Cát tặc sông Hồng vẫn lộng hành

Ngay sau khi đăng tải loạt bài “Lộng hành cát tặc sông Hồng” hồi tháng 1/2024, báo Thời Nay tiếp tục nhận được thêm thông tin từ phía bạn đọc. Hoạt động khai thác cát trái phép vẫn diễn ra trên sông Hồng như chưa hề có sự phản ánh của báo chí. Dường như phía cơ quan chức năng cũng chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để…
0:00 / 0:00
0:00
Tàu cát tặc hoạt động tại khu vực gần cầu Thanh Trì lúc 20 giờ 30 phút ngày 23/1/2024.
Tàu cát tặc hoạt động tại khu vực gần cầu Thanh Trì lúc 20 giờ 30 phút ngày 23/1/2024.

Tinh thần cầu thị

Trước những thông tin từ loạt bài “Lộng hành cát tặc sông Hồng”, Đội 1 và Đội 2 Cảnh sát giao thông thủy (CSGTT) Công an TP Hà Nội đã liên hệ làm việc với báo Thời Nay để xác minh.

Sáng 22/1/2024, trong buổi làm việc với nhóm PV tại trụ sở Báo Nhân Dân, đại diện lãnh đạo Đội 2 CSGTT cho biết về những khó khăn thực tế trong việc quản lý đường thủy. Trước đây, Hà Nội có ba đội CSGTT, nhưng từ năm 2018 sáp nhập chỉ còn lại hai đội. Địa bàn quản lý của Đội 2 trải dài khoảng 100 km đường sông, trong khi quân số chỉ 20 người. Địa bàn rộng cùng với lực lượng mỏng dẫn đến đôi lúc tình hình an ninh - trật tự trên sông không được quản lý chặt chẽ. Thêm vào đó, vấn đề quản lý hoạt động khai thác cát trên sông còn liên quan đến rất nhiều bên, nhiều cấp ngành, địa phương,… nên đôi khi dẫn đến tình trạng chồng chéo trong quản lý. Đây là kẽ hở đang bị cát tặc tận dụng triệt để đánh cắp tài nguyên.

Đại diện Đội 2 CSGTT thừa nhận có tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra trên địa bàn và ghi nhận sự đóng góp của báo chí. Đồng thời vị đại diện cũng khẳng định chắc chắn sẽ tăng cường công tác tuần tra. Từ đó ngăn chặn hiệu quả hơn nữa hoạt động khai thác cát trái phép, đặc biệt trên những khúc sông đi qua các quận Long Biên và Hoàn Kiếm (đã được chỉ rõ trong loạt bài Lộng hành cát tặc sông Hồng). Đây là những nơi có mật độ dân số hai bên bờ sông đông. Tình trạng khai thác cát trái phép ngang nhiên sẽ tạo nên dư luận không tốt, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật.

Buổi làm việc với Đội 1 CSGTT diễn ra sau đó vài ngày. Ngoài việc thừa nhận tình trạng hút cát trái phép trên địa bàn diễn ra nhức nhối lâu nay, đại diện Đội 1 trình bày thêm một số khó khăn trong việc quản lý. Khúc sông đơn vị quản lý đi qua TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc, phần lớn thuộc địa bàn giáp ranh bờ bên này là Hà Nội, bờ bên kia Vĩnh Phúc. Một số đối tượng cát tặc lợi dụng đặc thù này lén lút hút cát ban đêm. Khi bị lực lượng chức năng bên này truy đuổi, họ lại chạy sang địa bàn bên kia. Tuy nhiên, đây chưa thể là lý do thỏa đáng lý giải cho thực trạng cát tặc hoạt động gần như công khai trên tuyến sông này. Thực tế, trong công tác quản lý các địa bàn giáp ranh, giữa các địa phương, địa bàn đều có quy chế phối hợp cụ thể. Theo đó, CSGTT Hà Nội cũng như Vĩnh Phúc đều có thể ngăn chặn, truy bắt cát tặc bất kể trước đó đối tượng hút cát bên địa bàn nào.

Ngoài ra, ghi nhận từ thực tế cho thấy đoạn sông Đội 1 CSGTT Hà Nội quản lý có khá nhiều tàu hút cát (các tàu này bắt buộc phải “chế” thêm vòi hút) không đủ điều kiện đăng kiểm. Việc đó đồng nghĩa các tàu này chỉ được neo đậu ở bến. Tình trạng ban đêm các tàu này đột nhiên biến mất khỏi bến có vẻ thật khó hiểu (?!). Đó là chưa kể các sự việc ban đêm trên sông, có những đối tượng bị nghi cảnh giới cho cát tặc ra cản trở, có hành vi đe dọa đoàn công tác tác nghiệp, hoàn toàn không thấy bóng dáng của lực lượng tuần tra…

Đội 1 khẳng định sẽ triển khai một số hoạt động cụ thể, từ đó có thể ra được những kết quả cụ thể thông tin lại cho báo chí nói riêng và công luận nói chung.

Từ những thông tin báo chí nêu, gần như ngay lập tức, hai đơn vị chức năng của Công an TP Hà Nội đã thể hiện tinh thần cầu thị. Đã có những cam kết được đưa ra, dù chưa chính thức nhưng phần nào thể hiện được quyết tâm của lực lượng CSGTT Hà Nội trong việc ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép, bảo đảm an ninh - trật tự trên địa bàn.

Kiểm chứng thông tin

Sau hai buổi làm việc với lực lượng CSGTT Hà Nội, chúng tôi lại tiếp tục nhận được các thông tin thực địa có chiều hướng trái ngược. Hoạt động của cát tặc ở các “điểm nóng” như trong loạt bài báo nêu không hề có dấu hiệu giảm nhiệt. Nhóm PV một lần nữa lên kế hoạch kiểm chứng các luồng thông tin.

Ngày 23/1/2024, Hà Nội đón đợt gió mùa đông bắc mạnh nhất từ đầu mùa đẩy nhiệt độ có lúc xuống dưới 10oC. Người Hà Nội co ro trong cái lạnh cắt ra, buốt thịt. Điểm khảo sát đầu tiên nằm sát cầu Thanh Trì, gần bờ sông Hồng phía quận Long Biên. Từ đường đê, rẽ vào ngõ Tự Do 1, phường Cự Khối, đi ra chỉ 300 m là đến bờ sông. 7 giờ tối, từ điểm dừng chân của chúng tôi có thể nhìn rõ từng chiếc xe máy đang di chuyển trên cầu Thanh Trì.

Ánh sáng trên cầu hắt xuống mặt sông làm nổi bật lên ba chiếc tàu cát đen ngòm, nằm im lìm giữa lòng sông. Nhóm tàu này tắt hết đèn, neo giữa dòng, rất nguy hiểm cho giao thông thủy, nhưng bởi chúng đang hút cát trong lòng sông. Camera hồng ngoại zoom vào cận cảnh. 1 chiếc tàu bình thản hút cát sang 2 chiếc tàu bên cạnh. Thỉnh thoảng có bóng người trên boong, lia đèn pin khắp mặt sông… như để chắc chắn không có ai lại gần. Vị trí quan sát của chúng tôi khá trống trải, cách nhóm thuyền hút cát chỉ chừng 200 m. Thế nhưng cả nhóm khá dễ dàng trong việc chụp ảnh, ghi hình hoạt động dưới sông vì dường như người trên tàu không bận tâm có ai trên bờ và có thể nhìn thấy gì.

Điểm nóng thứ 2 nằm ngay sát chân cầu Long Biên, nơi chúng tôi đã đề cập trong loạt bài trước. Khác với điểm đầu tiên, ở đây từ mặt đê ra đến bờ sông san sát nhà dân. Sông Hồng đi qua đoạn này chia làm hai luồng bởi một bãi bồi. Người Hà Nội thường gọi chung cho những bãi bồi này là Bãi giữa sông Hồng. Một số người tranh thủ lên đây khoanh đất, trồng hoa màu vì đất chủ yếu là cát giàu phù sa. Lều lán của dân cũng thấp thoáng trên bãi để trông ruộng. Nói như vậy để thấy rằng, từ bờ sông cho đến giữa sông… có quá nhiều “cặp mắt”.

Len lỏi giữa những nhà dân ken đặc, một ma trận đường, ngõ chằng chịt, cuối cùng chúng tôi đến được điểm quan sát ven sông. Hơn 8 giờ tối nhưng ánh sáng trên sông chỉ nhờ nhờ như chiều muộn. Đủ các thứ ánh sáng hai bên bờ lẫn trên cầu hắt xuống lòng sông một thứ ánh sáng vàng vọt. Lần này sự bất ngờ đã giảm bớt, 3 tàu làm cát nối đuôi nhau giữa dòng. Điểm neo tuy khá xa bờ sông Hồng phía quận Long Biên nhưng rất gần bãi giữa. Bằng mắt thường chúng tôi đã có thể nhận thấy có những chuyển động trên tàu.

Nhìn qua ống kính camera chuyên dụng, thứ đang chuyển động là những vòi hút cát. Dòng cát phun ra khỏi đầu vòi trắng xóa. Suốt 15 phút đứng theo dõi, cả 3 chiếc tàu đều “bình thản”, không một lần có người xuất hiện trên boong. Bờ sông bên kia là quận Hoàn Kiếm nhộn nhịp, nhưng bốn phía trên sông lại vắng lặng. Ở đây như thể thế giới riêng của cát tặc…

Một người dân ở đây cho biết: Mấy hôm nay trời rét họ càng làm mạnh. Cứ đến 6 - 7 giờ tối y như rằng, đã có tàu đóng đúng điểm đấy. Khả năng đó là chỗ cát còn nhiều. Một người dân khác cho biết thêm: Tôi thường canh tác trên bãi giữa khúc sông này. Họ hút chán giữa sông rồi lại thò vòi hút cả vào phía bãi giữa. Bờ bãi nhiều đoạn sụt nham nhở, sắp vào đến cả phần ruộng dân trồng trọt. Đuổi không ăn thua, báo chính quyền cũng không thấy động tĩnh…

Hai “điểm nóng” được chúng tôi chọn để kiểm chứng không có thay đổi so với ngày chúng được đưa lên mặt báo. Việc tiếp tục tìm ra những điểm mới hoặc đi lại thêm những điểm cũ có vẻ vô nghĩa. Dòng sông Hồng, người dân Hà Nội và chúng tôi tiếp tục chờ câu trả lời thỏa đáng từ phía các cơ quan chức năng.

Lộng hành “cát tặc” sông Hồng (kỳ 1)

Lộng hành “cát tặc” sông Hồng (kỳ 2)

Lộng hành “cát tặc” sông Hồng (kỳ 3)