Chung Hoàng (Hai Bà Trưng, Hà Nội):
Mặc dù đã được cảnh báo và không phải không biết tới các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội, nhưng tôi vẫn trở thành nạn nhân mới nhất của các chiêu trò này. Facebook của một người thân tôi bị hack và thủ phạm giả danh người đó nhắn tin đề nghị tôi chuyển khoản hộ 40 triệu đồng. Để tăng thêm độ tin cậy, tài khoản Facebook đó còn gọi video cho tôi, phía màn hình bên kia hiện rõ ràng mặt người thân của tôi. Cuộc gọi chỉ kéo dài 9 giây, rồi lấy lý do mạng kém phía bên kia tắt. Thấy rõ là mặt người quen, cách nói chuyện giống hệt, đến cả cách nhờ chuyển tiền cũng giống như mọi khi người nhà vẫn nhờ, nên tôi đã chuyển khoản ngay. Ngay sau đó, khi cô tôi gọi điện báo, tôi mới biết mình đã bị lừa.
Bạn tôi cũng bị lừa với thủ đoạn tương tự. Hacker đã tinh vi dùng công nghệ deepface để giả mặt của người thân, đủ để tạo một cuộc gọi video vài giây, tăng niềm tin cho đối phương. Những người lơ là như tôi sẽ lập tức mắc bẫy. Càng ngày, cách lừa đảo càng được thực hiện tinh vi hơn. Khi hack facebook ai đó, chúng sẽ nghiên cứu rất kỹ cách thức nói chuyện, danh sách bạn bè, thậm chí bạn tôi còn bị lừa gửi vào tài khoản của một người giống hệt tên mẹ anh ấy.
Để tránh bị lừa bởi những cuộc gọi video giả dạng, ngoài cách yêu cầu gọi trực tiếp, còn có thể yêu cầu kéo dài cuộc gọi. Thực tế công nghệ này chỉ có thể kéo dài độ 7-10 giây, chưa thể tạo ra một cuộc gọi giả dạng hoàn hảo. Sau vài lần thì tôi nhận ra những cuộc gọi video vài giây không rõ tiếng đa phần là từ các hacker lừa đảo. Ngoài ra, tăng cường độ bảo mật cho các trang cá nhân, hạn chế lộ thông tin ra bên ngoài cũng là một cách để giảm bớt tỷ lệ nhận những yêu cầu lừa đảo.