“Bệ phóng” nâng tầm giá trị của sách

Ngày 17/10, Ban tổ chức Giải thưởng sách Booker đã vinh danh tiểu thuyết “The Seven Moons of Maali Almeida” (tạm dịch là “Bảy tuần trăng của Maali Almeida”) của nhà văn Shehan Karunatilaka người Sri Lanka. Giải thưởng hàng đầu dành cho tác phẩm văn học được xem là “bệ phóng” giúp nâng tầm giá trị của sách cũng như tăng doanh số bán sách, trong bối cảnh ngành in ấn, xuất bản đang gặp nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Tác giả Shehan Karunatilaka nhận Giải Booker 2022. Ảnh: TIME
Tác giả Shehan Karunatilaka nhận Giải Booker 2022. Ảnh: TIME

Theo thông lệ, cứ vào khoảng tháng 10 hằng năm, các nhà xuất bản và nhà in hào hứng chờ đón công bố cuốn sách đoạt giải Booker, một trong những giải thưởng hàng đầu trong ngành xuất bản của Anh và thế giới. Tại lễ trao giải diễn ra ở London (Anh), Vương hậu Anh Camilla đã trao giải thưởng văn học danh giá này cho nhà văn Shehan Karunatilaka, với cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh cuộc nội chiến ở Thủ đô Colombo (Sri Lanka) vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước.

Theo BBC, cuốn tiểu thuyết đoạt giải năm nay viết về hành trình của phóng viên ảnh Maali Almeida đã bị sát hại. Ở thế giới bên kia, anh quyết tâm tìm ra kẻ đã gây ra cái chết của mình và phơi bày sự tàn khốc của cuộc xung đột. Chủ tọa ban giám khảo, nhà sử học và cây viết người Anh Neil MacGregor ca ngợi tác phẩm “đưa người đọc vào cuộc hành trình bằng tàu lượn siêu tốc xuyên qua sự sống và cái chết”. Tiểu thuyết gia Shehan Karunatilaka (47 tuổi) là tác giả người gốc Sri Lanka thứ hai giành giải thưởng Booker. Năm 1992, nhà văn Michael Ondaatje với tác phẩm “The English Patient” (tạm dịch: Bệnh nhân người Anh) đã giành giải Booker đầu tiên cho quốc gia Nam Á.

Giải thưởng Booker trị giá 50.000 bảng, được trao hằng năm cho tiểu thuyết được xuất bản bằng tiếng Anh. Ngoài ra, năm tác phẩm lọt vào vòng chung khảo đều là những tiểu thuyết xuất sắc đang được yêu thích. Tại lễ trao giải, nữ ca sĩ khách mời Dua Lipa đã phát biểu ý kiến về niềm đam mê đọc sách của mình. Ngôi sao nhạc pop gọi đây là “một trong những niềm vui sâu sắc nhất trên thế giới” và khẳng định tầm quan trọng của sách và việc đọc sách. “Đọc sách giúp tôi định hướng trong cuộc sống, hiểu được những cảm xúc. Đó là niềm an ủi với tôi”, Dua Lipa chia sẻ. Sự xuất hiện của Dua Lipa trong lễ trao giải được xem là nhân tố thu hút giới trẻ tới sự kiện lâu đời này.

Đây là một trong số ít giải thưởng danh giá trong ngành xuất bản sách văn học gây tiếng vang trên thế giới. Để có được sự ghi nhận này, ban tổ chức đã bảo đảm một quy trình đánh giá nghiêm ngặt, không bị ảnh hưởng bởi nhà tài trợ hay các yếu tố bên ngoài trong suốt hơn 50 năm qua. Trang web của giải Booker cho hay, ban giám khảo được cân bằng về giới tính và nghề nghiệp trong ngành, thường gồm một nhà văn, một nhà phê bình, một biên tập viên và một học giả được chọn cùng với một người nổi tiếng trong xã hội.

Kể từ khi ra đời năm 1969 đến nay, giải thưởng sách đã duy trì chất lượng nhất quán và ảnh hưởng thấy rõ nhất là doanh số bán sách tăng lên đáng kể. Một trong những tác phẩm thành công nhất khi nhận giải Booker là tiểu thuyết “Life of Pi” (Tạm dịch là “Cuộc đời của Pi”) của tác giả Yann Martel. Sau khi đoạt giải Booker năm 2001, tiểu thuyết được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ và xuất bản ở gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo nhà nghiên cứu Claire Squires của Trường đại học Oxford Brookes, trong tuần đầu sau khi công bố chiến thắng Booker, “Life of Pi” đã bán được 7.150 bản ở Anh, trở thành tựa sách tiểu thuyết bìa cứng bán chạy nhất trong tuần đó. Dù không phải tất cả các đầu sách đoạt giải Booker đều có doanh số ngoạn mục ngay tuần đầu như vậy, nhưng đều có ghi nhận sự gia tăng rõ rệt mỗi năm.

Do giải thưởng sách có tác động lớn nên tác giả thắng giải Booker đồng thời được ghi nhận thành công về khía cạnh văn học và thương mại. Ngoài ra các nhà xuất bản và nhà in cũng đặc biệt chú ý sự kiện bởi cứ mỗi dịp trao giải, gần như ngay sau đó, cuốn sách sẽ được đặt hàng và tái bản liên tục để đáp ứng nhu cầu tìm mua của độc giả. Song những năm gần đây, ảnh hưởng của các công nghệ mới khiến ngành xuất bản, in ấn gặp nhiều thách thức. Giới trẻ ngày nay có nhiều lựa chọn ngoài sách in và đặc biệt, loại hình tiểu thuyết lại càng “kén” người đọc trẻ. Vì vậy, ngành xuất bản nói chung và ban tổ chức Giải Booker cũng đang nỗ lực chuyển mình để đem lại sự mới lạ, hấp dẫn người đọc.