Cao điểm kiểm soát buôn lậu cuối năm

Chỉ còn gần hai tháng nữa là Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, dự báo sẽ là khoảng thời gian tình hình buôn lậu có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, phương thức tinh vi.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân cần chủ động tìm hiểu cách nhận biết cơ bản sản phẩm thật hay giả mạo. Ảnh: NGUYỆT ANH
Người dân cần chủ động tìm hiểu cách nhận biết cơ bản sản phẩm thật hay giả mạo. Ảnh: NGUYỆT ANH

Cẩn trọng trên sàn điện tử

Cuối năm, khi nhu cầu mua sắm phục vụ Tết tăng cao, nhiều thương lái bất chấp lợi nhuận tham gia buôn lậu, đem hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng về Việt Nam. Đó có thể là mỹ phẩm, dược phẩm, rượu, bia, thuốc lá… Còn có các mặt hàng khác nguy hiểm như chất gây nổ, pháo, chất kích thích, ma tuý… Mặt hàng nào có cung, các đối tượng cũng sẽ bất chấp mang về Việt Nam. Đặc biệt ở các tỉnh có đường biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Tây Ninh, An Giang…, các đối tượng lợi dụng các đường bộ có địa hình hiểm trở để tuồn hàng vào nội địa. Các hình thức ngụy tạo hàng giả cũng tinh vi hơn, đa dạng hơn trên cả tuyến đường bộ, đường biển thậm chí cả đường hàng không.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch số 115/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhằm kịp thời ngăn chặn, giảm những hành vi trên. Ban Chỉ đạo đặc biệt nhấn mạnh tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok...) mua, bán trực tuyến... Đây được đánh giá là một “chợ” lớn với rất nhiều mặt hàng khó kiểm chứng chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ và rất dễ có hành vi trốn thuế qua những nền tảng này.

Kể về một trải nghiệm không vui vẻ vào dịp Tết Nguyên đán 2023, anh Quách Văn Bình (Hà Nội) bày tỏ sự thận trọng khi lựa chọn các sản phẩm quà tặng. Năm ngoái anh đã mua một giỏ quà thông qua một quảng cáo trên Facebook. Giỏ quà được đóng sẵn có giá 1.050.000 đồng cùng lời hứa của người bán bảo đảm bánh kẹo chính hãng, rượu cũng là từ nhà máy sản xuất có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên sau khi bóc ra để sắp xếp lại, anh mới phát hiện những hộp bánh, gói kẹo trong giỏ quà ấy chỉ là nhái tên thương hiệu gốc. Cùng tình cảnh, chị Nguyễn Mai Vy (Hà Nội) cho biết đã từng mua hai chai nước hoa thông qua một phiên bán hàng trực tiếp trên TikTok, tuy nhiên, sau khi kiểm tra hàng, đây đều là những chai nước hoa nhái lại thương hiệu nổi tiếng.

Chủ động phòng, chống

Với tính chất phức tạp cùng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, hiện đại hơn trên tất cả các tuyến, tình trạng còn những sản phẩm kém chất lượng trôi trên thị trường là không thể tránh khỏi. Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng.

Trước làn sóng buôn lậu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, người dân cần chủ động tìm hiểu cách nhận biết cơ bản sản phẩm thật và giả mạo, hạn chế mua sắm từ các cửa hàng không tên tuổi, ưu tiên mua sắm tại các cửa hàng uy tín và có danh tiếng tốt; kiểm tra sản phẩm kỹ lưỡng, đặc biệt là những sản phẩm có giá trị cao. Ngoài ra, cần báo cáo cho cơ quan chức năng ngay khi phát hiện mình mua phải hàng giả hay phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của buôn lậu.

Ban Chỉ đạo 389 lưu ý lực lượng công an, hải quan, bộ đội biên phòng… toàn quốc chủ động nắm chắc tình hình tội phạm, kịp thời phát hiện, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu nhất là đối với nhóm hàng cấm như ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ, động vật hoang dã...; hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như xăng dầu, điện tử, thời trang cao cấp, rượu, bia, thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, bánh kẹo… Cần chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phương án chuẩn bị nguồn cung, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán, không để thiếu hàng hóa tiêu dùng cho người dân.

Bên cạnh đó, các cơ quan thông tấn, báo chí phản ánh các biểu hiện tiêu cực, bao che, tiếp tay, bảo kê hoặc trực tiếp tham gia buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chủ động tuyên truyền cho người dân không tham gia, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại…