Bồi đắp tâm hồn hội họa

Có những câu lạc bộ (CLB) hoạt động lặng lẽ, mang đến niềm đam mê, sự gắn kết và thúc đẩy nghệ thuật phát triển. CLB Sưu tập nghệ thuật Ngọc Hà là một thí dụ.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà sưu tập Trần Ngọc Lâm giới thiệu về bộ sưu tập cá nhân.
Nhà sưu tập Trần Ngọc Lâm giới thiệu về bộ sưu tập cá nhân.

Đừng nghĩ sưu tập chỉ vì… tiền!

CLB vừa kết thúc Tuần lễ trưng bày và giao lưu Tranh tượng nghệ thuật với nhiều dư âm. Các thành viên đã cùng tập hợp tranh, bỏ kinh phí treo tranh, đón khách… Hơn 30 tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ trưởng thành từ khóa 1 Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (tiền thân của Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam) đến các khóa sau được trưng bày tại địa chỉ 628 Hoàng Hoa Thám, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đây là lần hiếm hoi một CLB tập trung chọn lọc tác phẩm để cùng tổ chức, giao lưu với công chúng, tạo nên nhiều chia sẻ, kết nối hữu ích.

Nhà sưu tập Trần Ngọc Lâm đại diện CLB, trước đây đã duy trì một nhóm những người yêu tranh, sưu tập tranh, cùng nhau trò chuyện, giao lưu về nghệ thuật với những cuộc trò chuyện kéo dài từ sáng sang tới đầu giờ chiều mà vẫn chưa ai muốn ra về. Tới khi nhà giám tuyển tranh Nguyễn Sơn Trường từ nước ngoài về, đưa ra ý tưởng lập nên một CLB để tăng tính gắn kết, hỗ trợ, giúp anh em có động lực hơn nữa trong hành trình đến với nghệ thuật, giúp ích cho người sưu tập, giới họa sĩ, đồng thời tạo ra môi trường lành mạnh, nhân văn. Mọi người quyết định chọn tên CLB là Ngọc Hà, vừa là địa chỉ nhóm vẫn gặp gỡ, vừa là địa danh làng hoa xưa, đầy dấu ấn văn hóa, lịch sử của Hà Nội.

CLB có khoảng 20 nhà sưu tập. Mỗi người một hoàn cảnh, cá tính, cơ duyên với hội họa, nhưng vẫn có tiếng nói chung, sự đồng cảm để tạo nên động lực cho sự sẻ chia, gắn bó. Trong khi vẫn nhiều nhận định cho rằng, muốn sưu tập tranh, không thể không đề cập tới vấn đề kinh phí. Các thành viên CLB thừa nhận, đó là một điều kiện, nhưng đặt trong nhiều điều kiện khác quan trọng hơn. Đầu tiên, phải là niềm đam mê. Có đam mê sẽ có động lực. Có động lực sẽ vượt qua được nhiều rào cản. “Chúng ta đều biết, có những người bán cả nhà để sưu tập. Có người suốt đời trăn trở tìm con đường để sở hữu được tác phẩm nghệ thuật. Dù giàu có đến mấy cũng khó ai bỏ cả núi tiền để mua tranh liên tục và cũng chẳng có không gian nào đủ để lưu giữ. Cũng rất khó để tìm ra người nào phá sản, trắng tay chỉ vì sưu tập”, anh Trần Ngọc Lâm bày tỏ.

Trong hoạt động, CLB đề cao “thái độ” văn hóa. Sưu tập tranh không có nghĩa là đặt việc mua bán, lợi nhuận lên hàng đầu, mà giá trị cốt lõi là giữ gìn, lan tỏa tinh hoa hội họa nước nhà. Điều đó thể hiện qua câu chuyện họ chia sẻ mỗi sáng, cách thức thẩm định, chọn lựa và giữ gìn từng bức tranh.

Kỳ vọng thêm không gian mới

Các thành viên CLB mong muốn, vài tháng một lần, sẽ có hoạt động cụ thể, hướng tới cộng đồng, thu hút giới nghiên cứu, giới trẻ, thêm cơ hội để giới sưu tập giao lưu với nhau. Theo đó, ngoài câu chuyện về giữ gìn phát huy giá trị nghệ thuật, việc liên kết giữa giới sưu tập cũng góp phần tạo nên giá trị lành mạnh, nhân văn. Bởi, không ít người bị va vào tranh giả rồi mới có kinh nghiệm, nhưng nếu liên kết thành nhóm, có sự trao đổi, bàn bạc cụ thể sẽ tránh được phần nào rủi ro.

Theo đó, các nhà sưu tập nhận định, công chúng hiện nay sẽ không chỉ có nhu cầu xem tranh ở bảo tàng, mà cần thêm các không gian khác. Chẳng hạn, năm 2021, sau đại dịch Covid-19, anh Trần Ngọc Lâm từng tổ chức triển lãm bộ sưu tập cá nhân mang tên “Màu quá khứ” từ 28/8 đến 6/9 tại một quán cà-phê địa chỉ 50 Tràng Thi, tạo được hiệu ứng tích cực. Nhiều nhóm triển lãm mượn tranh để tiếp tục các hoạt động trưng bày. Nhiều khách hàng quen thuộc đã tìm hiểu, hỏi han và mong chờ tiếp tục có thêm hoạt động. Nhiều sinh viên trẻ liên hệ để học hỏi, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm.

Không phải họa sĩ, nhà nghiên cứu hay quản lý lĩnh vực mỹ thuật, nhưng các nhà sưu tập hội họa thời gian qua đang xác lập vị thế, tiếng nói trong thế giới mầu sắc. Dù thầm lặng, song, sự hình thành và ý tưởng tốt đẹp của các nhóm, cộng đồng nhỏ những nhà sưu tập vẫn tạo nên những “cuộc chơi” đề cao tinh thần văn hóa.