Thị trường chứng khoán (TTCK) đã trải qua một số phiên “khó chịu”, vì mức độ phân hóa trong ngắn hạn quá lớn. Diễn biến thường thấy ở đây là nhóm CP vốn hóa lớn kết phiên biến động không mạnh, và chỉ cần 1-2 CP có tỷ trọng lớn về điểm số tăng giá là VN Index tăng. Nhưng trừ khi nhà đầu tư (NĐT) nắm giữ trực tiếp các CP này thì có thể yên tâm danh mục của mình “đồng biến” với VN Index, trường hợp khác sẽ là những ngày cân não.
NĐT muốn tránh cho danh mục giảm sẽ phải tìm những CP mạnh hoặc ít nhất đồng biến với thị trường chung, nhưng điều này không dễ dàng khi sự chọn lọc của dòng tiền là rất khó đoán định. Chẳng hạn trong hai phiên 17 và 18/9, dường như dòng tiền quay trở lại với nhóm CP ngân hàng, nhưng thực tế chỉ có vài CP là khỏe thật sự. Xác suất chọn được đúng CP ngân hàng khỏe trong tổng số CP của nhóm này (khá nhiều) là không dễ. Điều tương tự cũng diễn ra với nhóm CP bất động sản, chẳng hạn phiên 17/7, CP DXS từ mức giá 9.400 đồng/CP bật mạnh vượt ngưỡng 10.000 đồng/CP và tiếp tục duy trì trên mốc này trong phiên 18/7, nhưng đến cuối phiên 19/7, giá CP này lại giảm mạnh xuống chỉ còn hơn 9.600 đồng/CP. Những CP có độ nhạy khá tốt với thị trường như nhóm chứng khoán, nhóm bán buôn-bán lẻ cũng chỉ thể hiện ở cuối phiên, còn trong phiên sẽ có biến động rất lớn, nếu NĐT không thể bắt được điểm mua hợp lý thì có thể lỗ ngay tại ngày T+0 chứ chưa nói đến T+2,5.
Thanh khoản vẫn ở mức cao với giá trị giao dịch khớp lệnh tại HoSE ở mức 15.000 tỷ đồng/phiên sẽ là động lực chính để nâng đỡ TTCK. Nhưng diễn biến của VN Index khi lần lượt trụ vững trên 1.100 điểm rồi 1.150 điểm đang thật sự làm khó NĐT. Thông thường, nếu VN Index biến thiên tại các ngưỡng hỗ trợ quan trọng sẽ trở thành điểm “neo” tâm lý để NĐT dễ giải ngân, nhưng việc tiến lên khá nhanh sẽ tạo ra tâm lý theo kiểu “không mua, không được”. Vậy công cụ nào để NĐT phòng ngừa rủi ro trước khi tính đến chuyện tìm kiếm lợi nhuận?
Kết quả kinh doanh quý II/2023 cũng như sáu tháng đầu năm chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng, nhưng NĐT cần lưu ý đến các yếu tố dự báo có liên quan. Mấu chốt là có thể doanh nghiệp chưa công bố kết quả, nhưng bộ phận phân tích của các công ty chứng khoán lớn như SSI, HSC… đã đưa ra những dự báo tương đối sát với con số sắp công bố. Trường hợp này có thể dẫn đến việc chỉnh cung-cầu đối với từng CP, chẳng hạn, nếu dự báo cho một CP nào đó tích cực thì chưa cần CP nổi sóng nhưng lực mua tích lũy sẽ tăng. Với những CP này, NĐT có thể hướng đến việc mua phòng thủ trước khi tìm kiếm lợi nhuận. Với những CP có kết quả kinh doanh chưa tốt, không hẳn đã là rủi ro, nếu quý II/2023 được xem là điểm đáy trong hoạt động, nghĩa là vẫn có khả năng khi tin xấu xuất hiện có thể là giá đáy của CP. Và điều quan trọng là việc NĐT cần “đọc” kỹ giao dịch để nắm rõ bước giá, biến động của CP trong ngắn hạn trước khi giải ngân, vì cơ hội kiếm tiền dù vẫn có, nhưng sẽ có tính chọn lọc cao hơn so với một - hai tháng trước.