Các xu hướng công nghệ lớn năm 2023

Trí tuệ nhân tạo (AI), vũ trụ ảo (metaverse), công nghệ chuỗi khối (blockchain)… được các chuyên trang công nghệ dự đoán sẽ tiếp tục là các xu hướng công nghệ nổi bật trong năm 2023. Khả năng thích ứng với những xu hướng công nghệ này sẽ quyết định tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Công nghệ metaverse được dự báo sẽ phát triển hơn trong năm 2023. Ảnh: ESCAPE ARTIST
Công nghệ metaverse được dự báo sẽ phát triển hơn trong năm 2023. Ảnh: ESCAPE ARTIST

Sự phát triển của AI

AI được giới truyền thông đề cập nhiều trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nếu không phải là một người yêu thích công nghệ, người dùng phổ thông có thể không đánh giá cao mức độ phổ biến của AI. Trên thực tế, AI hiện hữu rất nhiều trong cuộc sống của người dùng internet ngày nay. Mỗi khi người dùng mua sắm trực tuyến, tìm kiếm tour du lịch…, các thuật toán thông minh của AI sẽ thực hiện vô số nhiệm vụ và đề xuất các gợi ý thích hợp nhất tới người dùng.

Trong năm tiếp theo, mức độ quan tâm của thế giới đối với trí tuệ nhân tạo sẽ không những giảm, mà còn tăng lên. Tạp chí Forbes dẫn đánh giá của Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn công nghệ Google Sundar Pichai: Ở khía cạnh nào đó, tác động của AI đối với nền văn minh nhân loại thậm chí còn quan trọng hơn lửa hoặc điện. Cơ sở hạ tầng công nghệ sẽ phát triển đến mức mà ngân sách không còn là rào cản lớn đối với việc tiếp cận các giải pháp AI.

Tác giả Bernard Marr của Forbes cho rằng, một trong những trọng tâm mạnh mẽ của AI vào năm 2023 là sự tác động tới thị trường lao động. Mặc dù AI chắc chắn sẽ khiến một số công việc biến mất, nhưng lại cũng tạo ra nhiều việc làm mới thay thế. Các nhà tuyển dụng có trách nhiệm sẽ cân nhắc nhiều hơn về sự tác động của AI đối với tương lai việc làm và tạo điều kiện để lực lượng lao động sử dụng tối đa các công cụ sẵn có để bắt kịp tốc độ phát triển của AI.

Metaverse trở nên phổ biến hơn

Metaverse được nhiều người yêu công nghệ coi là bản nâng cấp những kết nối trên internet hiện nay và là tương lai của thế giới trực tuyến. Công ty sở hữu mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã đổi tên thành Meta. Theo Financial Times, việc đổi tên này là một phần nằm trong chiến lược mở rộng phạm vi hoạt động của “gã khổng lồ” công nghệ ra ngoài lĩnh vực truyền thông xã hội.

Meta công bố kế hoạch xây dựng một “vũ trụ ảo” với tầm nhìn như một thế giới trực tuyến, nơi mọi người có thể chơi game, làm việc, giao tiếp trong môi trường ảo một cách sống động, thông qua việc sử dụng các công nghệ thực tế ảo (VR) hoặc thực tế tăng cường (AR). Forbes mô tả metaverse là một thế giới trực tuyến, mà trong đó người dùng có một nhân vật đại diện (avatar) có thể đi lại và tương tác với những người dùng khác. Thay vì chỉ thao tác thông qua máy tính như thông thường, những người sử dụng metaverse có thể dùng các thiết bị hỗ trợ như tai nghe, kính VR để bước vào thế giới ảo, kết nối tất cả các loại môi trường kỹ thuật số.

Chuyên trang công nghệ Information.com đánh giá, doanh thu từ các lĩnh vực như trò chơi, thương mại điện tử và quảng cáo thông qua nền tảng metaverse của Facebook có thể đạt gần 82 tỷ USD vào năm 2025, gần bằng tổng doanh thu quảng cáo của hãng này năm 2020. Từ cuối năm 2021 và trong năm 2022, hàng loạt các tổ chức lớn trong ngành ngân hàng, thời trang, giải trí đều đã công bố các kế hoạch đầy tham vọng với metaverse. Trong năm 2023, metaverse được dự báo sẽ bùng nổ hơn, khi làn sóng gia nhập “vũ trụ ảo” lan rộng tới cả các doanh nghiệp nhỏ hơn.

Công nghệ chỉnh sửa “lên ngôi”

Khả năng không ngừng phát triển của môi trường kỹ thuật số đem lại những trải nghiệm trực tuyến sống động. Do đó, các nhà khoa học đang theo đuổi hướng nghiên cứu nhằm tạo ra phiên bản kỹ thuật số của vật thể thực để có thử nghiệm các chỉnh sửa trước khi tiến hành những thay đổi trong thực tế. Thí dụ, các đội đua xe của giải Công thức 1 tạo ra “ bản song sinh kỹ thuật số” của chiếc xe đua thật và sử dụng thế giới kỹ thuật số để thử nghiệm xe trong các điều kiện ảo. Điều này cho phép các đội đua nghiên cứu, căn chỉnh, thay thế các bộ phận của xe trong thế giới kỹ thuật số cho đến khi chúng được tối ưu hóa, trước khi tiến hành sử dụng công nghệ in 3D tạo ra các bộ phận tương ứng cho phương tiện trong thực tế.

Thế giới kỹ thuật số với các khả năng tương tự để chỉnh sửa hoặc lập trình các vật liệu trong thế giới thực cũng được đẩy mạnh nghiên cứu với công nghệ nano. Bằng cách điều chỉnh các đặc tính và thành phần của vật liệu ở cấp độ nano, con người có thể cung cấp cho vật liệu các tính năng mới, chẳng hạn như sơn tự phục hồi hay quần áo chống thấm nước, hoặc có thể phát triển các vật liệu hoàn toàn mới, chẳng hạn như graphene, một trong những vật liệu mỏng nhất và bền nhất được biết đến hiện nay.

“Đỉnh cao” của công nghệ chỉnh sửa là điều chỉnh cấu trúc của các sinh vật sống như thực vật, động vật hoặc con người bằng cách chỉnh sửa thông tin di truyền. Công nghệ chỉnh sửa gien mở ra một loạt các khả năng hầu như không giới hạn. Trẻ em có thể tạo được miễn dịch với những căn bệnh mà cha mẹ chúng dễ mắc phải, cây trồng có thể được phát triển để chống lại sâu bệnh và thuốc men có thể được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá nhân theo cấu tạo gien của chính họ…

Blockchain ngày càng quan trọng

Theo các quy trình truyền thống, việc thiết lập niềm tin giữa hai bên trong môi trường trực tuyến đều phải thông qua trung gian. Các ngân hàng và công ty thanh toán như Paypal xác minh danh tính và đóng vai trò là “người bảo lãnh” khi người dùng chuyển và nhận tiền. Tuy nhiên, trên thực tế đây đều là những hệ thống hoạt động trên nguyên tắc tập trung, nghĩa là sự cố vẫn dễ dàng xảy ra nếu các công ty không quản lý hệ thống một cách hiệu quả hoặc không hành động vì lợi ích tốt nhất của khách hàng.

Vào năm 2023, blockchain được dự báo sẽ là một trong những xu hướng công nghệ nổi bật với khả năng giúp loại bỏ quyền kiểm soát cuối cùng đối với một tổ chức, công ty hoặc quy trình khỏi bất kỳ khả năng chi phối tận dụng nào. Giao dịch có thể được diễn ra mà không cần bên trung gian, bởi được xác thực thông qua một hệ thống phi tập trung, khó có thể bị xóa bỏ, chỉnh sửa, bởi các dữ liệu được lưu trữ tại tất cả các máy tính tham gia hệ thống.

“Gã khổng lồ” năng lượng Shell tiết lộ một sáng kiến dựa trên công nghệ chuỗi khối để bảo đảm chính xác nguồn gốc năng lượng chảy trong hệ thống của mình. Nhà sản xuất đồ uống nổi tiếng William Grant & Sons đã gắn các mã thông báo kỹ thuật số phi tập trung (NFT) vào các chai rượu whisky Glenfiddich cực kỳ đắt tiền mà họ bán cho các nhà sưu tập. Công nghệ NFT dựa trên blockchain cho phép người giao dịch dễ dàng truy xuất thông tin và nguồn gốc chính xác của mỗi chai rượu.

Internet vạn vật (IoT)

Xu hướng phát triển này của công nghệ được xem là sự tổng hợp của tất cả những xu hướng khác lại với nhau. Mạng lưới các cảm biến, thiết bị và cơ sở hạ tầng được kết nối để thu thập dữ liệu chúng ta cần nhằm xây dựng siêu dữ liệu, tạo bản sao kỹ thuật số, đào tạo máy móc thông minh và thiết kế các cách thức mới để kích hoạt niềm tin kỹ thuật số mà không cần trung gian. Internet vạn vật (IoT), hay “thế giới siêu kết nối” và tác động của nó đối với cuộc sống của chúng ta sẽ tiếp tục được cảm nhận mạnh mẽ vào năm 2023.

Các tiện ích và thiết bị cũng như không gian làm việc của nhiều hộ gia đình ngày nay được lấp đầy bằng các công cụ và ứng dụng thông minh. Tuy nhiên, các nền tảng và hệ điều hành khác nhau vẫn tạo ra không ít khó khăn. Vào năm 2023, các tiêu chuẩn và giao thức toàn cầu được kỳ vọng sẽ giúp các thiết bị tương thích với nhau hơn.

Một lĩnh vực phát triển trọng tâm khác sẽ là bảo mật IoT. Mặc dù các thiết bị được kết nối có thể cải thiện cuộc sống của chúng ta theo nhiều cách, nhưng chúng cũng tạo ra rủi ro bảo mật. Bất kỳ thiết bị nào cũng có khả năng là điểm truy cập mà kẻ tấn công có thể sử dụng để giành quyền truy cập vào toàn bộ hệ thống. Cải thiện khả năng bảo mật để ngăn chặn các cuộc tấn công này sẽ là ưu tiên hàng đầu của các công ty đang đầu tư vào IoT.

Dịch vụ 5G và các dịch vụ 6G trong tương lai sẽ không chỉ giúp các thiết bị kết nối nhanh hơn mà còn tương thích nhiều thiết bị hơn. “Giao tiếp” giữa các thiết bị có thể được “chia nhỏ” và được đặt trong các kênh tồn tại biệt lập. Như vậy, các thiết bị sẽ được kết nối một cách đáng tin cậy hơn và có thể được sử dụng trong các quy trình quan trọng như phẫu thuật bằng robot.