Sống chưa bao giờ dễ dàng
Tại tọa đàm “Bạn đang nghịch gì với đời mình” do Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, TS Dương Ngọc Dũng, giảng viên của trường đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể giúp bạn trẻ hình dung rõ: cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng. Lấy câu chuyện từ chính sự trải nghiệm của bản thân trong việc tự học, tự rèn nếp sống hay tích lũy kỹ năng, TS Dũng cho biết nhiều người trẻ hiện nay nhìn cuộc sống quá đơn giản mà không nghĩ rằng để tồn tại, thành công ai cũng phải trầy trật vượt qua các chướng ngại vật. “Không thể có hình thức “làm giàu không khó”, mọi thứ đều phải trả giá. Khó khăn xuất hiện khắp nơi, vậy nên chúng ta phải chấp nhận và chuẩn bị tinh thần, điều kiện để đối phó với nó”, TS Dương Ngọc Dũng cho hay.
Trao đổi ý kiến tại tọa đàm, không ít sinh viên (SV) cho biết họ và bạn bè của mình đang gặp phải những rào cản khiến bản thân dù muốn nhưng không thể đạt được các mục tiêu đã đề ra. Đó là mong muốn “nối nghiệp gia đình” của cha mẹ khi định hướng tương lai, đó là những áp đặt của môi trường chung quanh về khái niệm thành công, hạnh phúc. “Nhiều khi em muốn bỏ học để làm lại từ đầu nhưng sợ ba mẹ buồn nên lại thôi. Đến giờ, tốt nghiệp rồi mới thấy mình đã đi sai hướng. Bắt đầu lại mọi thứ chưa bao giờ dễ dàng, nếu không nói là rất áp lực”, một SV chia sẻ.
Theo TS Dương Ngọc Dũng, việc để bản thân bị ràng buộc bởi những tư tưởng bên ngoài hay so sánh mình với người khác sẽ khiến không ít bạn trẻ cảm thấy đau khổ, tự ti. Muốn khác đi, bản thân người trẻ phải thay đổi mạnh mẽ: “Hạnh phúc là điều khiến chúng ta cảm thấy cuộc sống này ý nghĩa và chúng ta tự hào về những thành công chân chính của mình. Người trẻ hãy sống có mục tiêu rõ ràng và cố gắng đạt được từng mục tiêu đã đặt ra. Đừng chạy theo xu hướng mà quên bản thân, đừng vội vàng chấp nhận những giải pháp do người khác đưa ra trong khi mình chưa nỗ lực hết sức”.
Bớt mơ mộng để thấy điểm yếu của bản thân
Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực tư vấn nhân sự tại các tập đoàn lớn, Ths Nguyễn Thanh Thủy, Quản lý tuyển dụng của Manpower Group Việt Nam cho rằng điểm cần thay đổi nhất của người trẻ bây giờ chính là cách nhìn về cuộc sống, về công việc. “Nhà tuyển dụng không cần người giỏi nhất mà họ cần người phù hợp nhất”.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, điều họ lo ngại nhất bây giờ là sự tự tin quá mức và thiếu kỹ năng giao tiếp, xử lý khủng hoảng của một bộ phận bạn trẻ tự gắn mác “cá tính mạnh”. “Cá tính mạnh không đồng nghĩa với việc bạn muốn nổi loạn khi nào cũng được mà cá tính đó cần được sử dụng đúng lúc để bạn tỏa sáng. Trong môi trường làm việc, cần nhất là sự đồng thuận, đoàn kết vì một cá nhân dù giỏi đến mấy cũng không thể thành công nếu tách biệt khỏi tập thể”, anh Trần Minh Ngọc, một người làm trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự cho hay.
Theo các thống kê về thị trường việc làm, lực lượng lao động có tay nghề cao của Việt Nam hiện rất thấp, chỉ 11% trong khi số lao động không có tay nghề cao gấp bốn lần. Tay nghề của phần đông lao động Việt cũng chưa được đánh giá cao trong khi chỉ vài năm nữa thôi chúng ta phải đối mặt với những đòi hỏi gắt gao từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khi mà rô-bốt, trí tuệ nhân tạo, quy trình tự động hóa, số hóa phát triển mạnh mẽ, nếu không thay đổi tư duy và tìm cách thích ứng, tỷ lệ thất nghiệp sẽ ngày càng gia tăng. Vậy nên, Ths Nguyễn Thanh Thủy cho rằng điều quan trọng là người trẻ xác định rõ mục tiêu sống và làm việc của bản thân. “Bạn trẻ hãy dành thời gian rèn thêm nhiều kỹ năng mềm để bổ trợ cho công việc của mình sau này. Khi giỏi chuyên môn, đủ kỹ năng, có thái độ tốt và biết cách thích nghi thì dù doanh nghiệp yêu cầu cao cỡ nào, bạn cũng có cách đáp ứng tốt để được trọng dụng”, Ths Nguyễn Thanh Thủy nói.