Trĩu nặng tâm tư
Thời điểm này, khi năm học mới sắp bắt đầu, hơn 2.500 giáo viên của Hà Nội đã gửi đơn kiến nghị bỏ việc thi thăng hạng giáo viên. Các thầy, cô cho rằng, chỉ cần xét, không nên tổ chức thi. Việc này giúp giáo viên tập trung hơn vào chuyên môn của mình và để chính những em học sinh muốn lựa chọn nghề giáo trong tương lai có thể yên tâm hơn về các chế độ, chính sách liên quan đến nhà giáo.
Theo quy định về tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên công lập, giáo viên được chia thành ba hạng. Hạng I là cao nhất. Tại TP Hà Nội, để thăng hạng, các giáo viên sẽ phải tham gia một kỳ thi. Cô Nguyễn Thanh X, giáo viên ở huyện Đông Anh (Hà Nội) vừa cùng 2.500 giáo viên ở các cấp học kiến nghị TP Hà Nội bỏ hình thức thi mà chỉ áp dụng hình thức xét hồ sơ khi giáo viên chuyển từ hạng III lên hạng II, hạng II lên hạng I.
Thầy giáo Lê Văn M, quận Hoàn Kiếm, chia sẻ: “Năm học mới đến gần, chúng ta biết, phải chuẩn bị chương trình sách giáo khoa mới, nhiệm vụ của các nhóm chuyên môn chúng tôi là phải họp thường xuyên để xây dựng bài giảng, mất nhiều thời gian. Nhưng nếu chúng tôi phải ôn thi, chúng tôi không có thời gian soạn bài giảng. Như vậy, vô hình trung, chúng ta làm mất đi cơ hội được lắng nghe, được tiếp thu bài giảng tốt nhất của học sinh, chưa nói đến việc tổ chức một kỳ thi tốn kém như thế nào”.
Trong lần thi thăng hạng ba năm trước, giáo viên Hà Nội đã thi bốn môn: Ngoại ngữ, Tin học, Kiến thức pháp luật và môn chuyên ngành. Cô giáo Hoàng Thị H, giáo viên dạy Lịch sử ở quận Đống Đa cho biết: “Các giáo viên ra trường cách đây 15-20 năm như chúng tôi rất bất lợi với kỳ thi này, mặc dù thời gian cống hiến cho sự nghiệp giáo dục không hề nhỏ. Khi học đại học, chúng tôi cũng được học tiếng Anh nhưng hồi đó, giáo trình và chương trình dạy học chưa tân tiến. Từ khi ra trường công tác tôi không dùng tiếng Anh vì tôi dạy Lịch sử. Bây giờ yêu cầu thi tiếng Anh, tôi lại phải học căn bản từ đầu. Điều này khiến mất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức. Sau đó, thi xong rồi, cũng lại không sử dụng trong hoạt động chuyên môn nữa”.
Theo ý kiến của các giáo viên, dù không thi, chỉ xét tuyển thì vẫn bảo đảm được chất lượng của giáo viên thi thăng hạng. Thầy giáo Nguyễn Văn H có thâm niên 20 năm dạy học bày tỏ: “Bạn là giáo viên, bạn phải khẳng định được chuyên môn của mình thông qua bài giảng, thông qua chất lượng đào tạo, thông qua các kỳ thi (như thi giáo viên giỏi các cấp) chứ không phải mỗi kỳ thi thăng hạng mới đánh giá được chất lượng giáo viên”.
Mới đây, ngày 15/8, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi ý kiến với giáo viên, nhân viên ngành giáo dục cả nước. Buổi gặp gỡ trực tiếp giữa Bộ trưởng và các giáo viên diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu đặt tại Bộ GD&ĐT và 63 tỉnh, thành phố...
Ở huyện miền núi Yên Châu (Sơn La), thầy Đinh Văn Hải, giáo viên mầm non xã Tú Nang nêu thực tế, lương giáo viên hiện tại chưa đủ sống. Phần lớn các thầy, cô giáo ở miền núi đều xa nhà, ở lại trường, cuối tuần mới về nhà rồi mua nhu yếu phẩm mang lên trường dùng cả tuần. Thời gian giảng dạy của các thầy, cô nhiều, nên không có cơ hội làm thêm việc khác để tăng thu nhập. Thầy Hải mong muốn Bộ trưởng GD&ĐT kiến nghị xem xét tăng lương cho giáo viên.
Cô Lý Thị Trinh Nguyên, giáo viên Trường mẫu giáo Họa Mi, thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) bày tỏ: “Giáo viên mầm non rất vất vả vì lớp học thường đông học sinh ở lứa tuổi phải bỏ nhiều công sức để chăm sóc và dạy dỗ nhưng mức ưu đãi 35% theo nghề như hiện nay là rất thấp và không đủ để trang trải cuộc sống. Thời gian qua có rất nhiều giáo viên mầm non không bám trụ được với nghề, bỏ việc hoặc chuyển sang ngành nghề khác”. Cô Nguyên mong muốn Bộ trưởng tiếp tục quan tâm, tham mưu Chính phủ sớm tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 70% giống như các trường chuyên biệt để thu hút được đội ngũ tham gia giáo dục mầm non và giúp các cô an tâm công tác…
Ở khối giáo dục đại học, TS Trần Trọng Đạo, Chủ tịch Công đoàn, Trường đại học Nha Trang chia sẻ, hiện nay, không ít viên chức, người lao động xin thôi việc, chuyển công tác khác, học ở nước ngoài xong thì không muốn về trường làm việc. Vì “lương không đủ sống” nên không ít viên chức, người lao động phải làm thêm nhiều công việc trái ngành ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục, đào tạo. Vì vậy, ngoài chính sách tiền lương, ông Đạo kiến nghị cần có chính sách cho vay vốn với các ưu đãi đặc thù (thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng) cho viên chức, người lao động trong ngành.
Đây cũng là tâm tư, nguyện vọng chung của nhiều thầy, cô giáo trên cả nước. Theo thống kê của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, trong hơn 6.500 câu hỏi của các nhà giáo gửi đến, có gần 2.000 ý kiến liên quan chế độ tiền lương, phụ cấp; gần 200 ý kiến phản ánh việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, việc chuyển ngạch giáo viên, gần 500 ý kiến liên quan đến tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non…
Giờ lên lớp của giáo viên THCS. Ảnh: TTXVN |
Đồng ý bỏ thi thăng hạng chức danh giáo viên
Theo đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), bộ này đã nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này.
Bộ GD&ĐT cho biết, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp được thực hiện thông qua hình thức thi và xét (khoản 2 Điều 31 Luật Viên chức 2010 và khoản 2 Điều 29 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP). Việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng.
Tuy nhiên, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ. Bộ GD&ĐT nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này.
Hiện, Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Bộ GD&ĐT đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những giáo viên thật sự xứng đáng để thăng hạng chức danh nghề nghiệp trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
Tại buổi gặp gỡ với giáo viên ngày 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những vất vả, nặng nhọc của giáo viên mầm non, trong khi chế độ chính sách, thu nhập chưa tương xứng. Bước đầu, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục lưu ý đến việc bù đắp thù lao giờ làm việc nhiều của giáo viên mầm non. Về độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, Bộ trưởng cho biết, hiện Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội. Trong góp ý luật này, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi hưu.
Bộ trưởng cũng chia sẻ, ngành giáo dục có số lượng người hưởng lương công chức, viên chức rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ, cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện. Hiện có tới hơn 200 chính sách rải rác trong các văn bản khác nhau từ các bộ, ngành. Bộ GD&ĐT sẽ rà soát các chính sách và việc xây dựng Luật Nhà giáo có thể đem lại chuyển biến tích cực về thể chế; để giáo dục công và tư được bình đẳng trong thực tế. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành về tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách nâng nguồn thu nhập cho đội ngũ nhà giáo.
Để phát triển số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo, Bộ GD&ĐT đang gấp rút các công việc để điều chỉnh Nghị định 116 trong việc đào tạo lực lượng giáo viên; sửa đổi trong Thông tư 16 về định mức giáo viên/lớp; điều chỉnh chính sách thi đua - khen thưởng; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, phát triển hệ thống các trường sư phạm...