Công khai clip hướng dẫn chế tạo pháo
Tình trạng chế tạo pháo xảy ra ngày càng nhiều, nhất là ở lứa tuổi học sinh. Điều nguy hiểm là cách thức, hướng dẫn chế tạo thì không hề khó tìm kiếm. Chỉ cần gõ từ khóa “cách chế tạo pháo” trên Google hay YouTube,… bên cạnh những clip khoa học giải thích những thắc mắc về pháo hoa thì có hàng trăm kết quả hướng dẫn cách chế tạo pháo, những clip này thu hút đến cả trăm nghìn lượt xem.
Đây là mối nguy hại lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn bởi lẽ, quy trình sản xuất pháo hoa phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định; phải được giám sát chặt chẽ từ Công ty Hóa chất 21 (Bộ Quốc phòng) - nơi duy nhất trong cả nước được sản xuất pháo hoa. Công đoạn nguy hiểm nhất là trộn thuốc pháo nay đã được cơ giới hóa nên cũng bớt nguy hiểm nhưng những clip hướng dẫn kia chủ yếu là các thành phần tự chế, vì vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Việt Đức và BV Saint Paul (Hà Nội), chỉ trong hai tuần đầu tháng 1, hai BV đã tiếp nhận gần 10 trường hợp tai nạn do tự chế pháo nổ và sử dụng pháo. Các bệnh nhân hầu hết đều trong độ tuổi thiếu niên. Một số trường hợp bị bỏng nhẹ và thương nhẹ, được điều trị trong ngày. Còn hai trường hợp chấn thương nặng do pháo tự chế phát nổ được điều trị tại BV Việt Đức. Trong hai bệnh nhân này có một người đàn ông 41 tuổi, ở Hải Phòng, khi đang chế tạo pháo thì bất ngờ thuốc pháo phát nổ khiến hàm mặt xây xát, giập nát một số ngón tay phải... Trường hợp còn lại là nam sinh 15 tuổi ở Hà Nội, trong quá trình cùng bạn tự chế pháo đã xảy ra phát nổ. Người bạn không sao, còn em này bị chấn thương gãy nhiều xương bàn tay trái, chấn thương mắt…
Các bác sĩ cảnh báo, tai nạn do pháo nổ đặc biệt rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây ra các vết thương ở tất cả vị trí trên cơ thể, pháo còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn. Ngoài ra, pháo có những hóa chất như phốt-pho, lưu huỳnh…, khi hít phải sẽ ảnh hưởng đến phổi. Còn người đốt tiếp xúc gần sẽ dễ bị các tổn thương nặng ở đầu, mặt, cổ, mắt, tay.
Vì vậy, bên cạnh việc ngăn chặn sản xuất, tàng trữ, buôn lậu pháo, những nội dung như thế này cũng cần phải được loại trừ và kiểm duyệt kỹ càng hơn. Cơ quan chức năng khuyến cáo, các bậc phụ huynh, nhà trường cần tăng cường việc quản lý, đồng thời phối hợp tuyên truyền, giáo dục, có các biện pháp để phòng ngừa hậu quả đáng tiếc xảy ra cho các em và cho cả xã hội.
Lầm tưởng nguy hiểm
NĐ 137 về quản lý, sử dụng pháo đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2021. Tại Điều 3, Khoản 1b, NĐ 137 đã nêu rõ loại pháo hoa mà người dân được phép sử dụng là: “Sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ”. Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Trên thực tế, loại pháo hoa này người dân đã sử dụng trong dịp cưới hỏi, sinh nhật trước khi NĐ 137 ra đời.
Thế nhưng, một số bộ phận người dân vẫn đang lầm tưởng NĐ 137 ra đời là có thể đốt tất cả các loại pháo. Khảo sát nhanh trên phố đi bộ hồ Gươm (Hà Nội) về việc người dân có được đốt pháo hay không, thì hầu hết câu trả lời chúng tôi nhận được là: “Luật mới ban hành có cho đốt rồi mà” hay “Pháo nào mà chả đốt được, NĐ mới đã cho rồi đấy!”. Đây là một lầm tưởng rất nguy hiểm bởi NĐ 137 chỉ cho phép người dân đốt pháo hoa chứ không phải pháo nổ hay pháo hoa nổ.
NĐ 137 nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ (quy định tại Khoản 1, Điều 5). Theo đó pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng mầu sắc trong không gian; Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng mầu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Do vậy, người dân cần có sự phân biệt rõ giữa pháo hoa với pháo hoa nổ, tránh vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, NĐ 137 cũng quy định chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa.