(Tiếp theo và hết)
Ngay sau khi kết thúc chuyến đi thực tế ngày 30/10/2023, nhóm phóng viên đã liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng của TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc. Thay vì nhanh chóng vào cuộc phối hợp cùng nhóm phóng viên, chúng tôi nhận lại là sự… lảng tránh, thậm chí là từ chối đến hai lần của Công an tỉnh Vĩnh Phúc.
Sự lảng tránh của cơ quan chức năng
Kể từ ngày 6/11/2023, nhóm phóng viên đã đồng loạt gửi đi rất nhiều giấy giới thiệu, công văn đề nghị làm việc đến các cơ quan chức năng. Đến nay nhóm phóng viên mới chỉ làm việc được với Đội Cảnh sát giao thông thủy số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội), Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT), Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc. Cơ quan Công an huyện Ba Vì đến nay chưa có hồi âm; Chi cục Đăng kiểm số 1 đã từ chối làm việc trực tiếp. Riêng cơ quan Công an tỉnh Vĩnh Phúc có đến hai lần từ chối làm việc với nhóm phóng viên Thời Nay…
1/Cụ thể, lần thứ nhất, Báo Nhân Dân có Công văn số 3969-CV/BND ngày 6/11/2023 gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc. Tại Công văn số 3969, chúng tôi đã đề cập rõ “thời gian qua vẫn nổi lên tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”, mặc dù UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cho tạm dừng các hoạt động khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Lô và sông Hồng.
Sau khi nhận được Công văn số 3969, các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc đều có hồi âm lại đến nhóm phóng viên. Trong đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Văn bản số 9181/UBND-NN1 giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc chuẩn bị nội dung, tài liệu liên quan và làm việc với đoàn công tác. Tuy nhiên, sau gần một tháng sắp xếp thời gian cũng như chuẩn bị nội dung để làm việc, ngày 30/11/2023, chỉ có đại diện Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc làm việc với nhóm phóng viên, Công an tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị khác không tham gia.
Trong công tác phòng, chống cát tặc, cơ quan công an là lực lượng hành pháp, có vai trò chính trong công tác đấu tranh ngăn chặn, nhưng Công an tỉnh Vĩnh Phúc lại từ chối làm việc với nhóm phóng viên. Để có cơ sở và thông tin về công tác này của cơ quan chức năng, Báo Nhân Dân đã tiếp tục có Công văn lần thứ 2 số 4074-CV/BND ngày 29/11/2023 gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc sắp xếp thời gian cho đoàn công tác làm việc với Công an tỉnh Vĩnh Phúc về thực trạng khai thác cát trái phép và công tác phòng, chống khai thác cát trái phép trên địa bàn.
Ngày 7/12/2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Văn bản số 10164 gửi Công an tỉnh Vĩnh Phúc để bố trí lịch làm việc, cung cấp thông tin, số liệu theo đề nghị của Báo Nhân Dân.
Ngày 12/12/2023, một cán bộ đại diện Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã liên hệ, trao đổi với phóng viên báo Thời Nay để chuẩn bị cho buổi làm việc. Khi được hỏi “Anh định đi địa bàn nào?”, nhóm phóng viên có đề nghị được đi thực tế đoạn từ cầu Vĩnh Thịnh hướng về Hà Nội. Sau đó chúng tôi không nhận được hồi âm từ phía đại diện Công an tỉnh Vĩnh Phúc.
Cho đến ngày 25/12/2023, phóng viên tiếp tục liên hệ lại, thì đồng chí này cho biết, trước đây UBND tỉnh đã giao cho Sở TN&MT làm việc với đoàn về nội dung đó rồi, nên sẽ không làm việc nữa (?!).
Ngày 9/1/2024, chúng tôi mới nhận được Văn bản số 11043/UBND-TH2 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký ngày 29/12/2023, gửi Sở TN&MT, Công an tỉnh với nội dung: “Sau khi xem xét đề nghị của Công an tỉnh tại Văn bản số 659/BC-CAT-CSKT ngày 25/12/2023, về việc giao Sở TN&MT làm việc với đoàn công tác của Báo Nhân Dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang có ý kiến như sau: Sở TN&MT căn cứ chức năng, nhiệm vụ và trên cơ sở tổng hợp nội dung trao đổi của các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức làm việc và cung cấp thông tin cho phóng viên Báo Nhân Dân theo đúng quy định của pháp luật (theo nội dung đã chỉ đạo tại Văn bản số 9182/UBND-NN1 ngày 9/11/2023)”.
Về buổi làm việc ngày 30/11/2023 với Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc, người được giao làm việc với chúng tôi là Trưởng phòng Khoáng sản tài nguyên nước và khí tượng thủy văn. Tuy nhiên, đồng chí cho biết mới nhận nhiệm vụ được khoảng một tháng, nên có nhiều việc chưa nắm được và Phó trưởng phòng Nguyễn Vĩnh Hải sẽ làm việc với đoàn. Đại diện Sở TN&MT cung cấp cho chúng tôi một báo cáo ngắn gọn. Trong đó có chi tiết đáng chú ý, từ khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho dừng mọi hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh (từ ngày 28/3/2019), đến ngày chúng tôi làm việc, tỉnh chỉ phát hiện, xử lý 20 vụ khai thác cát sỏi, phạt 848.170.000 đồng, tịch thu một phương tiện. Về tình hình khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn, tỉnh đánh giá là không còn.
Khi phóng viên muốn trao đổi thêm về thông tin tại khu vực cầu Vĩnh Thịnh (nhóm phóng viên đã nhiều lần ghi nhận được hình ảnh cát tặc hoạt động cả ngày lẫn đêm tại khu vực này), đại diện sở từ chối nêu quan điểm và khẳng định rằng, mình chỉ được giao tiếp đoàn phóng viên, không có tư cách phát ngôn.
Thông tin duy nhất được coi có giá trị mà chúng tôi thu nhận được, là tỉnh vừa mới cấp giấy phép khai thác cát cho một chủ mỏ gần chân cầu Vĩnh Thịnh. Tuy nhiên, công ty được cấp phép này chưa có hoạt động khai thác.
2/Về phía cơ quan chức năng của TP Hà Nội, bên cạnh tinh thần phối hợp, cung cấp thông tin của Sở TN&MT, Phòng CSGT TP Hà Nội chỉ giới thiệu nhóm phóng viên làm việc với Đội Cảnh sát giao thông thủy (CSGTT) số 2.
Cụ thể, cán bộ phụ trách liên lạc với phóng viên cho biết, lãnh đạo Phòng CSGT đã phê duyệt, giới thiệu nhóm phóng viên làm việc với Đội CSGTT số 2, phóng viên có đề nghị được đi thực tế khu vực cầu Long Biên hướng về phía Vĩnh Phúc. Cán bộ này cho biết, khu vực từ chân cầu Thăng Long hướng về Vĩnh Phúc do Đội CSGTT số 1 quản lý. Sau đó phóng viên có đề xuất sau khi làm việc với Đội 2 thì tạo điều kiện cho nhóm phóng viên được làm việc với Đội 1 và đi thực tế nhưng đồng chí này đã từ chối.
Ngày 21/11/2023, tại buổi làm việc với Đại úy Mạc Văn Tài và Vũ Huy Hoàng thuộc Đội CSGTT số 2, chúng tôi được cho biết, kể từ khi thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 5/9/2022 (về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển tiêu thụ khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn TP Hà Nội), Đội đã đấu tranh xử lý khai thác cát trái phép 3 vụ (4 phương tiện) trên tuyến sông Hồng, thuộc địa phận xã Hải Bối, huyện Đông Anh và xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Kiểm tra xử lý phương tiện vận chuyển cát, sỏi trái phép: 14 vụ vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn nguồn gốc. Qua đó tạm giữ 2.183,8 m3 cát.
Đội CSGTT số 2 có 23 cán bộ, chiến sĩ, được trang bị khoảng 8 xuồng máy chia 3 tổ tuần tra, mỗi tổ 2 xuồng máy và chia mỗi tổ 3 chiến sĩ/ca… Các khu vực tiềm ẩn nguy cơ diễn ra hoạt động khai thác cát trái phép là khu vực cầu Thăng Long; khu vực Vụng Nhót giáp ranh ba huyện Thanh Trì, Gia Lâm và Văn Giang (Hưng Yên).
Những thông tin nêu trên cho thấy, với những khu vực “nóng”, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện cát tặc đều được các cán bộ, chiến sĩ CSGTT nắm rõ và mỗi một xuồng máy tuần tra trên sông sẽ phải bảo đảm ba cán bộ, chiến sĩ. Trong khi chuyến đi thực tế của chúng tôi ngày 30/10/2023, Đội CSGTT số 1 ra kiểm tra chúng tôi chỉ có hai cán bộ, chiến sĩ!
Lúc 22 giờ 38 phút ngày 24/10/2023, cát tặc hoạt động tại khu vực gần cầu Thanh Trì. |
Cát dưới sông… luôn “nóng”
Thực trạng khai thác cát trái phép gây nên nhiều hệ lụy môi trường, mất an ninh - trật tự, xưa nay luôn là vấn đề “nóng” gây bức xúc trong dư luận. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần siết chặt hoạt động quản lý khai thác cát. Có thể dẫn chứng một số vụ việc.
Bên lề kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội tháng 7/2018, một cá nhân ngày đó đã chia sẻ với báo chí một clip cát tặc người dân quay được. Trong đó là cảnh hai tàu hút cát lậu giữa ban ngày (tại huyện Phúc Thọ) ngay cạnh một tàu tuần tra CSGTT (cách khoảng vài chục mét). Sau đó không lâu, Thiếu tướng Đào Thanh Hải (khi ấy là Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, đại biểu Quốc hội) đã nói: “Tôi đã kiểm tra, xác minh số hiệu trên tàu. Đây không phải là tàu Cảnh sát đường thủy Hà Nội. Bây giờ không biết là Cục Cảnh sát giao thông (C67) hay của Vĩnh Phúc. Đây là vùng giáp ranh giữa hai bên”.
Cho đến nay, vẫn không ai biết chiếc tàu tuần tra đó là của đơn vị nào, nên cũng không cán bộ, chiến sĩ tha hóa nào trong vụ việc ấy bị kỷ luật. Dư luận vẫn luôn đặt dấu hỏi.
Mới đây nhất, tháng 12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thông báo khởi tố vụ án khai thác cát lậu tại An Giang của Công ty CP đầu tư Trung Hậu - Tổng 68. Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, hàng loạt cán bộ nhà nước đã bị bắt và khởi tố, trong đó có cả Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình vì tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Còn Phó Chủ tịch Trần Văn Thư bị khởi tố vì tội nhận hối lộ khoảng 1,2 tỷ đồng.
Chỉ trong quãng thời gian từ giữa tháng 12/2023 đến nay, chúng tôi tiếp tục ghi nhận thêm nhiều vụ cát tặc hoạt động ngang nhiên. Đơn cử, lúc 16 giờ 37 phút ngày 19/12/2023 và lúc 11 giờ 15 phút ngày 24/12/2023, tàu cát tặc vươn vòi hút cát tại khu vực gần cầu Vĩnh Thịnh. Lúc 19 giờ 20 phút ngày 2/1/2024, tàu cát tặc hoạt động cách cầu Thanh Trì chừng 500m về phía trung tâm Hà Nội…
Theo một người thạo tin trong giới “làm cát”: “Trước đây mỗi tàu cát tặc phải đóng “phế” 300 triệu đồng/tháng. Nhưng chỉ sau câu chuyện đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với số tiền khủng 1.700 tỷ đồng, tiền “phế” đã lên 550 triệu đồng /tháng/tàu. Mà không phải cứ đóng “phế” là thích hút bao nhiêu, hút bất cứ lúc nào. Giờ giấc và khối lượng do bên “nhận phế” quyết định. Thông thường một tàu chỉ được hút một số giờ cố định trong ngày. Một tháng cũng chỉ được hút trung bình 20 ngày”. Tính xác thực của thông tin này cần làm rõ thêm, chỉ biết rằng, hoạt động khai thác cát lậu đang diễn ra rầm rộ khắp sông Hồng.
Ba mỏ cát ở Hà Nội được đấu giá, thu về 1.700 tỷ đồng, đây là con số khá ấn tượng nếu như không có một loạt điểm bất thường được chỉ ra ngay sau đó. Giá đấu mỗi mỏ cao hơn từ vài chục đến cả hàng trăm lần so với giá mở bán.
Bất thường nhất là mỏ cát Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) có trữ lượng cát được cấp quyền khai thác 703.500m3, giá trúng thầu là 397 tỷ đồng, gấp 137 lần giá khởi điểm. Với mức giá trúng thầu này, doanh nghiệp sẽ phải trả xấp xỉ 564.000 đồng/m3 cát chưa được lấy lên từ mỏ. Cát ở mỏ này lại là cát đen, giá trên thị trường chỉ rơi vào khoảng vài chục nghìn đồng/m3 nếu mua tận nơi khai thác. Cộng tất cả các chi phí để mang đến chân công trình, không hiểu người ta làm thế nào để giá có thể lên hơn 500.000 đồng/m3(!?).
Sự bất bình thường này đã khiến Thủ tướng Chính phủ phải yêu cầu UBND thành phố Hà Nội rà soát và báo cáo lại trước ngày 20/11/2023. Nhưng đến ngày 6/12/2023, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố xin lùi thời hạn báo cáo Thủ tướng đến ngày 15/12/2023.
Kể từ đó đến nay, chưa có bất cứ thông tin gì thêm về việc TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng về cuộc đấu giá bất thường nêu trên.
Liệu người trả đấu giá ba mỏ cát kia có bỏ cuộc như cách ông chủ Tập đoàn Tân Hoàng Minh “thổi” giá đất bằng cách trả giá không tưởng trong cuộc đấu giá đất ở khu đô thị Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh (?!).
Trên thị trường vật liệu xây dựng, dường như đang có hiện tượng nhiều đầu nậu tìm cách “găm” cát với khối lượng lớn. Thời điểm hiện nay đang có rất nhiều công trình trọng điểm được gấp rút triển khai ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung!
Giá cát đang trong xu hướng tăng nhanh. Giá mỗi khối cát hiện đã tăng lên gấp đôi thời điểm tháng 11/2023… Có thể thấy rằng, nếu hàng trăm con tàu cát tặc đang ngày đêm rút ruột tài nguyên tiếp tục được “làm ngơ”, thì số tiền hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng sẽ chạy vào túi những “ông trùm”, những… thế lực bảo kê. Có thể kể đến những “ông trùm” nổi lên thời gian gần đây trên tuyến sông Hồng (khu vực Hà Nội) như Luyến “trâu” hay Tú “bằng”, Dũng “hói”, Cường “hói”… Những động thái ngăn chặn từ phía cơ quan chức năng cần gấp rút, quyết liệt và nghiêm minh hơn.