Bài toán chưa có lời giải

Chỉ trong vài ngày qua, giới chức các nước châu Âu liên tục ghi nhận các trường hợp người di cư tử vong khi đang trên đường tới khu vực này. Dù đã chứng kiến hàng trăm nghìn người nhận kết cục đau thương khi tìm đường đến “miền đất hứa”, song làn sóng người di cư đến châu Âu vẫn gia tăng thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người di cư bất chấp nguy hiểm vượt Địa Trung Hải tới châu Âu. Ảnh: REUTERS
Nhiều người di cư bất chấp nguy hiểm vượt Địa Trung Hải tới châu Âu. Ảnh: REUTERS

Theo Le Figaro, ngày 12/8 vừa qua, giới chức Pháp công bố thông tin sáu người di cư đã thiệt mạng do thuyền chở họ bị chìm ở eo biển Manche khi đang trên đường đến Anh vào rạng sáng cùng ngày. Cụ thể, bốn tàu của Pháp, một máy bay trực thăng cùng hai tàu của Anh đã tham gia nỗ lực giải cứu thuyền chở người di cư bị chìm ở ngoài khơi miền bắc nước Pháp. Các lực lượng này đã giải cứu được 55 người di cư và hiện còn một số người mất tích.

Cùng ngày 12/8, lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia cho biết ít nhất hai người Tunisia, trong đó có một trẻ em, đã thiệt mạng và năm người khác mất tích khi thuyền chở họ bị chìm ở ngoài khơi bờ biển phía đông nam quốc gia Bắc Phi này. Theo đó, thuyền chở 20 người Tunisia bị chìm khi đang cách bờ biển thành phố Gabes của Tunisia 120 km và đang trên hành trình hướng đến châu Âu. Lực lượng cứu hộ đã giải cứu được 13 người và đang tiếp tục hoạt động tìm kiếm những người mất tích.

Trước đó một ngày, tổ chức SOS Mediterranee cho biết, tàu cứu hộ Ocean Viking đã giải cứu được hơn 600 người di cư đang lênh đênh trên Địa Trung Hải. Các hoạt động giải cứu diễn ra tại khu vực phía tây nam của đảo Lampedusa (Italy), ở vùng biển giữa đảo này và Tunisia. Người phát ngôn của SOS Mediterranee cho hay, kể từ sáng 10/8, tổ chức này đã giải cứu được 623 người di cư trong 15 chiến dịch. Phần lớn người di cư đến từ Sudan, trong khi những người còn lại đến từ Guinea, Côte d’Ivoire, Burkina Faso, Benin và Bangladesh. Một nhóm trong số này được đưa tới đảo Lampedusa, trong khi nhóm còn lại được đưa tới cảng Civitavecchia, phía tây bắc thủ đô Rome của Italy.

Theo The Guardian, kể từ năm 2018, hơn 100.000 người di cư đã từ Pháp vượt qua eo biển Manche trên những chiếc thuyền nhỏ để đến Anh. Chính quyền Pháp cũng đã tăng cường tuần tra và triển khai các biện pháp ngăn chặn khác sau khi Anh hồi tháng 3 năm nay đã nhất trí chuyển cho Pháp hàng trăm triệu euro mỗi năm để hỗ trợ nỗ lực này.

Tuyến đường qua eo biển Manche là một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới, với rất nhiều vụ lật tàu và nhiều người di cư thiệt mạng trong thập niên qua. Trong năm ngoái, năm người di cư đã thiệt mạng và bốn người khác mất tích khi cố vượt qua eo biển này. Vào tháng 11/2021, 27 người di cư đã thiệt mạng trong vụ lật thuyền ở eo biển Manche.

Trong khi đó, phía bên kia bờ Địa Trung Hải, Tunisia được coi là cửa ngõ chính để những người di cư tìm đường đến châu Âu, bằng cách vượt qua những tuyến đường đầy nguy hiểm trên những chiếc thuyền tạm bợ. Phần lớn những người di cư sẽ xuất phát từ thành phố ven biển Sfax của Tunisia, bởi thành phố này chỉ cách đảo Lampedusa của Italy khoảng 130 km. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), kể từ đầu năm đến nay, hơn 1.800 người đã thiệt mạng trong các vụ đắm thuyền trên tuyến đường di cư qua tuyến đường nguy hiểm nói trên. Con số này cao hơn mức 1.417 người thiệt mạng trong cả năm 2022.

Những con số nói trên một lần nữa cho thấy vấn đề người di cư đang là vấn đề cấp bách của giới chức châu Âu. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi có phản ứng trên toàn châu lục. Dù vậy, cho tới nay, những biện pháp mà giới chức khu vực này đưa ra vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả. Trong khi đó, các nước châu Âu vẫn chia rẽ trong vấn đề quốc gia nào chịu trách nhiệm tiếp nhận những người di cư bất hợp pháp, cũng như nghĩa vụ hỗ trợ người di cư của các nước láng giềng và đối tác. Do đó, vấn đề di cư vẫn là một bài toán chưa có lời giải của khu vực này.