Bảo tồn và phát triển nón Huế

Nón lá cùng với áo dài là phục trang và phụ kiện gắn bó mật thiết với phụ nữ Huế trong các dịp hội lễ.
0:00 / 0:00
0:00
Bảo tồn và phát triển nón Huế

Nón lá có ở ba miền nhưng với Huế, đã được mặc định không chỉ là sản phẩm thương mại mà còn là văn hóa, là hồn cốt của Huế khi kết hợp với áo dài tạo nên sự nền nã, dịu dàng, duyên dáng cho người mặc.

Hiện, có nhiều làng làm nón lá ở khắp ba miền như làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội), làng Dạ Lê, Phủ Cam, Ðốc Sơ (Huế), làng Phú Gia (Bình Định), làng La Hà (Quảng Bình)… Mỗi làng nghề đều có cách chọn nguyên liệu và kỹ thuật làm khác nhau tạo nên sản phẩm mang phong cách riêng.

Nón lá Huế đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, có sự biến đổi dưới nhiều hình thức để tồn tại và thích nghi với đời sống. Sản phẩm nón lá Huế được nhiều người biết đến một phần nhờ kế thừa, kết tinh từ miền bắc đến miền nam, từ cung đình đến dân gian để tạo ra sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng đất này.

Ngoài những chiếc nón ngựa bịt bạc, bịt đồng dùng cho giới quý tộc, quan lại triều Nguyễn khi cưỡi ngựa thì nón lá cũng là vật dụng che nắng mưa cho người dân địa phương. Không những thế, hình ảnh chiếc nón lá, nón bài thơ luôn gắn với nét dịu dàng của phụ nữ xứ Huế, trở thành món quà tặng đầy ý nghĩa dành cho du khách.

Thống kê của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho thấy, hiện nghề làm nón lá Huế không thịnh vượng như xưa, nhưng vẫn còn vài làng nghề như Phủ Cam, Ðốc Sơ, Dạ Lê, Vân Thê... So với trước, số lượng người làm nón hiện nay phần lớn là đối tượng yếu thế, khó khăn. Tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa của nón lá Huế trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam” trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế 2023, các chuyên gia cho rằng cần có chế độ, chính sách trợ cấp và tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ tay nghề cao duy trì sản xuất các sản phẩm độc đáo. Trước tiên nhằm phục vụ sinh hoạt, các lễ hội của cộng đồng và sau hướng tới sản xuất một số loại sản phẩm cao cấp, có giá trị kinh tế cao đáp ứng thị hiếu của du khách nội địa và quốc tế. Cùng với đó, các cơ sở làm nón trên địa bàn nên phối hợp với các công ty lữ hành xây dựng tuyến điểm đến tham quan để du khách có thêm trải nghiệm trong hành trình khám phá Cố đô.