Bảo đảm quyền lợi cho học viên Học viện Múa Việt Nam

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về việc tháo gỡ vướng mắc trong công tác đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) cho học sinh (HS), sinh viên (SV) Học viện Múa Việt Nam. Việc hàng trăm HS Học viện Múa Việt Nam (đã tốt nghiệp và sắp ra trường) không được cấp bất cứ bằng cấp nào đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của HS khiến các em không thể đi học tiếp tục hoặc đi làm. Trong khi, vấn đề này liên quan đến quản lý nhà nước của ba bộ.

Học viện Múa Việt Nam. Ảnh: MINH PHÚC
Học viện Múa Việt Nam. Ảnh: MINH PHÚC

Đi học nhưng không được công nhận kết quả

Sau hơn sáu năm học tại Học viện Múa (năm 2013 - 2020), HS H.N.V (SN 2001) đã ra trường, thi đậu Trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, nhưng học một tháng thì không được học nữa do không có bằng tốt nghiệp THCS và THPT. H.N.V quay lại Học viện Múa hỏi bằng văn hóa, nhận được câu trả lời: “Do trường không liên kết đào tạo văn hóa với Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy, nên HS không có mã định danh. Vì vậy, HS không được xét tốt nghiệp THCS và thi lấy bằng tốt nghiệp  THPT”.

Trường hợp của H.N.V nằm trong đơn của hàng trăm phụ huynh HS Học viện Múa Việt Nam (từ khắp mọi nơi trong cả nước) gửi báo chí về việc 325 HS học xong (cả số học gần xong) nhiều năm nhưng chưa được cấp bằng tốt nghiệp THCS và chứng nhận đã học hết chương trình THPT.

Theo đó, năm 2013, trong giấy triệu tập của tất cả HS đã trúng tuyển vào Trường cao đẳng Múa Việt Nam đều phải nộp đầy đủ hồ sơ, trong đó có học bạ (tối thiểu học hết lớp 6) hoặc hồ sơ HS, SV bản gốc để tiếp tục đào tạo song song văn hóa và chuyên môn múa theo ngành học trúng tuyển. Trong suốt quá trình học chuyên môn, HS vẫn được học văn hóa song song, vẫn có bảng điểm. Tuy nhiên, năm 2017, rất nhiều HS Học viện Múa tốt nghiệp, ra trường nhưng không nhận được bằng THCS và bằng THPT. Thậm chí, không nhận được bằng chuyên môn.

Học viện Múa Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của ba bộ. Trước tiên, nó là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ VHTT&DL. Thứ hai, nó thuộc hệ thống trường nghề, có đào tạo hệ Trung cấp (TC) nghề và Cao đẳng (CĐ) nghề nên chịu sự quản lý của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Tất cả HS thuộc hệ TC nghề vẫn phải theo học văn hóa phổ thông nên Học viện còn chịu sự quản lý về chuyên môn giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT. Thế nhưng, dù có tới ba bộ quản lý thì vẫn để xảy ra chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”: Không thể giải quyết được việc cấp bằng cho 325 HS của Học viện (trong đó có 20 HS đã tốt nghiệp, 305 HS chờ tốt nghiệp).

Đáng nói, số HS đang theo học tại Học viện Múa Việt Nam đều không có mã định danh HS. Theo quy định của Thông tư 26 của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2019, mỗi HS có một mã định danh duy nhất và thông qua hoạt động tuyển sinh sẽ được cập nhật lên Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành trên cơ sở các thông tin buộc phải khai báo. Trường hợp HS chuyển nơi học hoặc thôi học thì thông tin đó cũng sẽ được cập nhật lên hệ thống chứ không xóa bỏ. Điều đó có nghĩa mã định danh này sẽ được lưu lại và gắn liền với tên của HS đó tới suốt đời. Như vậy, việc HS của Học viện Múa Việt Nam không có mã số định danh cũng đồng nghĩa việc trường đã không khai báo tuyển sinh với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giáo dục trên địa bàn là Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy. 

Trao đổi với phóng viên Thời Nay, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết: “Việc trả lời của nhà trường với HS và phụ huynh về việc không liên kết đào tạo văn hóa với Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy, nên HS không có mã định danh là hoàn toàn không chính xác. Bởi lẽ, Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy là cơ quan quản lý nhà nước không có chức năng đào tạo!”. Hằng năm, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ ban hành kế hoạch tuyển sinh và Phòng GD&ĐT quận (huyện) sẽ có chức năng giao kế hoạch tuyển sinh cho các đơn vị đào tạo chương trình văn hóa THCS trên địa bàn. Các đơn vị sau khi trình các nội dung liên quan như: Số lượng điều tra HS cần tuyển sinh, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thì phòng GD&ĐT sẽ thẩm định và cấp chỉ tiêu tuyển sinh cho đơn vị đó. Mỗi một đầu vào tuyển sinh sẽ được cấp mã số định danh HS.

Trách nhiệm nhiều bên

Chưa được cấp chỉ tiêu tuyển sinh, Học viện Múa Việt Nam cũng tự tung tự tác luôn trong việc giảng dạy văn hóa cho HS trong nhà trường. Anh Hoàng Mạnh Cường - bố cháu H.N.V cho biết: “Trong suốt quá trình học chuyên môn, HS vẫn được học văn hóa song song, vẫn có bảng điểm. Chính bởi vậy cha mẹ vẫn yên tâm là con được học đầy đủ!”.

Học viện đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đào tạo của mình. Mặc dù không có chỉ tiêu tuyển sinh nhưng vẫn thực hiện dạy văn hóa. Toàn bộ quá trình dạy không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở đây là Sở GD&ĐT quản lý về chương trình, chất lượng, thi cử… nên hậu quả chương trình đào tạo của nhà trường không được công nhận và HS sẽ không được cấp bằng!

Theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và các văn bản trước đây, việc đào tạo chương trình phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 12) do Bộ GD&ĐT quản lý. Đối với các trường nghề, đặc biệt là hệ TC chuyên nghiệp, nay là hệ TC nghề, việc dạy và học văn hóa có thể do trường nghề đảm nhiệm nếu trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và sẽ tham gia giảng dạy chương trình bốn môn văn hóa (Toán, Lý, Hóa, Văn) cho HS. Khi ra trường các em sẽ nhận bằng TC nghề và chứng nhận đã hoàn thành chương trình văn hóa lớp 12. Trường hợp, nếu trường nghề không đủ điều kiện dạy văn hóa, họ sẽ phối hợp các cơ sở giáo dục văn hóa có chức năng là Trung tâm Giáo dục thường xuyên giảng dạy cho HS bảy môn văn hóa thì khi ra trường, HS sẽ được nhận hai bằng: Bằng tốt nghiệp TC nghề và bằng tốt nghiệp THPT quốc gia. Trường hợp khác, HS sẽ tự theo học văn hóa tại các cơ sở giáo dục bên ngoài. Đáng lưu ý, việc quy định này giữ nguyên giá trị kể từ trước hay sau thời điểm hệ thống trường TC chuyên nghiệp, CĐ chuyển từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH quản lý.

Cơ quan chủ quản của Học viện Múa Việt Nam là Bộ VHTT&DL cũng không nằm ngoài trách nhiệm trong vấn đề này. Là cơ quan quản lý nhà nước về chức năng, nhiệm vụ hoạt động của nhà trường, Bộ VHTT&DL có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phát triển của nhà trường. Đặc biệt mới đây khi Trường CĐ Múa Việt Nam nâng cấp lên thành Học viện. Trong quá trình nâng cấp, nhà trường bắt buộc phải có kế hoạch chuyên môn của mình, trong đó có kế hoạch giảng dạy năng khiếu và văn hóa. Vậy, nếu bộ chủ quản kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của nhà trường thì sẽ “tuýt còi” ngay những lỗi vi phạm. 

Liên quan đến ngành GD&ĐT, nếu Sở và phòng GD&ĐT thực hiện tốt chức năng quản lý địa bàn của mình: Thường xuyên kiểm tra hoạt động chuyên môn để phát hiện việc giảng dạy văn hóa tại Học viện Múa Việt Nam chưa phù hợp thì sẽ có ngay hướng dẫn, giải quyết kịp thời. Với Sở LĐ-TB&XH là cơ quan có thẩm quyền cấp bằng TC nghề cho HS trường múa. Tấm bằng này chỉ được cấp khi các em HS hoàn thành việc học nghề và văn hóa, liệu cơ quan này có nắm rõ mảng học văn hóa có bảo đảm chất lượng để cấp bằng hay chưa?

Trong công văn mới đây, Bộ GD&ĐT cho rằng trong trường hợp Trường CĐ Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) tổ chức đào tạo đầy đủ chương trình theo Quyết định số 92/2004/QĐ-BVHTT ngày 1-10-2004 của Bộ trưởng VH-TT&DL ban hành Chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp thì Học viện Múa Việt Nam cấp bằng tốt nghiệp cho HS theo thẩm quyền. Bộ GD&ĐT đồng ý để Học viện Múa Việt Nam được in phôi bằng và in bằng tốt nghiệp theo quy định hiện hành.

Bộ GD&ĐT đồng ý để Học viện Múa Việt Nam cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong trường hợp HS đã hoàn thành chương trình theo quy định tại Thông tư 16/2010/TT-BGDĐT ngày 28-6-2010 của Bộ trưởng GD&ĐT về việc Ban hành Quy định khung TC chuyên nghiệp.

Lâu dài, để bảo đảm quyền lợi cho HS, SV thì việc đào tạo văn hóa tại Học viện Múa Việt Nam phải tuân thủ đúng pháp luật.