Cần thêm nghĩa cử hiến tạng cứu người

Mới đây, thêm một ca ghép tim xuyên Việt đã thành công. Tim của người cho chết não tại Bệnh viện Việt Đức đã được chuyển ngay trong đêm để ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện T.Ư Huế. Sau 1 giờ 20 phút, trái tim đã đập trở lại trong lồng ngực của bệnh nhân. Cùng với đó, từ nguồn cho tạng, hai bệnh nhân suy thận và suy gan cũng đã được cứu sống. Ở Việt Nam theo thống kê, hiện có khoảng 5.000 người đang chờ ghép tạng.
0:00 / 0:00
0:00
Việc hiến tặng mô, tạng, bộ phận cơ thể người giúp cứu sống thêm nhiều người bệnh.
Việc hiến tặng mô, tạng, bộ phận cơ thể người giúp cứu sống thêm nhiều người bệnh.

1/Thống kê của Trung tâm điều phối hiến ghép tạng quốc gia cho thấy, số ca ghép tạng từ người sống vẫn chiếm hơn 90%. Hơn 15 năm thì cả nước mới chỉ có hơn 46 ca chết não hiến tạng và đã ghép tim, gan, thận phổi và chi được cho 458 người. Theo thống kê khoảng 5.000 người đang chờ ghép, trong đó, chủ yếu là nguồn ghép thận, khoảng 400 ca chờ ghép gan. Sau hơn 15 năm thực hiện Luật Hiến ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người, nhiều quy định của luật đã bộc lộ những bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn.

Không chỉ riêng Việt Nam, nhu cầu ghép tạng trên thế giới rất lớn và nguồn tạng hiến ít hơn rất nhiều. Sự chênh lệch về số người hiến và số người chờ ghép là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng mua bán nội tạng. Pháp luật không cho phép mua, bán mô, bộ phận cơ thể người mà chỉ được hiến, tặng vì mục đích nhân đạo. Vậy nhưng núp bóng hiến, tặng, không ít đường dây môi giới đã len lỏi hoạt động, chủ yếu là mua bán gan, thận.

Thí dụ từ cơ quan chức năng, chị H. (quê Hưng Yên) có con gái bị tan máu bẩm sinh cần tiền để phẫu thuật. Sau một thời gian chữa trị phải vay mượn khắp nơi, thậm chí phải vay lãi nặng, chị đã quyết định bán một quả thận để có tiền. Từ một hội nhóm trên mạng xã hội, chị đã đăng bài lên mạng xã hội: Cần tiền, muốn bán thận. “Khi tôi đăng bài, rất nhiều đối tượng đã kết nối, nói chuyện và kể lể muốn hiến ghép cho em họ. Tôi cũng tin là người cần thật”. Tháng 7 năm ngoái, chị H. bước lên bàn mổ. Người nhận thận ở Thái Nguyên. Tất cả giấy tờ là cho nhận nhân đạo. Đối tượng cũng hứa trả chị 350 triệu đồng với cam kết, lên bàn mổ, tài khoản sẽ nhận tiền thế nhưng sau đó chị chỉ nhận được 170 triệu đồng. Còn 180 triệu đồng còn lại, đối tượng môi giới không trả, thậm chí khi chị và gia đình đòi tiền còn bị đe dọa.

Theo lực lượng chức năng, các đối tượng môi giới thường hưởng chênh lệch từ 50 đến 300 triệu đồng/ca. Khi điều tra, lực lượng chức năng phát hiện rất nhiều giấy tờ với xác nhận của địa phương, sự đồng ý của gia đình nhưng đều được các đối tượng môi giới làm giả. Chính vì thế, khi gặp rủi ro, người bán thận không dám đứng ra tố cáo vì bản thân mình cũng vi phạm pháp luật.

Có trường hợp, sau khi ghép xong, hằng tháng đối tượng liên hệ với người nhận tạng, lúc thì yêu cầu hỗ trợ khoản tiền thuốc thang hỗ trợ ốm đau, bệnh tật khi thì chi phí cho con đi học. Như vậy, hằng tháng, họ phải trả một khoản tiền vô hình và khi không chịu đựng nổi đã trình báo với cơ quan công an…

2/Quy trình hiến tạng từ người cho sống này đã được quy định rõ trong Luật Hiến ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người. Theo đó, một người có đầy đủ các chỉ số y sinh học có thể hiến cho một người khác phù hợp. Luật cũng khuyến khích các trường hợp hiến tạng cùng huyết thống, còn đối với những trường hợp không cùng huyết thống phải kiểm soát rất chặt chẽ để bảo đảm không có tình trạng mua bán xảy ra. “Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay các bác sĩ trong ngành y tế gặp sức ép rất lớn là làm sao phát hiện được những trường hợp không phù hợp trong hồ sơ bệnh án”, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối hiến ghép tạng quốc gia cho biết.

Trên thế giới, hơn 95% nguồn tạng được cho từ người chết não, còn ở Việt Nam tỷ lệ này rất thấp, chưa đến 5%. Đến thời điểm hiện tại, cả nước ta mới có khoảng 75 nghìn người đã đăng ký hiến tạng sau khi chết và chết não. Con số đó cũng không phải là nhiều với dân số gần 100 triệu của Việt Nam. Trong khi, một người chết não có thể trao đổi, hiến rất nhiều tạng cho nhiều người. Hiện nay, số người không may bị chết não rất lớn. Mỗi năm, theo thống kê tổng kết về tai nạn giao thông, khoảng từ 10 nghìn người. Nếu khoảng 10% trong số đó, trao lại sự sống thì có thể cứu được rất nhiều người.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết, có nhiều quy định cần sửa đổi để tăng nguồn hiến tạng, ghép não lên. Đơn cử, tất cả những trường hợp không may chết não, độ tuổi đăng ký hiến tặng có thể giảm xuống. Hay nói cách khác, cho dù một người không may chết não mà trước đó họ không đăng ký hiến tạng nhưng gia đình đồng ý thì vẫn có thể chấp nhận được. Còn đối với người hiến sống, cần thiết phải giới hạn độ tuổi, nâng trần độ tuổi cao hơn 30-35 tuổi, tức độ tuổi đã chín về nhận thức để phòng chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người. Bên cạnh đó, chúng ta có thể tích hợp đơn đăng ký hiến tạng vào căn cước công dân. Điều này, giúp nhiều người thực hiện được ý tưởng cao đẹp, làm việc thiện cứu người.