Cần biện pháp xử lý nạn kích điện bắt giun đất

Nạn kích điện bắt giun diễn ra trong hơn một năm nay tại các tỉnh Tây Bắc và Thanh Hóa, đang gây phẫn nộ cho nhiều chủ nhà vườn và người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Tang vật kích điện bắt giun đất bị thu giữ tại huyện Thường Xuân (Thanh Hóa).
Tang vật kích điện bắt giun đất bị thu giữ tại huyện Thường Xuân (Thanh Hóa).

Cây chết rễ vì bị kích điện

Nhiều năm trước, tình trạng kích điện bắt cá tại các dòng sông, suối, ao, hồ khiến cho nhiều loài thủy sinh bị tiêu diệt khi còn trong trứng. Tình trạng đó đến nay vẫn còn nhưng không nhiều, do các loài cá sống trong tự nhiên đã cạn kiệt. Vậy nhưng, một cơn lũ tràn qua, hoặc một con đập bị ngăn nước, kích điện bắt cá bỗng đâu lại xuất hiện ồ ạt. Thí dụ như khi hồ Trị An (Đồng Nai) ngăn xả nước. Những người kích điện này không đến chỗ sâu, chỗ đông người mà len lén chỗ nước cạn, bờ vắng, vũng trũng kích điện.

Chị Nguyễn Thị Hường có vườn đào nhỏ tại thôn Phiêng Cành, xã Tân Lập (Mộc Châu, Sơn La), cho biết: “Đang trong những ngày mùa mưa mà cây đào úa đỏ, chúng tôi đào gốc cây lên xem, không phát hiện sâu bệnh gì mà chỉ thấy đất không có con giun nào”.

Kích điện bắt giun đất bằng cách cắm thanh sắt sâu khoảng 25-30 cm, dùng bình ắc-quy, rồi bật công tắc bộ kích từ dòng điện một chiều sang dòng điện xoay chiều khiến cho giun đất bị tê giật và ngoi lên mặt đất. Các kích điện này không khác gì cách kích điện bắt cá trên nhiều sông, hồ trước đây mà nhiều người lên án.

Hành vi này gây ra hậu quả môi trường nghiêm trọng, đất bạc màu, tác động trực tiếp đến chu kỳ sinh trưởng của cây trồng. Bưởi, đào bị kích điện rụng quả, đỏ lá. Theo đó, nhiều nhà vườn trồng bưởi, đào, cây ăn quả ở Sơn La đã phải mua thép gai rào dậu, thuê người bảo vệ mà vẫn lo lắng, bất an.

Tại Thanh Hóa, hiện tượng kích điện bắt giun đất rộ lên từ đầu năm 2023. Các địa bàn có nhiều lò sấy giun đất là các huyện: Bá Thước, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Thường Xuân... Chủ các lò sấy này là người Tuyên Quang, Vĩnh Phúc vào thuê đất dựng lò, thu mua giun tươi sấy khô bán cho thương lái đưa sang Trung Quốc.

Được biết, giun đất tươi tùy từng loại mà các lò sấy thu mua cao hoặc hạ, giá 30-45 nghìn đồng, theo cách đánh giá của họ, giun to thì 10 kg tươi sấy được 1 kg khô, giun nhỏ thì tùy, dao động từ 11-13 kg tươi được 1 kg khô. Bà Lê Thị Thùy, chủ lò sấy giun tại Bá Thước, cho biết: “Giá giun đất sấy khô từ 660 nghìn đến 850 nghìn đồng/kg, bình quân làm mỗi kg, trừ củi đốt, lãi khoảng nửa tiền”.

Khó lòng xử lý

Lại thêm cả nghề bán kích điện, tưởng cáo chung thì từ đầu năm đến nay bỗng trở lại xôm tụ thị trường từ mặt đất đến online nhằm cung cấp cho những người bắt giun đất. Nói về chuyện bắt giun đất ở quê mình khó bề ngăn cản, anh Trương Văn Tùng, quê xã Thành Kim (Thạch Thành), cho biết: “Tôi về quê mà ngạc nhiên, người có kích điện thì họ cắm vào đất, người không có kích thì hòa nước xà-phòng đổ lên mặt đất… rồi nhặt giun. Nhìn những bãi bồi bên dòng sông Bưởi tan nát mà giận, mà thương”. Ông Vi Văn Cành, trú xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) cho biết: “Nhiều người không có kích điện, chủ lò sấy còn mua hộ, đánh giun trả dần”.

Huyện Bá Thước có nhiều lò sấy giun so các địa bàn khác. Đã có khá nhiều người bỏ đồng áng, theo làm nghề kích giun. Tại xã Điền Thượng của huyện có khoảng 30 người đi kích giun, mỗi ngày bình quân được khoảng 15 kg, kiếm được khoảng 500-550 nghìn đồng. Anh Quách Văn Tuân, ngụ thôn Bít Bả (Điền Thượng, Bá Thước) cho biết: “Trước thì thoải mái đi đứng, không phải lo giấu giếm đồ nghề. Nay thì khó khăn rồi, phải giấu kín khi đi, khi về. Bắt được con giun đất giờ cũng phải đi xa lắm”.

Tại huyện Thường Xuân, hiện tượng kích điện bắt giun đất đang có xu hướng lan rộng từ thị trấn cho đến các xã vùng sâu, vùng xa trong huyện. Kích điện bắt giun đất có bị vi phạm pháp luật không? Trung tá Vi Ngọc Tú, Phó Trưởng công an thị trấn Thường Xuân, cho biết: “Hành vi bắt giun đất bằng kích điện đã vi phạm khoản 2, Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014”. Nhưng khó xử lý.

Xin trích dẫn khoản 2, Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014: “Khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật”. Như vậy, căn cứ trên những câu chữ không rõ ràng này, khó có một chế tài để xử lý nạn kích điện giun đất. Cùng lắm cũng chỉ tịch thu, lập biên bản không tái phạm. Và theo đó, nạn kích điện bắt giun đất có nguy cơ lan rộng ra cả nước.

“Giun đất không những làm tơi xốp đất, cung cấp dinh dưỡng cho rễ cây, còn là thức ăn của một số loài chim, rùa, gà rừng, ếch. Khi trời mưa lớn, giun đất bị cuốn trôi xuống các sông hồ là thức ăn cho các loài thủy sinh trong nước”, TS sinh học Vũ Thị Đào (Trung tâm Nông nghiệp Vườn lan Anh Đào).