Các chủ nhân của “Nobel Hòa bình châu Á”

Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay mới đây công bố bốn chủ nhân của giải năm nay. Nhằm mục đích tôn vinh những người đã “phục vụ quên mình vì sự phát triển của các dân tộc châu Á”, Ramon Magsaysay được mệnh danh là giải “Nobel Hòa bình châu Á”.
0:00 / 0:00
0:00
Các chủ nhân của giải Ramon Magsaysay 2022. Ảnh: UCINEWS
Các chủ nhân của giải Ramon Magsaysay 2022. Ảnh: UCINEWS

Ngày 31/8 vừa qua, Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay đã công bố các chủ nhân của giải năm nay, trong đó bao gồm ba bác sĩ và một nhà hoạt động vì môi trường. Những người được vinh danh sẽ có mặt tại Thủ đô Manila (Philippines) vào tháng 11 tới để tham dự lễ trao giải thưởng được tổ chức theo hình thức trực tiếp. Đại diện Ban tổ chức (BTC) giải thưởng cho biết, những người chiến thắng năm nay “đều đã thách thức các định kiến xã hội vô hình gây ra sự chia cách, đã vẽ ra những ranh giới sáng tạo và truyền cảm hứng để xây dựng các kết nối”.

Theo The Washington Post, một trong những người thắng giải Ramon Magsaysay 2022 là bác sĩ tâm thần người Campuchia, ông Sotheara Chhim. Ông Chhim, 54 tuổi, là người sống sót sau chế độ diệt chủng Pol Pot. Khi còn nhỏ, ông bị buộc phải làm việc trong các trại tập trung của Khmer Đỏ trong hơn ba năm cho đến khi sự cai trị của Pol Pot kết thúc vào năm 1979. Ông trở thành một trong những bác sĩ tâm thần đầu tiên của Campuchia sau nhiều năm chiến tranh và dành cả cuộc đời mình để điều trị cho mọi người, đặc biệt là ở các cộng đồng nông thôn.

BTC giải thưởng Magsaysay đánh giá “sự can đảm và bình tĩnh của ông Chhim trong việc vượt qua những tổn thương sâu sắc của chính mình để trở thành người chữa bệnh cho mọi người”. Ông Sotheara Chhim cũng đã ra làm nhân chứng trước tòa án xét xử các lãnh đạo cấp cao chế độ diệt chủng Pol Pot. “Là một nạn nhân của chế độ diệt chủng Pol Pot, tôi cũng bị sang chấn tâm lý. Nhưng giúp đỡ những người sống sót sau chế độ diệt chủng cũng giúp tôi chữa lành bản thân”, ông Chhim cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2017.

Người tiếp theo được vinh danh cho giải thưởng Ramon Magsaysay năm 2022 là nhà hoạt động môi trường và nhà làm phim 27 tuổi người Pháp Gary Bencheghib. Bencheghib thắng giải vì nỗ lực làm sạch các nguồn nước bị ô nhiễm của Indonesia. Năm 14 tuổi, anh bắt đầu công việc dọn dẹp bãi biển hằng tuần cùng với chị gái, anh trai và bạn bè của mình trong một dự án bảo vệ môi trường. Gần đây, Bencheghib và anh trai của mình đã chế tạo thuyền kayak làm bằng chai nhựa và tre để nhặt rác ở sông Citarum, một trong những con sông ô nhiễm nhất thế giới.

Bencheghib từng làm phim ở New York (Mỹ) và sản xuất hơn 100 video về ô nhiễm nhựa và bảo vệ môi trường, thu hút hàng triệu người xem trên YouTube, Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác. BTC giải thưởng cho biết, một bộ phim tài liệu năm 2017 về con sông Citarum bị ô nhiễm ở Tây Java đã thúc đẩy chính quyền của Tổng thống Indonesia Joko Widodo khởi động một chương trình phục hồi kéo dài bảy năm.

Trong khi đó, bác sĩ Bernadette Madrid (64 tuổi), người Philippines, cũng nhận được giải thưởng vì đã thành lập các trung tâm bảo vệ trẻ em trên khắp đảo quốc để giúp đỡ các nạn nhân của bạo hành gia đình. Kể từ năm 1997, bà đã lãnh đạo trung tâm bảo vệ trẻ em đầu tiên của đất nước tại Bệnh viện đa khoa Philippines ở Manila. Trung tâm này đã giúp đỡ hơn 27.000 trẻ em tính đến năm ngoái.

Người cuối cùng trong danh sách là bác sĩ nhãn khoa Nhật Bản Tadashi Hattori (58 tuổi). Ông được vinh danh vì đã phẫu thuật mắt miễn phí tại Việt Nam. Năm 15 tuổi, ông quyết định trở thành bác sĩ khi chứng kiến ​​sự đối xử thô lỗ đối với cha ông, một bệnh nhân ung thư, tại các bệnh viện trong nước. Trong một chuyến thăm Thủ đô Hà Nội năm 2002, ông đã vô cùng xúc động khi chứng kiến ​​cảnh nhiều người dân bị mù lòa vì thiếu các bác sĩ chuyên khoa mắt và cơ sở điều trị, từ đó ông bắt đầu gây quỹ, đào tạo chuyên gia và quyên góp thiết bị cho các bệnh viện địa phương. “Ngay cả khi chỉ chữa lành một bên mắt cũng có thể khiến ai đó có thể đi học hoặc đi làm trở lại”, ông Hattori cho biết.

Giải thưởng Ramon Magsaysay thành lập vào năm 1957, được đặt theo tên của Tổng thống Philippines Ramon Magsaysay, người qua đời trong một vụ tai nạn máy bay năm 1957. Giải thưởng nhằm mục đích tôn vinh những người đã “phục vụ quên mình vì sự phát triển của các dân tộc châu Á”.