Cảnh báo tai nạn thương tích do pháo tự chế

Cứ vào dịp giáp Tết Nguyên đán, số ca nhập viện do pháo nổ càng tăng, trong tình trạng chấn thương nặng. Chuyên gia khuyến cáo, người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, không tự ý chế tạo thuốc nổ. Nhà trường cần phối hợp tuyên truyền, giáo dục để hạn chế các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
0:00 / 0:00
0:00
Thực hiện một ca phẫu thuật chấn thương do pháo.
Thực hiện một ca phẫu thuật chấn thương do pháo.

Nguy hiểm pháo tự chế

Sáng 14/1, theo tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, đơn vị này tiếp nhận và điều trị loạt bốn trường hợp tai nạn do sử dụng pháo tự chế, trong đó có ba ca nặng. Hầu hết các bệnh nhân là học sinh, bị thương tổn nặng ở bàn tay và để lại di chứng suốt cuộc đời.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam ở Quảng Ninh. Bệnh nhân chuyển tuyến đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức trong tình trạng vết thương dập nát phức tạp. Mặt gan bàn tay phải nham nhở, đụng dập, tụ máu nhiều, trật hở khối tụ cốt; gãy trật khớp bàn ngón I... Ngoài ra, bệnh nhân còn có vết thương ở bàn tay trái và thành bụng. Bệnh nhân được bác sĩ trong ca trực kịp thời phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương: tiến hành đánh rửa vết thương nhiều lần, cắt lọc làm sạch, xử lý vết thương phần mềm, khâu phục hồi dây chằng khớp bàn ngón I...

Trường hợp thứ hai là bệnh nhi 14 tuổi ở Bắc Giang. Gia đình kể lại, do tò mò, cháu đã sử dụng pháo và bị tai nạn khi đang cầm trên tay. Bệnh nhân bị dập nát nhiều ngón tay và phải mổ cấp cứu...

Nam bệnh nhân thứ ba ở Nam Định cùng bạn bè sử dụng pháo. Khi đang cầm và đốt trên tay, pháo bất ngờ phát nổ khiến bàn tay của nạn nhân cũng bị dập nát nghiêm trọng, nguy cơ để lại nhiều di chứng sau này. Tại bệnh viện, các bác sĩ tiến hành cắt lọc, bơm rửa kỹ vết thương; đặt lại và găm kim khớp bàn thang; sửa mỏm cụt ngón IV. Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, gia đình rất lo lắng về việc phục hồi và trở lại cuộc sống bình thường trong học tập, sinh hoạt và cả tương lai sau này.

Trước đó, theo tin từ Bệnh viện T.Ư quân đội 108, Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều ca tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng.

Điển hình là trường hợp của một bé trai 12 tuổi ở Quảng Ninh nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay do pháo tự chế phát nổ. Theo thông tin từ người nhà bệnh nhi, khoảng 21 giờ ngày 31/12/2023, trong lúc đang chế pháo thì bất ngờ pháo phát nổ khiến bệnh nhi bị thương nghiêm trọng. Sau khi được sơ cứu, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Trung ương quân đội 108, được phẫu thuật theo nguyên tắc xử trí vết thương hỏa khí.

TS, bác sĩ Nguyễn Viết Ngọc, Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật cho biết, kíp phẫu thuật đã xử trí cắt lọc tổn thương, găm đinh cố định các ngón. Cùng với đó, bệnh nhi được điều trị kháng sinh, khi vết thương liền da ổn định sẽ được khám lại để thực hiện tiếp phẫu thuật chuyển ngón chân cái phục hồi ngón tay cái.

Từ ca bệnh nói trên, TS Nguyễn Viết Ngọc khuyến cáo, tổn thương do pháo nổ thường phức tạp, nhiều trường hợp tổn thương nhiều vị trí như bàn tay, mặt, thân người… nên điều trị khó khăn, tốn nhiều thời gian và thường để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn. Vào dịp giáp Tết Nguyên đán hằng năm, khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị vết thương bàn tay do pháo nổ, đa số ở độ tuổi 10-16, tự chế pháo để chơi Tết. “Trước sự nguy hiểm của pháo tự chế, các gia đình cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân, con em chấp hành nghiêm quy định về quản lý pháo. Tuyệt đối không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ (thuốc pháo) để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra”, TS Nguyễn Viết Ngọc lưu ý.

Công khai thị trường mua bán nguyên liệu

Điều đáng lưu ý, chỉ cần lên các trang mạng xã hội, gõ từ khóa liên quan đến chế tạo pháo nổ, hàng loạt tài khoản như “Pháo nổ”, “Pháo Tết 2024”, “Cách làm pháo hoa”… lập tức xuất hiện với lời giới thiệu hấp dẫn. Tại các tài khoản này, hàng trăm bình luận rao bán pháo tự chế, nguyên liệu chế tạo pháo như than, lưu huỳnh, chất dẫn, dây thép… cùng các công thức làm pháo “đơn giản bất ngờ”. Giá người bán đưa ra là khoảng 80.000 đồng cho số nguyên liệu gồm than, lưu huỳnh, bột Kclo3, giấy bạc… đủ làm được 5 quả pháo nổ cỡ nhỏ. Tương tự, từ 150.000-400.000 đồng cho số nguyên liệu có thể làm pháo cỡ lớn, pháo hoa, hay pháo dàn…

Ngoài ra, các trang bán hàng còn giới thiệu, chào bán các loại giấy cuộn (làm thân pháo), dây cháy chậm, các túi thuốc pháo với tên gọi “bột than mịn bón cây”, “hóa chất vàng”, hay “phân bón”, “bột vàng chanh nhiều ứng dụng”… với số lượt người theo dõi, bình luận, đặt hàng rất sôi nổi.

Tình trạng này cho thấy rất cần có sự can thiệp, xử lý quyết liệt của cơ quan chức năng. Nhà trường cần tuyên truyền, giáo dục trẻ về sự nguy hiểm của cháy nổ, chế tạo vật liệu nổ. Cha mẹ, người lớn trong gia đình cần quan tâm, nhắc nhở trẻ về các nguy cơ nếu tự chế pháo, quy định cấm của pháp luật đối với các hành vi này, để các vụ tai nạn thương tâm do pháo không còn xảy ra.

Theo quy định của pháp luật, với hành vi mua bán, hướng dẫn chế tạo pháo nổ, mức xử phạt sẽ từ 10-20 triệu đồng. Cụ thể, điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo nghiêm cấm các hành vi hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.

Hành vi mua bán nguyên liệu có thể gây cháy nổ như lưu huỳnh, thuốc pháo, diêm… hay hướng dẫn chế tạo pháo nổ có thể bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng theo quy định tại điểm i khoản 4 điều 11 Nghị định 144/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Tùy theo mức độ nguy hiểm, người bán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép theo quy định tại điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Người từ 14 tuổi trở lên tự chế pháo gây tiếng nổ sẽ bị xử lý hành chính về hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm với mức phạt từ 5-10 triệu đồng. Trường hợp người đủ 16 tuổi trở lên chế tạo pháo gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.

Người chế tạo pháo nổ gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bộ luật Dân sự quy định người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Với người dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.