“Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh”

Công trình “Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh: Những tiếp cận xuyên văn hóa” do TS Nguyễn Thị Thu Thủy và TS Hoàng Cẩm Giang chủ biên, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành, là kết quả của một dự án nghiên cứu lâu dài, khởi nguồn từ hội thảo quốc tế “Tiếp cận cảnh quan Việt Nam trong bối cảnh xuyên văn hóa” vào tháng 8/2022.
0:00 / 0:00
0:00
“Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh”

Cuốn sách có sự tham gia của các nhà nghiên cứu: Đoàn Ánh Dương, Đinh Hồng Hải, Đỗ Thu Huyền, Lý Hoài Thu, Phùng Ngọc Kiên, Mai Anh Tuấn, Trần Ngọc Hiếu, Nguyễn Thị Năm Hoàng, Phạm Văn Hưng, Trần Thị Thục, Hồ Khánh Vân, Kevin Hart (Đại học Mahidol, Thailand), Earl Jackson (Đại học California, Mỹ)...

Cuốn sách gồm hai phần: Cảnh quan văn học và địa lý văn chương; Cảnh quan trong điện ảnh và nghệ thuật thị giác, với 27 tiểu luận công phu. Chiếm vị trí quan trọng là nhóm bài viết quan tâm đến sự phục dựng và kiến tạo cảnh quan Việt Nam. Một số tác giả tập trung vào sự theo dõi và trình hiện/tái trình hiện các cảnh quan bản địa trên cơ sở của kiến tạo văn hóa vùng miền/nơi chốn.

Cuốn sách cung cấp cho độc giả cái nhìn mang tính hệ thống và gợi mở về phê bình cảnh quan. Thông qua cuốn sách, độc giả được “du ngoạn” và trải nghiệm cảnh quan của Việt Nam; được ngắm nhìn các cảnh trí, nơi chốn, vùng miền từ góc nhìn của các đạo diễn điện ảnh, các nhà văn, nhà thơ; được bước ra “ngoài Việt Nam” xem người nước ngoài hay người Việt di dân tri nhận về cảnh quan Việt Nam như thế nào theo chiều dài lịch sử.