Bảo đảm chặt chẽ quy trình vận hành các nhà máy thủy điện

Thời gian qua, số lượng nhà máy thủy điện được bố trí xây dựng khá dày trên hệ thống sông các tỉnh miền trung, trong đó có Nghệ An đã và đang gây nên những hệ lụy khó lường. 

Nhà máy thủy điện Bản Vẽ lớn nhất tỉnh Nghệ An lúc xả lũ.
Nhà máy thủy điện Bản Vẽ lớn nhất tỉnh Nghệ An lúc xả lũ.

Thực tế đáng lo sợ

Còn nhớ lũ chồng lũ năm 2010 ở Hà Tĩnh, thủy điện Hố Hô (13 MW) ở Hương Khê xả lũ đã khiến bao người lạnh tóc gáy mỗi khi nhắc lại. 

Khi đó, miền núi Hà Tĩnh mưa xối xả suốt nhiều ngày liền. Nước lũ làm mất điện và kéo theo cây cối khiến các cánh cửa van xả lũ thủy điện Hố Hô bị tê liệt, cả tháp nước khổng lồ cuồn cuộn vượt mặt đập trên một mét nước. Tuy cách đập thủy điện khá xa, từ đường Hồ Chí Minh nhìn lên chỉ thấy một khối nước khổng lồ tung bọt như rây trắng một góc rừng. Nguy cơ vỡ đập trong gang tấc. Lực lượng chức năng đã được huy động, chờ lệnh phá đập, xả lũ, thoát nước. Hàng vạn người dân ở hạ du được sơ tán khẩn cấp. May mắn thay, lực lượng cứu hộ đã dũng cảm “gỡ tắc” được hai cánh cửa van, hàng triệu mét khối nước ào ào đổ xuống, thoát nguy cơ vỡ đập. Tuy đập không bị vỡ nhưng chỉ trong giây lát, làng mạc phía hạ du ngập chìm trong biển nước; không ít nhà cửa, ruộng vườn bị lũ tàn phá hay cuốn trôi…

Trận mưa lũ tháng 10-2016, mặc dù phía nhà máy nói, xả lũ đúng quy trình nhưng phía UBND huyện Hương Khê thì cho rằng, Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ từ 500 m3/s - 1.800 m3/s đã khiến người dân trở tay không kịp…

Giờ đây, khi ngồi viết lại câu chuyện này, chúng tôi vẫn nhớ như in ánh mắt thất thần của người dân vào những thời điểm đó. Mọi người đều nhấn mạnh, với túi nước khổng lồ 38 triệu m3 treo lơ lửng trên cao trình 72 m, thủy điện Hố Hô sẽ như quả “bom” nước, luôn tiềm ẩn nguy cơ, nếu vận hành xả lũ trục trặc, hay sai sót.

Do hệ thống sông, suối ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó có Nghệ An có độ dốc lớn, rất thuận lợi cho phát triển hệ thống thủy điện. Nhưng do quy hoạch, bố trí các nhà máy thủy điện khá dày trên các dòng sông đã để lại hệ lụy khó lường cho người dân ở hạ du. Riêng Nghệ An, sau khi cắt giảm một số thủy điện theo quy hoạch trước đó, đến nay, trên địa bàn Nghệ An hiện có 32 dự án thủy điện lớn, nhỏ với tổng công suất 1.378,9 MW được chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng. Có nhiều hồ chứa thủy điện vận hành khai thác theo hình thức bậc thang đều đổ ra lưu vực sông Cả và sông Hiếu. Cho nên, mỗi khi có mưa lũ lớn, khi vận hành quy trình xả lũ ở một công trình thủy điện phía thượng nguồn thì đồng loạt các nhà máy thủy điện bậc thang vùng hạ nguồn cũng bắt buộc phải mở cửa xả với lưu tốc chảy cực lớn.

Các dự án thủy điện ồ ạt mọc lên, là một trong những nguyên nhân gây ngập lụt nặng nề tại một số huyện miền núi tỉnh Nghệ An, mà đợt mưa lũ xảy ra trong tháng 8 và đầu tháng 9-2018 là một thí dụ. Tại thời điểm đó, trời không mưa nhưng nhiều nơi ở các huyện: Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, nước dâng cao gây ngập lụt, khiến nhiều bản làng bị chia cắt, nhà cửa bị ngập lụt và hư hại, các công trình hạ tầng bị sạt lở, hư hỏng mà nguyên do các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn xả lũ. 

Thủy điện là vậy, còn khí hậu, thời tiết thì biến đổi dị thường. Trên thực tế, các tỉnh Bắc Trung Bộ liên tiếp chịu ảnh hưởng kép của nhiều trận mưa lũ lớn, dồn dập trong thời gian ngắn và không tuân theo quy luật trước đó. Chẳng hạn như tháng 10-2010, Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra mưa bão lớn, khiến cho hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh lũ chồng lũ và kéo dài gần một tháng trời. Còn tháng 10 và 11-2020, liên tiếp có nhiều cơn bão và áp thấp đổ vào các tỉnh Bắc và Nam Trung Bộ, gây mưa lũ kép, làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản cùng hạ tầng kỹ thuật cho các tỉnh nghèo này. Riêng ở Nghệ An và Hà Tĩnh, tháng 10-2020, do ảnh hưởng của hoàn lưu các cơn bão số 7, 8 và 9 đã gây mưa cực lớn ở nhiều địa phương, với lượng mưa từ 500 - 700 mm, cá biệt có nơi lên đến hơn 800 mm. Mưa lớn đã gây ngập lụt cho nhiều địa phương ở hai tỉnh. Riêng hoàn lưu bão số 9 đã làm hơn 16 nghìn hộ dân ở Nghệ An bị ngập sâu và hơn 8.000 hộ dân phải sơ tán do ngập sâu hay có nguy cơ sạt lở đất. Mưa lũ đã làm chín người chết, ba người bị thương; chia cắt nhiều xóm làng ở các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên và TP Vinh. 

Hay theo khảo sát và nhật ký thủy văn hồ thủy điện Bản Vẽ  - lớn nhất bắc miền trung, chỉ có 50 năm mới có một trận lũ với lưu lượng nước hơn 4.000 m3/s đổ về lòng hồ nhưng chỉ trong vòng 20 ngày của tháng 10 năm 2018, đã xảy ra hai trận lũ lịch sử với lưu lượng nước về hồ đạt 4.200 m3/s. 
Bên cạnh đó, trong số 24 thủy điện đã vận hành, đang chạy thử và đang triển khai, tỉnh Nghệ An mất hơn 2.100 ha rừng tự nhiên các loại. Tuy các nhà máy này đã bỏ tiền trồng mới 2.200 ha rừng nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng chất lượng rừng trồng không sánh được với rừng tự nhiên, kể cả là rừng tự nhiên hạng nghèo kiệt, nhất là về yếu tố giữ nước, chống sạt lở đất!

Bảo đảm chặt chẽ quy trình vận hành các nhà máy thủy điện -0
Lắp đặt trạm đo mưa ở xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), thượng nguồn hồ thủy điện Bản Vẽ. 

Giảm nguy cơ

Để giảm bớt tác động tiêu cực do mặt trái của thủy điện gây ra, tỉnh Nghệ An đã đưa ra khỏi quy hoạch 22 thủy điện. Đối với các hồ thủy điện xả lũ theo hình thức liên hồ chứa đều phải xả lũ theo đúng quy trình, quy định. Căn cứ vào tình hình dự báo mưa lũ và tình hình nước trong hồ chứa thực tế, tỉnh Nghệ An sẽ ra lệnh các hồ chứa thủy điện buộc phải xả nước trước để đón và cắt lũ cho hạ du. Trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 9, hồ thủy điện Bản Vẽ đã không xả lũ và phát điện cầm chừng để góp phần giảm lũ cho hạ du được khoảng 30 triệu khối nước. 

Bên cạnh đó, các nhà máy thủy điện đã tiến hành lắp đặt các hệ thống giám sát mưa lũ ở thượng nguồn cùng hệ thống thông tin cảnh báo xả lũ. Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ Tạ Hữu Hùng cho biết: Doanh nghiệp đã lắp đặt 22 thủy văn và trạm đo nước trên lưu vực hồ chứa; trong đó có 12 trạm ở bên nước bạn Lào để nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn và thông tin dự báo lũ cho công trình thủy điện lớn nhất bắc miền trung này. Các nhà máy thủy điện khác cũng đã lắp đặt, phủ kín hệ thống thông tin, loa phát thanh cảnh báo xả lũ cho hạ du và tập huấn cho người dân trong vùng ảnh hưởng cách phòng tránh, sơ tán lên nơi an toàn mỗi khi nhà máy thủy điện thông báo xả lũ khẩn cấp... nhằm giảm thiệt hại cho hạ du.

Hiện, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Nghệ An đang nghiên cứu thực hiện đề án: “Điều tra, đánh giá những tác động tiêu cực của hệ thống các công trình thủy điện ở Nghệ An đến môi trường và đề xuất giải pháp giảm thiểu các tác động”.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An từng tái khẳng định chủ trương từ năm 2015 là không bổ sung mới quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh. Do nguy cơ rủi ro từ các nhà máy thủy điện là hiện hữu, tác động của thủy điện hiện nay rất rõ, nên quan điểm là trong giai đoạn hiện nay dứt khoát dừng bổ sung quy hoạch mới các dự án thủy điện, vì chưa làm rõ được những vấn đề đặt ra về môi trường, an toàn cho người dân. Đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành liên quan cần tăng cường chỉ đạo, phối hợp thật tốt với các chủ đầu tư, các dự án để xử lý các tồn đọng về thủy điện.