Cảnh báo chiêu trò “vé máy bay giá rẻ”

Càng gần các dịp nghỉ lễ, nhu cầu tìm mua vé máy bay giá rẻ càng tăng, từ đây gián tiếp biến nhiều người trở thành “con mồi” béo bở cho các đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng cần thận trọng khi đặt vé máy bay. Ảnh: SONG ANH
Khách hàng cần thận trọng khi đặt vé máy bay. Ảnh: SONG ANH

1/Với mỗi lần phải di chuyển bằng đường hàng không, người dân luôn muốn “săn” được những tấm vé máy bay giá rẻ để tiết kiệm nhất cho chuyến đi. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều kẻ gian đã lừa gạt người tiêu dùng. Mới đây nhất, Công an thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đã triệt phá đường dây buôn bán vé máy bay giá rẻ gồm 6 đối tượng, đã lừa khoảng 200 nạn nhân và chiếm đoạt số tiền lên tới hơn

1 tỷ đồng. Đối tượng cầm đầu đã rao bán vé rẻ hơn vé của hãng đến 20% - mức giá vô cùng hấp dẫn vào những dịp nghỉ lễ khi mà giá vé vốn đã cao lại tăng cao hơn.

Thủ đoạn lừa đảo phổ biến nhất, các đối tượng tự xưng là đại lý cung cấp vé bay chính hãng, tự thiết lập các website có đường dẫn giống đến 90% website của các hãng bay rồi lợi dụng các ưu đãi của hình thức bán vé online như không mất tiền mặt bằng, phí nhân viên, giao dịch nhanh gọn để chào mời người có nhu cầu. Ngoài ra, các đối tượng còn trà trộn vào các nhóm trên mạng xã hội, thành lập các trang như Săn vé máy bay giá rẻ, Đại lý vé máy bay toàn quốc hay Vé máy bay nội địa chính hãng giá rẻ... để tìm kiếm nguồn khách hàng. Khi có người liên hệ, các đối tượng sẽ lên trang chủ của hãng tìm chuyến bay, giờ bay, tư vấn và đặt chỗ lấy mã gửi lại khách hàng. Sau khi khách hàng chuyển khoản đặt cọc hoặc thanh toán toàn bộ vé máy bay, các đối tượng này sẽ chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền đó. Trong trường hợp khách hàng cẩn trọng hơn, các đối tượng này vẫn mạnh dạn xuất vé nhưng sau đó sẽ hoàn lại ngay cho hãng và chỉ mất một phần phí nhỏ để chiếm một số tiền lớn.

Do muốn tiết kiệm một khoản di chuyển từ Huế về TP Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Khánh (42 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh) có tìm hiểu “Đại lý bán vé máy bay nội địa giá rẻ” được chạy quảng cáo trên mạng xã hội và đặt mua vé. Sau khi được gửi thông tin chuyến bay, mã số vé bay và kiểm tra trên hãng, anh đã chuyển khoản số tiền 1.422.000 đồng cho bên bán vé và sau đó thì bị chặn và không có cách nào liên lạc được, bên bán vé “bốc hơi” theo số tiền anh đã chuyển.

2/Không chỉ dừng lại ở lừa vé qua mạng, nhiều đối tượng còn tự nhận là nhân viên của hãng nên có chiết khấu cao, giả mạo đại lý ủy quyền để đưa ra các mức giá hấp dẫn khiến nhiều người mắc bẫy. Theo chị Phạm Thu Phương (28 tuổi, chuyên cung cấp dịch vụ tour du lịch trong và ngoài nước): “Những mức giá vé máy bay mà các đối tượng đưa ra quá hấp dẫn. Thí dụ như dịp 30/4 - 1/5 tới đây, vé đi Phú Quốc từ 2.500.000 đồng đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba đến mức 7.000.000 đồng hay 13.000.000 đồng cho vé khứ hồi nên người mua cần có sự hiểu biết và cập nhật thông tin, rẻ quá cũng cần phải đề phòng”.

Để tránh “tiền mất, tật mang”, khách hàng hãy trực tiếp đặt vé qua website chính thống của hãng hàng không hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài nếu không thành thạo việc đặt vé qua mạng. Tránh giao dịch trên không gian mạng qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý không rõ về chất lượng, độ uy tín. Ngoài ra cần theo dõi các tin tức để nhận biết được các dấu hiệu lừa đảo ngày càng tinh vi, tự mình nâng cao cảnh giác.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội), khách hàng nếu có nhu cầu hãy liên hệ trực tiếp các hãng hàng không vì họ đều có tổng đài tư vấn thay vì giao dịch trên không gian mạng. Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm với giá trị tài sản từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản.