Cần giải pháp căn cơ bảo đảm nguồn thuốc hiếm

Trước tình trạng ba bệnh nhân ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) chưa có thuốc giải độc BAT, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang khẩn trương liên hệ tìm nguồn thuốc hiếm để hỗ trợ Việt Nam điều trị cho các bệnh nhân.
0:00 / 0:00
0:00
Đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm để điều trị kịp thời cho người bệnh. Ảnh: BẠCH MAI
Đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm để điều trị kịp thời cho người bệnh. Ảnh: BẠCH MAI

Đấu thầu tập trung thuốc hiếm để giảm giá thuốc

Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, cho biết nhiều loại thuốc hiếm như huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải ngộ độc clostridium botulinum, giải độc cho bệnh nhân ngộ độc asen, thủy ngân... đều rất hạn chế. Trong khi đó, hiện nay không có thuốc nào có thể thay thế được thuốc giải độc botulinum BAT đặc hiệu. Nếu có thuốc giải độc BAT thì chỉ trong vòng 48-72 giờ đồng hồ là bệnh nhân thoát khỏi tình trạng bị liệt, không phải thở máy. Còn nếu đã thở máy 1-2 ngày thì chỉ cần 5-7 ngày là bệnh nhân có thể bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu sớm hồi phục, trở lại cuộc sống thường ngày.

Đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, ngay khi nhận được thông tin Bệnh viện Chợ Rẫy hết thuốc giải độc botulinum, Cục đã hướng dẫn các thủ tục để nhanh chóng nhập thuốc cứu bệnh nhân. Do đây là loại thuốc rất hiếm, mỗi năm cả nước chỉ có vài ca bệnh nên các bệnh viện không dự trù đủ.

Thực tế, hiện một số bệnh viện lớn vẫn mua thuốc hiếm dự phòng nhưng danh mục không thể đầy đủ theo nhu cầu, bởi như ngộ độc botulinum, một lọ thuốc giải độc BAT đặc hiệu có giá thành lên đến 8.000 USD, nếu bệnh viện mua dự trữ nhưng thời gian dài không sử dụng thì lãng phí vì thuốc hết hạn. Do vậy, đây vẫn chưa phải là cách làm lâu dài. Các bệnh viện đã kiến nghị phải có trung tâm lưu trữ thuốc hiếm cấp quốc gia để điều phối thuốc cho tất cả địa phương khi cần.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm để điều trị kịp thời cho người bệnh. Mặc dù số lượng bệnh nhân điều trị rất ít, tuy nhiên, nếu không có thuốc giải độc thì nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng là rất lớn.

Mới đây, ngày 23/5, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thông tin về việc thuốc điều trị ngộ độc độc tố botulinum. Theo đó, với các trường hợp ngộ độc botulinum đang điều trị tại TP Hồ Chí Minh sau khi ăn phải chả lụa bán dạo, ngay khi nhận được báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ngày 21/5, Cục Quản lý dược đã liên hệ với WHO để hỗ trợ giải quyết. Hiện, WHO đang khẩn trương liên hệ để tìm nguồn thuốc hỗ trợ. Ngoài ra, Cục Quản lý dược cũng chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ với các công ty nhập khẩu, cung ứng để có thêm nguồn cung thuốc.

Theo Cục Quản lý dược, ngộ độc botulinum là ngộ độc do nhiễm độc tố vi khuẩn clostridium botulinum. Ngộ độc này rất hiếm xảy ra ở Việt Nam và trên thế giới. Từ năm 2020 đến nay, nước ta xuất hiện rải rác một vài ca bệnh/năm, gần đây có ba ca tại TP Hồ Chí Minh. Nguyên nhân chính là do người bệnh nhiễm độc tố vi khuẩn trong thực phẩm kém chất lượng, ăn phải các loại thức ăn bảo quản không tốt.

Do bệnh này rất hiếm xảy ra nên nguồn cung đối với thuốc chữa bệnh này (thuốc BAT) trên thế giới cũng rất hiếm. Vì vậy, đây là thuốc không dễ chủ động về nguồn cung. Bên cạnh đó, giá thuốc này cũng rất cao. BAT hiện chưa nằm trong danh mục các thuốc được bảo hiểm chi trả. Bên cạnh việc cấp phép và nhập khẩu thuốc thương mại thông thường, năm 2020, để cấp bách cứu chữa các ca nhiễm độc tố botulinum do sử dụng pa-tê chay có chứa độc tố, Cục Quản lý dược đã đề nghị WHO hỗ trợ tìm kiếm nguồn cung thuốc BAT và WHO đã có những hỗ trợ rất kịp thời 10 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (A,B,C,D,E,F,G) - (Equine). Lô thuốc này đã góp phần kịp thời cứu chữa các bệnh nhân.

Về giải pháp căn cơ, để chủ động hơn với các thuốc chống ngộ độc nói riêng, các thuốc hạn chế về nguồn cung nói chung, Bộ Y tế đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý, chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Một giải pháp quan trọng là thành lập các trung tâm tồn trữ thuốc hiếm nguồn cung tại các vùng kinh tế-xã hội, đặc biệt là cơ chế để có thể thanh toán các thuốc hiếm về nguồn cung đã tồn trữ nhưng hết hạn do không phải dùng đến vì không có bệnh nhân.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có thông báo kết luận tại cuộc họp về việc đấu thầu mua sắm thuốc tại Bộ Y tế và các địa phương. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi Thông tư số 15/2020 về danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc đàm phán giá để ban hành trong tháng 5. Trong đó các loại thuốc phổ biến, có nhu cầu sử dụng lớn, thuốc hiếm phải đấu thầu tập trung cấp quốc gia để giảm giá thuốc; các loại biệt dược, thuốc chuyên khoa giao cho các địa phương, bệnh viện thực hiện.

Cần giải pháp căn cơ bảo đảm nguồn thuốc hiếm ảnh 1

Việc điều trị các ca ngộ độc gặp khó khăn do thiếu thuốc đặc trị.

Cảnh giác với ngộ độc botulinum

Ngày 22/3, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố của clostridium botulinum (c.botulinum) gây ra. Mới đây, tại tỉnh Quảng Nam vừa xuất hiện ba chùm ca bệnh, trong đó, có tổng số 10 người bị ngộ độc botulinum sau khi ăn cá chép muối ủ chua, một người đã tử vong. Ở vụ ngộ độc này, độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn c.botulinum trong món cá chép muối ủ chua.

Theo Cục An toàn thực phẩm, vi khuẩn c.botulinum phổ biến trong môi trường nên có thể lây nhiễm qua các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Đặc biệt là các loại thực phẩm đóng hộp như: Sữa bột, pho mát, xúc xích, lạp xưởng, thực phẩm lên men yếm khí. Các thực phẩm đóng hộp công nghiệp thường sử dụng nitric để ức chế độc tố botulinum. Các thực phẩm đóng hộp được chế biến thô sơ rất dễ nhiễm khuẩn c.botulinum. “Vi khuẩn c.botulinum tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau, gặp môi trường bất lợi nó tạo lớp vỏ bọc (nha bào), khi gặp môi trường thuận lợi, có dinh dưỡng, thiếu không khí, các nha bào này phá vỡ vỏ bọc, sinh sôi, phát triển và sinh độc tố. Do vậy, đối với những thực phẩm đã nhiễm vi sinh vật, nha bào, độc tố, tốt nhất là không nên tiếp tục sử dụng”, Cục An toàn thực phẩm thông tin.

Cục An toàn thực phẩm cũng đưa ra lưu ý, thực phẩm đóng hộp dễ có nguy cơ bị ngộ độc botulinum nhất. Ngoài ra, tất cả các loại thực phẩm khác như: Rau, củ, quả, hải sản... vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn C.botulinum nếu không bảo đảm an toàn thực phẩm và được ủ, bọc kín. Các loại thực phẩm phổ biến dễ gây ngộ độc botulinum là các thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không bảo đảm. Đặc biệt, nguy cơ ngộ độc botulinum cũng dễ xuất hiện khi xu hướng sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm gia tăng, không đun chín kỹ thực phẩm trước khi ăn.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết thêm, trào lưu sử dụng túi hút chân không do các hộ gia đình tự làm không bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây ngộ độc, đặc biệt ngộ độc vi khuẩn yếm khí nguy hiểm. Do đó, Cục An toàn thực phẩm lưu ý, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thủ công không tự đóng gói, đóng kín thực phẩm (dạng hút chân không) để bảo quản trong thời gian dài.

Để phòng, chống ngộ độc do botulinum, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định. Riêng trong sản xuất đồ hộp phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, mầu sắc thay đổi khác thường.

Bên cạnh đó, thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần bảo đảm phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn. “Người dân khi thấy xuất hiện các triệu chứng ngộ độc botulinum cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, Cục An toàn thực phẩm cho biết.