Sai phạm liên tục
Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV- CTCP khai thác mỏ than Núi Hồng ở xã Yên Lãng, huyện Đại Từ trên diện tích 200 ha, công suất khai thác 370 nghìn tấn than/năm. Tuy nhiên, tỉnh Thái Nguyên vừa phát hiện, từ 2017-2019, đơn vị này khai thác vượt công suất được cấp phép gần 275 nghìn tấn than. Đơn vị đã bị UBND tỉnh Thái Nguyên phạt 1,2 tỷ đồng, là mức phạt hành chính cao nhất từ trước đến nay đối với lĩnh vực khoáng sản.
Nghiêm trọng hơn, Công ty cổ phần Yên Phước (Công ty Yên Phước) khai thác mỏ than Minh Tiến rộng hơn 74 ha, trữ lượng được xác định là hơn 136 nghìn tấn than, công suất được cấp phép là 8.500 tấn than/năm trên địa bàn hai xã Minh Tiến và Na Mao cũng thuộc huyện Đại Từ. Tháng 8/2021, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an và Tổng cục Quản lý thị trường xác định, Công ty Yên Phước ký hợp đồng khai thác, tiêu thụ than với Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương (địa chỉ tại khu 2 Bích Nhôi, phường Minh Tân, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), đã khai thác, chế biến, kinh doanh than với quy mô gấp hàng chục lần so công suất được cấp phép trong thời gian dài. Hàng loạt đối tượng là lãnh đạo, quản lý của hai công ty bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, có lệnh bắt tạm giam, khám xét về hành vi “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.
Công ty cổ phần Phú Cường được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp tại sáu điểm mỏ trên diện tích 15 ha ở các xóm: Làng Cà, Làng Ngò, Vực Giảng của xã Tân Hòa, huyện Phú Bình với trữ lượng gần 600 nghìn m3 đất, công suất được cấp phép khai thác là 46 nghìn m3/năm, thời gian khai thác từ tháng 7/2019. Đến nay, Công ty Phú Cường mới chỉ hoàn thiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, được UBND tỉnh cho thuê đất trên diện tích gần 2.700 m2 tại điểm mỏ số 5, thuộc khu vực xóm Làng Ngò. Nhưng thời gian qua, công ty này tổ chức khai thác rầm rộ tại hầu hết các điểm mỏ, dù chưa đủ điều kiện khai thác.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thế Giang cho biết: Theo quy định, doanh nghiệp chỉ được khai thác đúng công suất được cấp phép. Đối với sai phạm tại hai mỏ than Minh Tiến và Núi Hồng, cơ quan chức năng đã xử lý theo quy định của pháp luật. Để xảy ra sai phạm tại mỏ đất tại xã Tân Hòa, trách nhiệm trước hết thuộc UBND xã và UBND huyện. Tới đây, chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát toàn bộ việc chấp hành pháp luật của Công ty cổ phần Phú Cường, trên cơ sở đó sẽ xử lý nghiêm khắc theo quy định.
Kiểm tra còn hạn chế
Gần như năm nào các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cũng kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản trên địa bàn, nhưng hiệu lực, hiệu quả còn hạn chế. Điển hình là kiểm tra việc khai thác, chế biến, kinh doanh than tại mỏ Minh Tiến của Công ty Yên Phước, các cơ quan chức năng chỉ phát hiện sai phạm về thiết kế khai thác, đổ thải, chỉ giới, bảo vệ môi trường. Còn sai phạm lớn nhất là khai thác vượt sản lượng lên đến hàng chục lần thì lại không phát hiện. Với sản lượng được phép khai thác mỗi năm là 8.500 tấn, mỗi ngày vận chuyển 10 chuyến ô-tô, mỗi ô-tô chở 20 tấn than, trong vòng 40 ngày là chở hết sản lượng than được cấp phép một năm. Trên thực tế, mỗi ngày Công ty Yên Phước sử dụng từ 20-30 lượt ô-tô, trọng tải chở 30-40 tấn than/ô-tô từ mỏ Yên Phước đến cảng đường thủy Đa Phúc, tập kết tại các bãi than ở huyện Đại Từ, TP Thái Nguyên trong thời gian dài. Nhưng cơ quan chức năng, quản lý ở địa phương không phát hiện.
Từ cuối năm 2020 đến nay, UBND xã Tân Hòa (huyện Phú Bình) đã nhiều lần kiểm tra, phát hiện khai thác đất san lấp tại nhiều điểm mỏ trên địa bàn khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được thuê đất và yêu cầu dừng khai thác. Tuy nhiên, Công ty Phú Cường không chấp hành, nên tháng 8/2021, UBND xã Tân Hòa đã gửi văn bản báo cáo UBND huyện Phú Bình chỉ đạo ngăn chặn, nhưng huyện làm ngơ.
Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố hàng loạt bị can “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” tại mỏ than Minh Tiến ở huyện Đại Từ, từ tháng 10/2021, tỉnh thành lập đoàn liên ngành kiểm tra toàn diện hoạt động khoáng sản đối với tất cả các mỏ trên địa bàn.
Thái Nguyên có hàng trăm mỏ đang khai thác than, quặng sắt, đá xây dựng, cát sỏi, vật liệu san lấp và các cơ sở chế biến khoáng sản. Hy vọng trong và sau đợt kiểm tra có quy mô lớn này, các hành vi về khai thác vượt khối lượng, khai thác không đúng thiết kế mỏ, gây ô nhiễm môi trường, vận chuyển làm hư hỏng hạ tầng giao thông sẽ được chấn chỉnh, xử lý nghiêm.