“Bảo tàng âm nhạc” đặc biệt về nhạc sĩ Hoàng Vân

Đúng thời điểm nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời vừa tròn 100 ngày, gia đình ông đã lập một trang web lưu lại tất cả những dữ liệu về tác giả tác phẩm, kỷ niệm, công trình nghiên cứu liên quan đến ông, với mục đích phục vụ công chúng. Thời Nay đã có cuộc trò chuyện cùng con trai nhạc sĩ Hoàng Vân – nhạc trưởng Lê Phi Phi.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi.

Phóng viên (PV): Sống ở nước Cộng hòa Macedonia đã hơn 20 năm, anh đánh giá thế nào về việc gia đình các nghệ sĩ lưu giữ gia tài sáng tác khi người thân qua đời?

Nhạc trưởng Lê Phi Phi (LPP): Ở Macedonia, việc lưu giữ, bảo tồn các tác phẩm của các cố nghệ sĩ là một công việc không thể thiếu. Có nhiều cách nhưng phổ biến nhất là lập trang web, thành lập những quỹ chuyên về các vấn đề liên quan đến cố nghệ sĩ, hợp đồng với công ty bản quyền tác giả để bảo vệ, quản lý các tác phẩm. Lập bảo tàng cũng là một ý tưởng tốt nhưng để thực hiện được nó thì phải phối hợp với bộ ngành, địa phương... Ngoài ra thì từ quỹ của các nghệ sĩ cũng có thể tổ chức các sự kiện như hòa nhạc tưởng nhớ, triển lãm, cấp học bổng cho các sinh viên làm nghiên cứu về đề tài nghệ sĩ đó… Những điều tôi kể trên, gia đình tôi cũng đang chuẩn bị thực hiện trong tương lai đối với cha tôi - nhạc sĩ Hoàng Vân.

PV: Bắt đầu từ đâu mà gia đình anh có ý tưởng lập một “bảo tàng âm nhạc” cho nhạc sĩ Hoàng Vân?

LPP: Đầu tiên là khối lượng tác phẩm của ông khá đồ sộ gồm cả ca khúc, hợp xướng, giao hưởng, nhạc phim, nhạc kịch, khí nhạc… Từ lâu tôi và chị gái mình - TS âm nhạc Lê Y Linh - đã ấp ủ tập hợp tác phẩm của cha mình thành một thư viện, in sách. Tuy nhiên, âm nhạc là bộ môn nghệ thuật của thời gian, phải được chơi, phải được hát lên thì mới sống và với công nghệ hiện nay thì một trang web là phương tiện hữu ích để âm nhạc Hoàng Vân có thể đến với bất cứ ai. Năm 2015 khi cha tôi ốm nặng, chị Lê Y Linh tìm được gần hết những tổng phổ, đặc biệt là những bài chưa công bố của ông và đã lưu dưới dạng số. Khi ông qua đời, chị em tiếp tục chọn lọc tư liệu tổng phổ, tư liệu thu thanh. Chúng tôi đã đạt được mục đích đặt ra là phải ra được web này vào dịp một trăm ngày cha mình.

“Bảo tàng âm nhạc” đặc biệt về nhạc sĩ Hoàng Vân ảnh 1

Cố nhạc sĩ Hoàng Vân. Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp

PV: Về trang web mang tên nhạc sĩ Hoàng Vân, tinh thần hướng đến công chúng được thể hiện qua những giá trị gì?

LPP: Trước hết, công chúng có thể nghe nhạc của Hoàng Vân theo chủ đề tra cứu lời, tiếp cận nhiều tổng phổ là bút tích viết từ chính bàn tay nhạc sĩ. Đây sẽ là một kho tư liệu cho những ai muốn tìm kiếm tất cả dữ liệu liên quan đến nhạc sĩ Hoàng Vân. Chúng tôi cũng đặt chế độ giao lưu để xin được tư liệu, hồi ký của những người có hảo tâm muốn công bố cho chúng ta biết được nhiều điều hơn nữa về ông. Một ngôi nhà mới xây, mới có chút trang bị cơ bản, nhờ giao lưu và cố gắng của người tới thăm nhà, chúng tôi hy vọng sẽ trang trí được ngôi nhà này toàn thiện, toàn mỹ như nhạc sĩ Hoàng Vân hướng tới lúc sinh thời. Chúng tôi muốn chọn một con đường để nhạc Hoàng Vân ngày càng gần với quần chúng đồng thời bảo tồn, phân tích giá trị và quảng bá âm nhạc của ông bằng nhiều phương thức khác nhau.

PV: Từ nỗi mất mát, gia đình anh đã làm được một điều thật ý nghĩa. Cảm xúc của anh thế nào?

LPP: Hướng đến tinh thần lạc quan và ngày mai tươi sáng là điều cha tôi luôn mong muốn. Cha chúng tôi có một cuộc đời thật may mắn vì được công chúng yêu quý, hâm mộ. Chúng tôi dựng cho ông một “ngôi nhà mới” với mong muốn thu thập lại những kỷ niệm, công bố để công chúng hiểu, có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc đời và tác phẩm của ông. Đây cũng là nơi chúng tôi liên hệ với các ca sĩ, nhạc sĩ, đơn vị biểu diễn âm nhạc để tạo ra nguồn giao lưu nhằm làm sống lại những tác phẩm của nhạc sĩ trên sân khấu, trong các trường, khắp miền đất nước, đúng vị trí mà nhạc sĩ kỳ vọng lúc sáng tác ra chúng. Tôi và chị gái tôi không làm được tròn nghĩa vụ người con như chúng tôi mong muốn lúc cha tôi còn sống, chúng tôi đã hẹn nhau là sẽ dùng phần còn lại của cuộc đời chúng tôi để hoàn thành sứ mạng mà chúng tôi tự định ra này.

PV: Cảm ơn nhạc trưởng Lê Phi Phi!

NHẠC TRƯỞNG LÊ PHI PHI: Kỷ niệm thì thật nhiều, nhưng tôi hay nghĩ ngợi về cha tôi một dịp đúng ngày 2-9-2017. Ông dự đêm hòa nhạc “Điều còn mãi” tại Nhà hát Lớn Hà Nội và tôi chỉ huy dàn nhạc. Tại chương trình, bản nhạc “Hồi tưởng” của ông được biểu diễn làm màn khép lại với giai điệu của “một thời đạn bom một thời hòa bình”. Đôi mắt cha tôi rưng rưng, chân ông bước chậm lại phía tôi lúc đêm nhạc kết thúc. Sau thời khắc ông trút hơi thở cuối cùng, tôi báo tin buồn ấy với mọi người: “Cha tôi đã ra đi trong thanh thản”.