“Bẫy” làm đẹp
Sự việc người phụ nữ quê Long An ra Hà Nội phẫu thuật thẩm mỹ tử vong ngày 17/3 khiến dư luận chưa hết bàng hoàng. Nơi phẫu thuật nạn nhân từng là căn phòng được mướn từ một salon cắt tóc, người phẫu thuật không có kinh nghiệm, chỉ học nghề theo kiểu “cầm tay chỉ việc” từ một người bạn từng làm spa.
Gần đây, Bệnh viện E đã tiếp nhận bệnh nhân nữ 20 tuổi trong tình trạng nhiễm khuẩn ở hai bên mặt, xuất hiện các ổ áp xe gây sưng tấy, chảy mủ liên tiếp nhiều ngày. Khi nhập viện, mủ đã lan rộng, gây khó khăn cho việc điều trị. Trước đó, bệnh nhân đã sử dụng dịch vụ botox để làm thon gọn cơ hàm tại một cơ sở spa của người quen. Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cũng liên tục tiếp nhận và điều trị các trường hợp tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ với hậu quả nặng nề do các cơ sở mạo danh bệnh viện gây nên.
Theo xu hướng nhu cầu làm đẹp ở cả hai giới ngày càng nhiều, các cơ sở làm đẹp mở ra liên tiếp. Để lách luật, các cơ sở này thường đăng ký là spa hay chăm sóc da. Thời gian vừa qua, thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã liên tiếp đình chỉ hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ không được cho phép nhưng vẫn cố tình thực hiện các dịch vụ như nâng mũi, tiêm filler, cắt mí. Tất cả các nhân viên thực hiện kỹ thuật này tại đây đều không có bằng cấp về y tế.
Theo đoàn đi kiểm tra cơ sở thẩm mỹ VIN địa chỉ 196A Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội), vốn được quảng cáo là nâng mũi, cắt mí, độn mỡ, do bác sĩ các bệnh viện có uy tín thực hiện. Cơ sở này không có tên trong danh sách được Sở Y tế Hà Nội cấp phép hoạt động thẩm mỹ. Còn tại cơ sở làm đẹp ở 270 Xã Đàn, quận Đống Đa, vào thời điểm kiểm tra, phòng phun xăm lại đang diễn ra hoạt động niềng răng. Bên trong phòng chăm sóc da là bàn phẫu thuật cùng nhiều trang thiết bị y tế. Kiểm tra sổ sách, thanh tra phát hiện, cơ sở đã thực hiện nhiều kỹ thuật như hút mỡ, phẫu thuật mũi, môi cằm với giá hàng chục triệu đồng/ca. Theo nhân viên cửa hàng, tất cả những dịch vụ này, đều do bác sĩ được thuê về thực hiện.
Theo số liệu của Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ TP Hà Nội, hiện nay có khoảng 3.000 cơ sở thẩm mỹ chui hoạt động. Dưới những vỏ bọc như spa, các cửa hàng được gọi là chăm sóc da nhưng thực chất bên trong lại là những phòng phẫu thuật thẩm mỹ với những lời quảng cáo hấp dẫn. Đây thật sự là những cái bẫy những người có nhu cầu làm đẹp. Chỉ vì đặt niềm tin nhầm chỗ nên nhiều người đã phải trả giá đắt, trở thành nạn nhân của những cơ sở thẩm mỹ như thế này, thậm chí phải trả giá bằng cả tính mạng.
“Nhờn” xử phạt
GS, bác sĩ Trần Thiết Sơn, Tổng Thư ký Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ TP Hà Nội phân tích: “Có hai lý do khiến các dịch vụ thẩm mỹ chui vẫn tồn tại và phát triển. Thứ nhất, thông tin của mạng xã hội đến với khách hàng gần nhất, nhanh nhất. Đa phần khách hàng đều tiếp cận qua mạng thông tin này mà không được kiểm soát. Cơ sở thẩm mỹ chui quảng cáo vô tội vạ về khả năng thực, điều đó sẽ lôi kéo những khách hàng quan tâm. Thứ hai, chúng ta không hề có hệ thống giám sát các cơ sở này một cách chặt chẽ. Sau đó, lại thiếu hệ thống chế tài nghiêm minh nên việc xử phạt vẫn như chiếu cố, bắt cóc bỏ đĩa. Rất nhiều cơ sở sau khi bị “tuýt còi” lại thay tên, đổi chủ, thay địa điểm và tiếp tục vi phạm”.
Như vậy, không giải quyết vấn đề thông tin mạng xã hội và xử phạt, đồng nghĩa với việc vẫn tiếp tay cho những đối tượng này. Khi các cơ sở chui thấy chính quyền và các cơ quan chức năng đều “bất lực”, sẽ vẫn công khai quảng bá, livestream những dịch vụ chết người với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Bác sĩ Sơn nhấn mạnh: “Tôi tin rằng những việc phẫu thuật đặt ngực, hút mỡ, làm những phẫu thuật rất nguy hiểm, họ cũng vẫn sẽ làm nếu chúng ta không chặn ngay từ đầu”.
Chúng ta cảnh báo nhiều hơn về biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ. Nhu cầu làm đẹp không thể lắng xuống được nên cần đẩy mạnh số lượng và nâng cao chất lượng khối cơ sở y tế công, khối làm thẩm mỹ có giấy phép và công khai những cơ sở không được phép để mọi người phòng tránh-GS, bác sĩ Trần Thiết Sơn khuyến nghị.