Tái chiếm đất trúng đấu giá

Dù đã thực hiện đủ trách nhiệm pháp lý, tài chính và được bàn giao đúng quy định, nhiều người trúng đấu giá đất ở (có nguồn gốc là tài sản kê biên bảo đảm thi hành án dân sự) vẫn phải mỏi mòn kêu cầu để “đòi” lại tài sản. Họ đều bị chủ cũ thửa đất tái chiếm.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Lê Hoàng Sinh bên thửa đất đã trúng đấu giá nhưng bị chủ cũ tái chiếm tại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Ông Lê Hoàng Sinh bên thửa đất đã trúng đấu giá nhưng bị chủ cũ tái chiếm tại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Manh động tái chiếm

Báo Thời Nay nhận được “Đơn kêu cứu khẩn cấp”, đã gửi tới... 16 cơ quan chính quyền và cơ quan chức năng các cấp của ông Lê Hoàng Sinh (Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội). Tháng 11/2021, ông Sinh trúng đấu giá thửa đất số 123, tờ bản đồ số 20, xã Đại Áng (Thanh Trì), diện tích 491,1 m². Bên có tài sản đấu giá là Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Trì. Ngay sau đó, gia đình ông Nguyễn Xuân Hộ (chủ cũ thửa đất) đã xây tường gạch bịt cổng, gây áp lực, ném chất bẩn vào nhà. Ngày 25/3/2022, chủ cũ tái chiếm, phá cửa, đưa đồ đạc vào nhà và ở lại từ đó đến nay.

Tháng 9/2023, ông Sinh đến yêu cầu chủ cũ ra khỏi nhà thì bị chửi bới, đe dọa, hành hung gây thương tích. Vụ việc được Công an huyện Thanh Trì thụ lý, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, sau đó đưa ra Tòa án nhân dân cùng cấp xét xử. Tuy nhiên riêng hành vi tái chiếm, xâm phạm chỗ ở của gia đình chủ cũ thửa đất với ông Lê Hoàng Sinh vẫn đang trong quá trình giải quyết tin báo, chưa có kết quả.

Bên cạnh đó, do chủ cũ có đơn đề nghị tạm dừng giao dịch thửa đất, ông Sinh cũng không thể làm thủ tục đăng ký biến động đất đai để sang tên “sổ đỏ” tại Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thanh Trì.

Cũng tại huyện Thanh Trì, ông Lê Quang Nghĩa (thường trú xã Yên Mỹ, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) là người trúng đấu giá thửa đất ở số 63, tờ bản đồ số 13, địa chỉ tại xã Duyên Hà, diện tích 251 m² vào tháng 4/2021. Tháng 7/2022, ông Nghĩa được bàn giao tài sản dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan. Tuy nhiên hơn 1 năm sau, chủ cũ thửa đất đến chửi bới, đe dọa, khóa cửa nhà và chính thức tái chiếm tài sản vào đầu năm 2024. Toàn bộ hình ảnh, video vụ việc đều được ông Nghĩa ghi lại, chuyển đến Công an xã Duyên Hà nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ngoài ra, báo Thời Nay cũng nhận được nhiều phản ánh tương tự trên địa bàn Hà Nội. Đơn cử như vụ việc của ông Nguyễn Văn Huân (thường trú phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), người trúng đấu giá thửa đất số 111, tờ bản đồ số 38 (địa chỉ tại số 162/ 16 Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, Hà Đông). Đây cũng là tài sản đã được bàn giao, sau đó bị chủ cũ tái chiếm, chưa thực hiện được chuyển giao quyền sử dụng đất.

Vẫn chờ xác minh, làm rõ

Về các vụ việc xảy ra trên địa bàn huyện Thanh Trì, Trung tá Nguyễn Thanh Tuấn, Đội trưởng Điều tra tổng hợp, Công an huyện Thanh Trì cho biết, cơ quan chức năng đã tiếp nhận và đang trong quá trình giải quyết tin báo. Vụ việc của ông Lê Hoàng Sinh được tiếp nhận vào tháng 8/2022, còn của ông Lê Quang Nghĩa được tiếp nhận vào tháng 5/2024. Tuy nhiên, việc giải quyết tin báo của cả 2 trường hợp này hiện đều ở tình trạng tạm đình chỉ, căn cứ Điểm B, Khoản 1, Điều 148 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Theo đó, tin báo tạm đình chỉ giải quyết khi cơ quan chức năng “đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả”.

Trung tá Nguyễn Thanh Tuấn nhấn mạnh: Quá trình xử lý tin báo đều có giám sát của phía Viện Kiểm sát, không có chuyện tạm đình chỉ là "nhét vào một xó". Những vụ việc tranh chấp đất sau đấu giá thường có diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp, chủ cũ thửa đất không hề hay biết việc nhà, đất của mình bị người thân đem thế chấp ngân hàng, đến khi bị cưỡng chế mới “ngã ngửa”. Về điều này, thực tế rất khó xảy ra, vì các thủ tục tài chính liên quan việc thế chấp vay ngân hàng thường bắt buộc phải có chữ ký chủ sở hữu.

Về thời hạn xác minh tin báo, Trung tá Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, có các mức 20 ngày, 2 tháng, 4 tháng... Với hai trường hợp bị tái chiếm ở huyện Thanh Trì, không rõ quá trình xác minh, giải quyết tin báo sẽ mất bao lâu vì "vẫn chưa đủ cơ sở kết luận".

Còn theo đại diện Công an quận Hà Đông, đơn vị đã yêu cầu Công an phường Kiến Hưng báo cáo vụ việc của ông Nguyễn Văn Huân về thửa đất trúng đấu giá tại số 162, ngõ 16 Đa Sỹ. Công an phường báo cáo có việc chủ cũ nhà, đất “tự ý vào ở”, nhưng chưa nhận được tin báo về việc tài sản của công dân bị tái chiếm, nên chưa có cơ sở thực hiện quy trình giải quyết tin báo. Trong khi đó, phía ông Huân khẳng định đã ủy quyền cho người thân trình báo sự việc tại Công an phường Kiến Hưng từ nhiều tháng trước.

Luật sư Đỗ Quang Hưng, Văn phòng luật Lawpro, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, với những trường hợp tài sản là đất ở bị tái chiếm sau đấu giá, tùy thuộc hành vi, cơ quan tố tụng có thể xem xét khởi tố về hành vi "cướp tài sản" theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) do có việc sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực; hoặc về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 176, Bộ luật Hình sự 2015, được bổ sung bởi Điểm D, Khoản 1, Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.