Bình đẳng giới trong lĩnh vực truyền thông

Giảm thiểu định kiến giới và tiến tới bình đẳng giới là một hành trình dài cần toàn xã hội chung tay mà báo chí, truyền thông được ví như đội quân tiên phong. Theo đó, giảm thiểu định kiến giới cũng là cách để những người trẻ, nhất là nhóm sinh viên ngành báo chí và sinh viên ngành sư phạm tăng khả năng thấu hiểu và phản ánh xã hội một cách đa chiều hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án Seesaw of Balance mở ra nhiều điều mới mẻ cho những bạn trẻ làm truyền thông.
Dự án Seesaw of Balance mở ra nhiều điều mới mẻ cho những bạn trẻ làm truyền thông.

Từ góc nhìn của sinh viên

“Seesaw of Balance” là dự án bình đẳng giới của nhóm sinh viên Trường đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng triển khai, hướng đến đối tượng sinh viên trong khối và học sinh THPT. Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam”, do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, tổ chức Oxfam điều phối, quản lý được tổ chức, thực hiện tại ba thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Nét thú vị của Seesaw of Balance nằm ở sự lan tỏa, lôi cuốn sức sáng tạo, nhiệt huyết của sinh viên các trường đại học thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng.

Theo đó, có năm hoạt động chính được nhóm dự án “Seesaw of Balance” triển khai gồm: Truyền thông bình đẳng giới trên các nền tảng mạng xã hội gồm Facebook, TikTok, Instagram; Tổ chức buổi Talkshow “Báo và giới”; Cuộc thi sáng tạo, thiết kế poster/tranh vẽ “Kết nối giới”; Workshop “Truyền thông không định kiến” và tổng giao lưu kết thúc dự án “Seesaw of Balance - End Game” với hoạt động trao giải, triển lãm poster/tranh vẽ, công chiếu video phóng sự “Định kiến giới và nhặt sạn giới trong truyền thông”.

Theo nhóm dự án “Seesaw of Balance”, qua những nội dung được nghiên cứu có thể thấy, trong các chương trình quảng cáo, nam giới luôn được mặc định với hình ảnh thành công và nam tính. Ngược lại đối với phụ nữ, các quảng cáo về đồ gia dụng, công việc nội trợ rất ít khi xuất hiện người đàn ông. Điều này vô tình củng cố cho định kiến rằng, nội trợ và chăm sóc gia đình luôn là công việc của nữ giới. Dự án mong muốn xã hội cần phải có cách nhìn khác về vai trò của nam và nữ, mọi giới tính đều phải được tôn trọng và đối xử công bằng như nhau.

Những “hạt sạn” cần loại bỏ

“Trường đại học Sư phạm may mắn là một đơn vị có nhiều nhóm sinh viên tham gia dự thi sáng kiến và đoạt giải. Từ các nhóm nòng cốt này, các sáng kiến nhận được sự ủng hộ và tham gia của rất nhiều sinh viên từ các ngành nghề khác nhau”, ThS Phạm Thị Hương, giảng viên Tổ báo chí, Khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng (Ban cố vấn dự án) cho biết.

Trong các nhóm sinh viên thụ hưởng dự án tại Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, có hai nhóm nổi trội là nhóm sinh viên ngành báo chí và sinh viên ngành sư phạm. Nhiều năm qua, Tổ báo chí đã quan tâm nghiên cứu các vấn đề về giới trong truyền thông. Đối với dự án lần này, Tổ báo chí có các giảng viên tham gia với tư cách giảng viên nòng cốt giảng dạy các kiến thức về giới cho sinh viên nói chung, đồng thời hướng dẫn, đồng hành cùng các nhóm sinh viên (nòng cốt là sinh viên báo chí) thực hiện sáng kiến.

“Seesaw of Balance” đã tìm ra được những “hạt sạn” đang tồn tại liên quan đến bình đẳng giới trong truyền thông. Nguyễn Đoàn Gia Hân (sinh viên năm 2, Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, Chủ nhiệm dự án) chia sẻ: “Chọn đề tài “nhặt sạn” về giới trên báo chí, truyền thông là cách chỉ ra dấu hiệu về bất bình đẳng trong các hoạt động truyền thông đại chúng cùng với một số bài viết được đăng tải trên các trang báo mang những hàm ý nhạy cảm giới. Nhóm dự án muốn giải quyết rõ ràng về định kiến giới trong truyền thông. Cung cấp những thông tin về bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trong các sản phẩm báo chí. Từ đó nâng cao nhận thức và định hướng cho học sinh, sinh viên và những người sử dụng mạng xã hội về vấn đề này”.

ThS Phạm Thị Hương cho rằng, khi nhận ra định kiến giới, đồng nghĩa với việc người làm truyền thông đã sẵn có kiến thức về giới, nhạy cảm giới trong nghề nghiệp. Họ sẽ đủ tự tin và tế nhị để tương tác, bày tỏ quan điểm trong các tình huống có định kiến giới trong tác nghiệp.

Theo sinh viên Nguyễn Trần Thanh Toàn, việc hiểu rõ vấn đề bình đẳng giới có tác động lớn đến công việc và sự nghiệp. Nắm bắt được những thách thức và tiềm ẩn về bình đẳng giới giúp sinh viên có khả năng thấu hiểu và phản ánh xã hội đa chiều hơn. Điều này làm cho những sản phẩm báo chí, truyền thông được minh bạch, cũng như truyền tải được nhiều thông điệp hơn.