bầu, “điều khiển” cho hoa ra đúng độ, năm nóng thì điều chỉnh, năm nào lạnh dài thì lại khác. Năm nay Tết sớm, lịch âm lịch dương chênh nhau đúng một tháng, bà con đã phải sẵn sàng các bước để “chỉ việc nhấc lên là đi chợ luôn”, có ô-tô đến chở ra Sơn Tây bán hoặc vận chuyển đi các tỉnh. Đợt bão số 3 gây gãy đổ, ngập gốc, chết cây cũng đáng kể, nhưng người dân vẫn còn đủ đất, đủ gốc để chăm đón vụ Tết.
Trồng đào, bà con chia sẻ cho nhau kỹ thuật, kinh nghiệm, cách chọn giống, loại nào nhiều hoa, hoa to, các giống đào phai, đào thắm, cánh đơn, cánh kép, rồi dòng siêu nụ hay đào bích kép mắt trắng, rồi tận dụng giống đào rừng, nhân rộng giống đào vườn. Nhờ mạng xã hội phát triển, nhiều người tham gia các hội nhóm, kết nối với người trồng đào, hoa, cây cảnh ở nhiều địa phương khác để trao đổi, học hỏi, giới thiệu sản phẩm. Nhiều khi chụp ảnh cây đưa lên, nơi khác thấy ưng là chốt giá, có xe đến nhận tận nơi, anh Nguyễn Mạnh Tưởng, một người trồng đào từ sáu năm qua cho biết.
Thế nên nhiều hộ ở Tản Lĩnh giờ có vườn trồng cây giống nhỏ, có ruộng để uốn cành, có ruộng tập trung để đánh gốc đem bán, hoặc loại bán hằng năm, loại vài năm cứng cáp mới tiêu thụ, hoặc cây đủ lớn thì có thể bán nhiều, hàng mấy trăm gốc cho những người trồng đào khác để họ tạo dáng. Anh Tưởng chia sẻ thêm về sự công phu, cũng là nỗi vất vả: Lúc ghép là vất lắm, nắng nôi mình phải ngồi ngoài ruộng, che ô mà làm liên tục cho đúng thời điểm. Các con học xa, vợ bận làm hàng gia công, nên anh Tưởng quay ra quay vào với vườn đào, ruộng đào, có cái vất vả riêng nhưng bảo đảm cuộc sống và thú vị được giao lưu, thêm hiểu biết từ nhiều người trồng đào, chơi đào gần xa.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Phạm Văn Hiệp, hai thôn Cua Chu và Bát Đầm có hầu hết người dân là đồng bào Mường. Những năm qua, đây là điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng nổi bật. Cây đào giúp khởi sắc cho bà con và còn nhiều tiềm năng nhân rộng hơn trên địa bàn thôn, xã. Nhiều du khách biết tiếng, sau khi tham quan Vườn quốc gia Ba Vì cũng đến xem, mua đào. Dịp Tết, các cơ quan, doanh nghiệp đã đến mua hoặc thuê cây cỡ lớn, người dân các địa phương chung quanh đến mua khá nhiều.
Chăm tỉa đào đón vụ Tết 2025. |
Hàng trăm hộ “theo” nhất chi mai
Cũng tại Tản Lĩnh, làng nghề thôn An Hòa đã âm thầm phát triển nhất chi mai cung ứng cho thị trường toàn quốc. Những năm gần đây, các nhà vườn ở đây đã dồn tâm huyết cho ra đời nhiều gốc mai trắng với những thế trực, thế huyền, thế hoành..., trở thành sản phẩm cây cảnh Tết được chào đón ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Những ngày này, về làng hoa mai trắng với không khí tấp nập chuẩn bị hàng Tết. Trưởng thôn An Hòa Bùi Ánh Hoa cho biết: Cây mai trắng “bén duyên” với mảnh đất này từ năm 1998, khi được một số hộ dân đem về trồng thử tại vườn nhà. Là loài cây “khó tính” song mai trắng lại phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu mát mẻ ở Tản Lĩnh. Từ vài chục gốc của các hộ đầu tiên, các hộ dân trong thôn đã cùng học tập, làm theo. Đến nay đã có hơn 200 hộ trồng mai trắng, mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so trồng trọt, chăn nuôi trước đây. Ở thôn, có hộ đã đạt thu nhập 1-2 tỷ đồng/năm nhờ trồng mai.
Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, An Hòa đã tấp nập thương lái về chọn, mua mai mang đi tiêu thụ. Bán tại vườn, nhiều hộ còn mở rộng thị trường tiêu thụ qua các kênh bán hàng online như Facebook, Zalo… Năm 2010, khi đang làm nghề lái xe bus, anh Bùi Việt Anh quyết định nghỉ việc để cùng với gia đình chuyên tâm trồng mai. Hiện tại, vườn nhà anh có 1.500 cây mai giống và mai thế trên tổng diện tích 6.000 m2, mang lại thu nhập trung bình 400 triệu đồng/năm.
“So lái xe, thu nhập từ trồng mai cao hơn nhiều. Giá trị của cây mai tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như thời tiết, tuổi đời, kỹ thuật chăm sóc. Những gốc chi mai có thế đẹp, lâu năm, toàn thân phủ rong rêu, hoa mọc kín cành thì càng có giá trị cao. Tại thôn An Hòa, từng có cây được bán với giá 50-70 triệu đồng”, nghệ nhân Việt Anh cho biết.
Nghề trồng hoa mai trắng quanh năm nắng mưa vất vả với nhiều công đoạn khác nhau từ ươm giống, chăm cây, tạo thế, vào chậu, tạo cây thành phẩm… Trong số này, uốn cây tạo thế là một trong những công đoạn khó nhất bởi nó quyết định trực tiếp tới giá trị của cây. Để căn đúng thời điểm mai khoe sắc vào Tết là cả một quy trình kỹ thuật chăm sóc được làng nghề đúc rút qua nhiều thập kỷ. Anh Nguyễn Khắc Hoàng, chủ nhà vườn Hoàng Tuân cho biết: Khi cây mai vào độ rụng lá, các mắt đã ngủ ít gây tổn thương nhất sẽ được chuyển chậu, bó rễ, cắt cành, uốn dáng tạo thế… Mỗi lần uốn thế, nhà vườn phải làm đồng loạt từ vài trăm cho tới hàng nghìn cây nên thôn thống nhất thành lập các nhóm nghệ nhân lần lượt đi hỗ trợ từng nhà. Trong việc trồng và chăm sóc, chúng tôi cũng thường xuyên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm để cùng phát triển.
Nhưng nghề trồng mai cũng phải đối mặt nhiều thách thức. Kể từ khi công nhận làng nghề năm 2021, người dân đã kiến nghị lên các cấp chính quyền cho phép cải tạo đất, chuyển đổi từ trồng cây lúa sang trồng cây mai cảnh. Hiện, bà con mới được cho phép tự vét luống lên để trồng mai. Tuy nhiên, độ trũng của đất trồng lúa không bảo đảm cho mai cảnh sinh trưởng. Nếu năm nào mưa ít, cây mai sẽ phát triển thuận lợi. Ngược lại, nếu mưa nhiều, mai sẽ bị thối một phần hoặc toàn bộ rễ, khó ra hoa. Như năm nay, sau cơn bão Yagi gây ngập úng dài ngày, thôn An Hòa đã mất trắng gần 2 ha nhất chi mai.
Bà Nguyễn Mai Yến, Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh cho biết: Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nghề trồng hoa mai trắng gắn với việc xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Riêng vấn đề cải tạo đất, chúng tôi cũng đã nhiều lần đề xuất huyện, thành phố có giải pháp tháo gỡ cho bà con. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là bước tiến lớn giúp làng nghề phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ông Phạm Văn Hiệp: Bà con trồng mai, đào và hoa màu, tính ra thu nhập ổn hơn trồng lúa rất nhiều. Theo chỉ đạo của UBND huyện, xã đã phối hợp xây dựng quy hoạch vùng chỉ trồng cây, vùng trồng đào, vùng trồng cây thảo dược… và tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con vay vốn ngân hàng chính sách xã hội thuận lợi, lãi suất thấp nhằm phục vụ cho sản xuất.