Bất cập quy định đào tạo, sát hạch lái xe

Đổi tên trung tâm đào tạo lái xe thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp; sát hạch bằng phần mềm mô phỏng tình huống giao thông; học thực lái qua cabin điện tử; giám sát quá trình học… là những quy định mới trong đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe. Tuy nhiên, thực tế còn rất nhiều vướng mắc.
0:00 / 0:00
0:00
Quy định mới cần thêm những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế các đơn vị đào tạo và người học lái xe.
Quy định mới cần thêm những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế các đơn vị đào tạo và người học lái xe.

Hệ lụy đổi tên

Cuối năm 2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) có Công văn 3033/TCGDNN-PCTT yêu cầu các trung tâm đào tạo lái xe đổi tên thành “Trung tâm giáo dục nghề nghiệp”. Nhận được công văn trên, ông Vũ Xuân Dung, Phó Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe Bắc Hà liệt kê ra: Với doanh nghiệp, đi kèm đổi tên là hàng loạt thủ tục phải triển khai. Trước đây, đề án thành lập trung tâm đào tạo sát hạch giấy phép lái xe phải qua UBND cấp tỉnh phê duyệt, giờ đổi tên phải xin cấp phép lại từ đầu. Và nếu đổi tên trung tâm thì hàng loạt giấy tờ khác phải thay đổi theo như: mã số thuế, giấy phép đào tạo, các thủ tục liên quan đến ngân hàng… Riêng trung tâm chúng tôi có hơn 300 xe cũng phải đổi đăng kiểm. Tất cả các thủ tục đó để hoàn thành xong cần ít nhất một năm với chi phí không hề nhỏ, ông Dung phân tích.

Đào tạo lái xe là lĩnh vực mang tính đặc thù riêng, mỗi cơ sở phải đáp ứng đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Tất cả tài sản nói trên đều gắn liền với tên gọi của cơ sở đào tạo, như: Quyền sở hữu và sử dụng đất đai; hạ tầng xây dựng trên diện tích đất được cấp; phương tiện phục vụ đào tạo lý thuyết, thực hành lái xe… Ngoài ra, mỗi cơ sở đào tạo đều phải thực hiện nhiều giao dịch dân sự phức tạp như: Vay vốn ngân hàng, bảo hiểm các loại, giấy kiểm định phương tiện, thủ tục sang nhượng hoặc mua bán tài sản, phiên hiệu cơ sở đào tạo được in trên các phương tiện tập lái… Nếu đổi tên thì tất yếu phải thực hiện quy trình thủ tục với nhiều cơ quan chức năng để thay đổi nhiều loại giấy tờ theo tên gọi mới.

Quy định vội vàng?

Theo một số cơ sở đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe thì tỷ lệ thí sinh thi đỗ phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông đạt khoảng 40-50%. Trong khi đó, hiện nay Bộ Giao thông vận tải mới chỉ ban hành bản tóm tắt 120 tình huống giao thông mà chưa có giáo trình hướng dẫn cụ thể. Qua triển khai thực tế học và thi bằng phần mềm mô phỏng, ông Ngô Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Hồng Hà nhận thấy một số vấn đề chưa sát thực tiễn. Như khi giáo viên dạy thực hành lái xe, ngoài kiến thức còn truyền tải kinh nghiệm lái xe cho học viên qua các phương pháp 3 giây xử lý tình huống trên đường, 3 trước (giảm ga trước, đệm phanh trước, về số trước)… Tuy nhiên, qua phần mềm mô phỏng, khi tình huống nguy hiểm xuất hiện, phải thực hiện ấn phanh đúng thời điểm mới được điểm tối đa. Nếu ấn sớm hay muộn đều bị điểm trừ, như vậy là mâu thuẫn với việc xử lý thực tế trên đường. “Đã là thực hành phải có tài liệu quy chuẩn hướng dẫn thực hành toàn quốc. 120 tình huống phải có 120 hướng dẫn, từ tính cần thiết tới cách xử lý. Nếu chưa có tài liệu thì nên tạm dừng chưa thực hiện”, ông Thắng nêu quan điểm.

Riêng với quy định giám sát thời gian học và quãng đường của học viên lái xe, nhiều ý kiến cho rằng, hiện Việt Nam đang thực hiện theo hướng xã hội hóa đào tạo nhưng quản lý chặt việc sát hạch. Vì vậy mà cơ quan quản lý nhà nước không cần thực hiện quản lý quá chi tiết quá trình đào tạo mà tập trung quản lý giám sát thật chặt bảo đảm chất lượng quá trình sát hạch lái xe như một số nước trên thế giới thực hiện. Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, các cơ sở đào tạo lái xe ô-tô phải trang bị cabin điện tử để phục vụ cho việc học thực lái xe ô-tô. Tuy nhiên, theo Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam, đến nay cabin điện tử vẫn chưa thí điểm chính thức tại cơ sở đào tạo lái xe ô-tô nào, nên chưa biết được có hiệu quả hay không? Trong khi đó, một số cơ sở cử giáo viên đi thử cabin thì có biểu hiện khó chịu như chóng mặt, buồn nôn…

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam nhìn nhận: Đào tạo lái xe là lĩnh vực hết sức minh bạch và trên thực tế chỉ cần quản chặt đầu vào, đầu ra, chứ không cần giám sát quá trình học. Nếu bắt buộc phải triển khai cũng phải có lộ trình thí điểm, đánh giá hiệu quả, sự cần thiết chứ làm ngay sẽ gây khó cho các trung tâm. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cần nghiên cứu, đánh giá lại quy định học lái trong cabin điện tử có hiệu quả bằng việc dành thời gian thực hành lái xe trên đường hay không? Trước đây đã từng có đơn vị áp dụng xong phải bỏ, trong khi chi phí để trang bị cabin rất lớn, gây lãng phí không cần thiết.