Băn khoăn khi không đi cao tốc
Nhằm tiến tới xóa bỏ hình thức thu phí một dừng, Chính phủ đã ra Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19/7/2022 về đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với ô-tô để sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng. Đáng chú ý, chỉ thị yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu phương án dán thẻ định danh là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Hiện Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản giao Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về vấn đề trên.
Đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ là quy trình bắt buộc với mọi phương tiện (xe ô-tô) tham gia giao thông. Đây là quy trình kỹ thuật của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và cấp chứng nhận cho phương tiện cơ giới đường bộ có đủ điều kiện an toàn kỹ thuật tham gia giao thông. Dán thẻ ETC là việc chỉ để thanh toán phí khi chủ xe ô-tô đó cần di chuyển phương tiện ấy qua các tuyến đường BOT có các trạm thu phí không dừng. Bởi vậy, việc gộp hai thủ tục làm một đang tạo ra dư luận trái chiều về tính hợp lý nếu triển khai trong thực tế?
Chị Đỗ Hoan (quận Đông Anh, Hà Nội) băn khoăn: Sống ở ngoại thành, làm việc trong nội thành nên tôi chỉ có nhu cầu sử dụng ô-tô trong quãng đường ngắn để đi làm, đi chợ, đưa đón con… chứ không đi đường dài hay lên cao tốc. Quy định bắt dán thẻ ETC khi đăng kiểm rất lãng phí với những người như tôi bởi không có nhu cầu sử dụng.
Đồng quan điểm, anh Hoàng Tuấn Sơn, một lái xe taxi tại Hà Nội cho rằng: Đăng kiểm xe là chuyện bắt buộc đối với bất cứ xe nào muốn di chuyển trên đường; còn dán thẻ ETC để có thể sử dụng đường cao tốc hay các công trình BOT giao thông thuộc về nhu cầu cá nhân. Nếu thực hiện chủ trương “không dán tem - không đăng kiểm” thì rất nhiều người không bao giờ qua trạm thu phí vẫn phải thực hiện quy trình này. Như vậy vừa không hợp tình, cũng không hợp lý.
Cần cân nhắc kỹ lưỡng
Đánh giá cao hiệu quả hệ thống thu phí ETC, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội đánh giá: Thu phí không dừng đã góp phần giảm ùn tắc giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí. Tuy nhiên, quản lý nhà nước về phương tiện cơ giới đường bộ qua chất lượng đăng kiểm là bắt buộc, còn dán thẻ để sử dụng dịch vụ thu phí không dừng là lựa chọn của cá nhân. Nhà nước chỉ nên khuyến khích người dân sử dụng tiện ích từ thẻ ETC chứ không nên đưa thành yêu cầu bắt buộc cùng với đăng kiểm. Thực tế với ngay cả các doanh nghiệp vận tải taxi, tỷ lệ lái xe đi ngoại tỉnh, cần phải dán thẻ ETC cũng chỉ chiếm khoảng 30%. Nếu bắt buộc phải dán toàn bộ cũng sẽ thành một gánh nặng cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: Không nên gắn một việc tự chọn vào quy trình bắt buộc! Dán thẻ ETC chính là việc mở tài khoản để chủ xe có thể sử dụng dịch vụ thu phí không dừng tại các tuyến đường BOT. Tuy nhiên không phải chủ xe nào cũng có nhu cầu đi qua các tuyến đường BOT. Theo quy định của pháp luật, tuyến đường BOT không được đặt ở tuyến đường duy nhất, không có đường tránh. Hơn nữa sử dụng dịch vụ ETC thu phí không dừng là quyền lựa chọn của người dân trong khi quy định đăng kiểm là bắt buộc. Vì vậy quy định phải dán thẻ ETC mới được đăng kiểm là xâm phạm đến quyền tự do, tự quyết của người dân về việc lựa chọn có đi đường BOT khi tham gia giao thông hay không. Mặt khác, hiện nay rất nhiều người mua ô-tô nhưng chỉ có nhu cầu sử dụng trong đoạn đường ngắn, không có trạm BOT nào. Việc dán thẻ ETC với đối tượng này là không cần thiết, tốn thời gian, phiền hà, thêm chi phí cho người dân cũng như doanh nghiệp.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh,nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam nhận định, việc bắt buộc xe vào cao tốc phải dán thẻ ETC với việc bắt buộc dán thẻ ETC khi đi đăng kiểm là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Bộ Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thận trọng vấn đề trước khi đưa ra những phương án hay đề xuất phù hợp.